ĐHY Reinhard Marx đã nhận định như thế khi ngài và phái đoàn đến thăm Trung tâm Mục vụ TGP.HCM (TTMV) vào lúc 15g45 ngày 15.01.2016 để gặp gỡ và trao đổi với một số linh mục, tu sĩ và giáo dân đang làm việc trong nhiều lãnh vực mục vụ khác nhau.
Cuộc trao đổi xoay quanh 2 đề tài chính: tình hình Giáo Hội Việt Nam và tình trạng gia đình tại Việt Nam.
Tình hình Giáo Hội Việt Nam
Khởi đầu cuộc trao đổi, Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn đưa ra những con số thống kê về Giáo Hội Việt Nam:
– Dân số Việt Nam: trên 90 triệu. Dân số Công Giáo: gần 7 triệu.
– Số Giám mục (Gm): 26 Gm chính tòa, 2 Gm phó, 4 Gm phụ tá, 17 Gm hưu trí.
– Số Linh mục (Lm) đang làm việc: khoảng 3.700 Lm triều và 1.200 Lm dòng.
– Tu sĩ: khoảng 3.200 nam tu và 19.000 nữ tu; 42 Dòng nam và 108 Dòng nữ.
– Số Giáo lý viên: khoảng 62.000.
Đi vào chiều sâu, Lm Giám đốc TTMV Phêrô Nguyễn Văn Hiền cho rằng Giáo hội Việt Nam đang từng bước trưởng thành với một số thách đố, đó là: thể hiện cung cách đối thoại trong một đất nước độc đảng; sống tinh thần cởi mở trong một quốc gia luôn phải phòng thủ để sống còn; phát huy sự thật trong một xã hội có quá nhiều gian dối. Đa số các gia đình Công giáo Việt Nam ý thức sự cần thiết phải gắn bó với xứ đạo trong việc giáo dục con cái, nên tình hình giáo lý có chiều hướng khả quan: Tại TP.HCM, thường sau khi dạy giáo lý vào buổi sáng, có tới 1.183 giáo lý viên đến tham dự các khóa đào tạo (dài 4 năm) vào mỗi chiều Chúa nhật.
Lm Giám học TTMV Phanxicô X. Bảo Lộc thì nhấn mạnh đến những nỗ lực đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo của Học viện Mục vụ TGP.TPHCM sao cho phù hợp với giáo dân Việt Nam nhiều hơn.
Tình trạng gia đình tại Việt Nam
Lm đặc trách Gia đình Luy Nguyễn Anh Tuấn Tuấn cho biết con số vợ chồng ly dị ở Việt Nam khoảng từ 30 đến 40%. Người Công Giáo ly dị ít hơn tùy theo vùng; có những người ly hôn không khai báo thì linh mục cũng không biết được. Trung bình một gia đình có 2 con, hiếm khi có 3 đến 4 con. Nhiều gia đình có ba thế hệ trong một nhà; những đại gia đình đó có những điều tốt nhưng cũng có những thách đố. Tốt vì có sự nâng đỡ của ông bà về giáo dục nhân bản, đức tin. Còn thách đố phát sinh bởi khoảng cách tuổi tác của hai thế hệ. Các gia đình di dân sống tự lập có khó khăn vì không được trợ giúp trong việc nuôi dạy con cái.
Lm Giuse Vương Sỹ Tuấn đưa ra giải pháp làm sao để tiếp cận người trẻ và các gia đình di dân hầu giúp họ học giáo lý và giới thiệu lối sống hạnh phúc thực sự. Một là Mục vụ Giáo lý huấn luyện nhân sự. Kế tiếp là các dòng tu đến tận nơi ở hoặc nơi làm việc của di dân. Sau cùng là hình thành các nhóm, các cộng đoàn nhỏ sống niềm tin và nâng đỡ nhau trong hoàn cảnh cụ thể như: Gia đình theo Chúa, Khôi bình, Emmanuel…
Ông Tạ Đình Vui, phụ trách các cộng đoàn gia đình đã 22 năm, cho rằng việc cần làm là đào luyện cho con người Việt Nam biết cách suy nghĩ, biết chữa lành trái tim đầy thương tích của mình để trở nên những con người thực sự trưởng thành về nhân bản và đức tin, biết lãnh nhận trách nhiệm đối với Giáo Hội và xã hội.
Chị Têrêsa Vân, một giáo dân nhiệt thành cho biết rằng, nhờ sinh hoạt trong phong trào Emmanuel mà gia đình của chị được nâng đỡ, vượt qua nhiều trở ngại, mỗi ngày một hạnh phúc và hoàn thiện hơn.
Lm Giuse Đào Nguyên Vũ chia sẻ hai điều về di dân: Thách đố và Kế hoạch hành động. Thách đố về phía Giáo hội: Cần giúp di dân cảm thấy họ được Giáo hội yêu thương cách cụ thể. Thách đố về mặt xã hội: Di dân mong được cư xử cách bình đẳng. Hội đồng Giám mục VN đang quan tâm đến di dân. Cần có “Hướng dẫn mục vụ” cho di dân. Sắp tới, mục vụ di dân định mở một công ty để giúp các di dân về việc làm và cung cách sống. Hiện số di dân Đức làm việc tại Sài Gòn đang dần dần gia tăng…
Lm Phêrô Hiền nhận thấy gia đình VN đứng vững phần lớn nhờ sự hy sinh của người mẹ. Điều đáng ưu tư là, hiện nay phụ nữ phát triển rất nhiều về mọi mặt, nhưng nam giới lại không được như thế, và đây sẽ là thách đố lớn. Nếu trong tương lai, nhà nước lo hết mọi sự cho trẻ em như ở phương Tây, và người nam không biết định hình nhân cách của mình đúng mức, gia đình sẽ khó đứng vững.
ĐHY Marx đúc kết: Hoàn cảnh gia đình ở Việt Nam và Đức gần giống nhau. Giáo Hội vui vì nữ giới phát triển. Cần quan tâm chỉ dẫn lối đi cho người trẻ. Tương lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh những trao đổi giữa hai bên Giáo hội với nhau. Xin cảm ơn vì đã có cuộc gặp gỡ rất hữu ích này.
Thánh lễ
Sau khi kết thúc cuộc trao đổi, ĐHY Marx cùng các linh mục hiện diện đã cùng dâng Thánh lễ tại nhà nguyện ấm cúng của TTMV.
Trong phần giảng lễ, dẫn giải Bài đọc I nói về việc dân đòi tiên tri Samuel tìm cho họ một vị vua, ĐHY nhận định rằng người đời nhiều khi khao khát tìm kiếm những điều khác với ý Chúa. Từ bài Tin Mừng nói về việc Chúa chữa người bất toại được đưa xuống từ mái nhà, ĐHY nói nhiệm vụ của Giáo Hội là đưa bệnh nhân đến với Chúa để Chúa chữa cho họ.
Chia tay phái đoàn ĐHY lúc 18g30, các tham dự viên cảm thấy lòng hân hoan khi nhìn thấy sự hiệp thông gắn kết của Hội Thánh trên toàn thế giới.
Tóc Ngắn & Linh Hữu
Nguồn tin: TGP Sài Gòn