« Đức khôn ngoan được nhận ra
bởi con cái của mình »
(Lc 7, 31-35)
- Hình ảnh đám trẻ
Để nói về thế hệ đương thời đón nhận như thế nào những dấu chỉ Thiên Chúa thực hiện nơi ông Gioan Tẩy Giả và một cách trọn vẹn và duy nhất nơi chính mình, Đức Giê-su so sánh họ với đám trẻ con chơi trò chơi đám cưới hay đám tang: một số thổi sáo, nhưng những đứa khác không nhảy múa; hoặc một số hát bài đưa đám, nhưng những đứa khác không khóc than.
Hình ảnh đám trẻ chơi trò chơi diễn tả một kinh nghiệm rất thường xẩy ra trong cuộc sống của chúng ta :
- Tôi đưa tay ra, nhưng người kia không bắt ; hay tôi kể chuyện cười mà không ai chịu cười.
- Tôi cố giải thích một vấn đề, nhưng anh em hay chị em không hiểu ; và nếu có hiểu thì cũng hiểu sai. Hay sau một hồi cố gắng giải thích, anh em hay chị em lại đặt câu hỏi lạc đề !
- Tôi bày tỏ những cử chỉ thiện cảm, nhưng anh em hay chị em không nhận ra, hay nghiêm trọng hơn, giải thích sai thậm chí ngược lại.
- Tôi sống bình thường, thậm chí rất tích cực về mọi mặt (học tập, cộng đoàn, thiêng liêng, tông đồ…), vậy mà anh em hay chị em nhìn mình như thế, suy nghĩ về mình như thế, hiểu mình như thế. Và điều này làm cho chúng ta đau đớn tận đáy lòng.
- Đức Giê-su và thế hệ của Người
Đó chính là vấn đề của cả một thế hệ đối với những sáng kiến, những thiện chí, những dấu chỉ mà Thiên Chúa quảng đại ban cho loài người chúng ta. Thế hệ của Đức Giê-su là như thế và chắc chắn thế hệ của chúng ta cũng vậy :
- Gioan đến không ăn không uống, thì người ta cho là đồ bị quỉ ám.
- Còn Đức Giê-su, có ăn có uống, lâu lâu đi ăn tiệc, hay ăn cơm khách, thì bị cho là tay ăn nhậu, bạn bè dây dưa với quân thu thuế và phường tội lỗi.
Vậy thì phải có những điều kiện gì để anh em, chị em nhận ra nhau ? Phải như thế nào để thế hệ của Đức Giêsu và thế hệ của chúng ta nhận ra Thiên Chúa nơi các dấu chỉ, và nhất là nơi « Dấu Chỉ Giêsu » ?
- Con cái của Đức Khôn Ngoan
Đức Giêsu nói : « Đức khôn ngoan được nhận ra bởi con cái của mình » (Lc 7, 35). Để nhận ra Đức Khôn Ngoan, vốn là chính Đức Kitô, chúng ta phải là con cái của Đức Khôn Ngoan, phải thuộc về Đức Khôn Ngoan, phải hướng về Đức Khôn Ngoan, phải trăn trở và đi tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, phải có thiện cảm và ước ao Đức Khôn Ngoan.
Trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói : « Đức khôn ngoan được nhận ra ngang qua những hoa trái của mình » (Mt 11, 16-19). Và để nghiệm được sự thơm ngon của hoa trái, chúng ta không có cách nào khác, là liều mình nếm thử. Cầu nguyện với Lời Chúa (chẳng hạn theo phương pháp Linh Thao), chính là để « cảm và nếm » những gì thuộc về Đức Giê-su, nhất là Lời và Ngôi vị của Ngài.
* * *
Trong cầu nguyện chúng ta hãy xác tín rằng, chúng ta chắc chắn sẽ nghe được Lời Chúa, là sự Khôn Ngoan thần linh, bởi vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa ; và Đức Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa, chính là hình ảnh Thiên Chúa vô hình.
Và giữa chúng ta, để nhận ra nhau, điều kiện cũng y như thế. Bởi vì, tất cả chúng ta là con một Cha trên trời và vì thế là anh chị em của nhau.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.