Đức Giê-su, người mẹ và đứa con (12.2.2015 – Thứ năm, sau Chúa Nhật V Thường Niên)

Đức Giê-su, người mẹ và đứa con
(Mc 7, 24-30)

 

24 Đức Giê-su đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được.25 Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người.26 Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.27 Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.”28 Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.”29 Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.”30 Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.

***

Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta về một người mẹ. Vậy, trước hết chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho từng người chúng ta quà tặng tuyệt vời là mẹ của chúng ta, là tất cả các phụ nữ trong cuộc đời của chúng ta, và nhất là Đức Maria. Nhận ra người này là ơn huệ Thiên Chúa ban cho người kia, sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn để sống yêu thương và hiệp nhất, ngay trong những lúc khó khăn nhất, thử thách nhất.

Chúng ta được mời gọi hình dung ra nỗi khổ của người mẹ được bài Tin Mừng hôm nay kể lại: bà là người Hi-lạp, gốc Phê-ni-xi, thuộc xứ Xy-ri, có đứa con gái bị quỉ ám; nhưng chắc chắn, không chỉ có người mẹ đau khổ, nhưng là cả nhà và những người thân quen. Dường như thời xưa, ma quỉ không có nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp hay mặt nạ hóa thân, nên hay ám người ta cách trực tiếp. Nhưng ngày nay, lối sống của loài người chúng ta đang cung cấp cho ma quỉ quá nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp và mặt nạ hóa thân: trò chơi đủ loại, phim ảnh, khoái lạc, bạo lực, gian dối, tiền bạc, danh vọng, phương tiện hưởng thụ… Vì thế, hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh hiện nay, có rất nhiều cha mẹ đau khổ vì con cái, không phải vì bị ma quỉ ám, nhưng bị ám trong tâm trí bởi những điều xấu, những năng động xấu thuộc về ma quỉ, đó là lối sống vô trách nhiệm, vô ơn, đam mê phương tiện và thú vui, hưởng thụ, bạo lực, tự do luyến ái, vô kỉ luật, không có lí tưởng cao quí, mất hướng đi, không thao thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống….

Cách ma quỉ ám người ta như thế còn nghiêm trọng hơn, là khi dằn vặt thân xác ở bên ngoài, nghĩa là bị quỉ ám trực tiếp như một số trường hợp mà các Tin Mừng kể lại hay như chúng ta thỉnh thoảng vẫn còn nghe nói ngày nay. Chúng ta, những người con, có bao giờ chúng ta thật sự đặt mình vào những những âu lo, những nỗi khổ của cha mẹ chúng ta chưa? Chúng ta, những người trẻ đang được huấn luyện, chúng ta có bao giờ cảm thông với những trăn trở và bận tâm của những người huấn luyện và những người các trách nhiệm chưa?

* * *

Trở lại với người mẹ đau khổ trong bài Tin Mừng, chúng ta chắc chắn rất ngạc nhiên, khi nghe lời đáp của Đức Giê-su, khi bà mẹ xin Ngài trừ quỉ cho con gái bà:

Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.

(c. 27)

Thái độ của Đức Giê-su làm cho chúng ta ngạc nhiên, nhưng lòng tin mạnh mẽ và khôn ngoan của bà mẹ cũng phải làm cho chúng ta ngạc nhiên:

  • Lòng tin mạnh mẽ, vì bà kiên trì kêu xin (x. Mt 15, 21-28).
  • Lòng tin khôn ngoan, vì bà dựa vào chính Lời Chúa để diễn tả lòng ước ao của mình: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”! (c. 28)

Trong lời nói tuyệt vời khiến Đức Giê-su phải động lòng này, chúng ta còn nhận thấy thái độ khiêm tốn không ghen tị: bà tự nhận mình là thân phận dân ngoại và không ghen tị với dân được chọn là Israel.

Khiêm tốn không ghen tị, đó chính là tâm tình sâu xa mà Chúa chờ đợi và lời Ngài muốn khơi dậy nơi bà, nơi mọi người chúng ta, khi trong lịch sử cứu độ, Chúa ưu tiên đi vào tương quan với một dân tộc, với một số người được tuyển chọn, để qua đó bày tỏ cho chúng hiểu, thế nào là tình yêu Thiên Chúa. Bởi lẽ tình yêu chỉ có thể được diễn tả và được hiểu trong tương quan một-một. Và vì đó là tình yêu Thiên Chúa, nên mọi người được mời gọi “khiêm tốn không ghen tị”, mở lòng ra để đón nhận cũng một tình yêu thương xót như thế, được ban cho từng người, vốn là “những người ngoại”, như người phụ nữ có lòng tin mạnh mẽ. Kế hoạch yêu thương như thế của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Đức Ki-tô, nơi Người, không còn phân biệt Do thái và dân ngoại, tự do và nô lệ, người nam và người nữ… Những gì Đức Giê-su thực hiện cho người mẹ đã loan báo sự hoàn tất này, sự hoàn tất mà chính Đức Giê-su sẽ thực hiện ngang qua mầu nhiệm Vượt Qua.

* * *

Cuối cùng, vẫn còn một điều phải làm cho chúng ta ngạc nhiên nữa: lòng tin của người mẹ cứu được người con. Đức tin của người này cứu được người kia; chính vì thế chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, cho người còn sống, cũng như cho người đã chết. Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta. Vì Chúa là tình yêu, Ngài cũng mến thương những người chúng ta thương mến trong Chúa.

Chân lí này được kể lại khắp nơi trong các Tin Mừng. Đó là trường hợp bà góa thành Na-in có đứa con nhỏ chết sớm : vì thương người Mẹ đau khổ, mà Chúa đã cứu người con ; đó là trường hợp những người khiêng kẻ bại liệt từ trên mái nhà thả xuống trước mặt Chúa : nhìn thấy lòng tin của họ, Ngài đã cứu chữa người bệnh ; và còn nhiều trường hợp khác nữa, như người cha có đứa con gái nhỏ bị bệnh nặng sắp chết, như người chủ có anh đầy tớ bệnh liệt giường ; và ơn cứu độ được ban cho cả nhà, nhờ vào hành trình đến với Đức Giê-su và tin vào Ngài của một mình ông Gia-kêu : « Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này ». Cùng một lúc và thật là quảng đại, Chúa ban ơn cứu độ cho cả nhà ông Gia-kêu.

Có thể nói, đây chính là một tin vui, là NIỀM VUI TIN MỪNG (Evangelii Gaudium). Và tin vui này đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng ta và đem lại cho chúng ta niềm hi vọng khi chúng ta cầu nguyện cho nhau, nhất là cho những người thân yêu đã qua đời. Mỗi người chúng ta hãy khát khao và xin Chúa ban cho chúng ta ơn huệ lớn lao này, đó là xin Chúa cũng công bố rằng, ơn cứu độ đã đến cho gia đình và Gia Quyến của chúng ta, cho cả cộng đoàn, cho cả Hội Dòng. Và ơn cứu độ chính là ơn được giải thoát khỏi sự chết, để sống sự sống mới và sống sự sống mới này mãi mãi với Chúa và với nhau, nhất là với những người thân yêu của chúng ta, còn sống cũng như đã qua đời.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc