WHĐ (19.01.2016) – Sáng thứ Hai 18-01-2016, Đức giáo hoàng Phanxicô đã tiếp một phái đoàn đại kết từ Phần Lan đến Roma hành hương nhân dịp lễ thánh Henry mừng vào ngày 19 tháng Giêng.
Thánh Henry là một giáo sĩ người Anh thời Trung cổ, làm Tổng giám mục Uppsala, hiện nay thuộc Thụy Điển. Ngài đã đến rao giảng Tin Mừng tại Phần Lan và tại đây, ngài được cả người Công giáo lẫn Tin Lành tôn kính.
Phái đoàn do Bà giám mục Irja Askola, thuộc Giáo hội Luther tại Helsinki, hướng dẫn. Giáo hội Luther tại Phần Lan là tổ chức tôn giáo chính của đất nước ở vùng Bắc Âu này, một trong những quốc gia thế tục hóa cao nhất thế giới.
Chuyến viếng thăm này của phái đoàn Phần Lan cũng nằm trong khuôn khổ của Tuần cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu như Đức giáo hoàng đã nhắc đến trong bài diễn văn của ngài.
“Quý tín hữu Luther, Chính thống giáo và Công giáo thân mến, quý vị đã khám phá điều chúng ta có chung với nhau và muốn cùng nhau làm chứng về Đức Giêsu Kitô vốn là nền tảng của sự hiệp nhất”.
Đức giáo hoàng đã bày tỏ một thái độ hoàn toàn tích cực: trước tiên, ngài hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong cuộc đối thoại giữa Giáo hội Luther và Công giáo, khi ngài nhắc lại bản “Tuyên bố chung về vấn đề công chính hóa”, một văn kiện của năm 1999 đã đặt “cơ sở cho cuộc đối thoại hứa hẹn hướng tới việc giải thích được các bên chấp nhận trên bình diện bí tích, Giáo hội, Thánh Thể và thừa tác vụ”. Văn kiện này khẳng định rằng “con người, về phần rỗi của mình, hoàn toàn phụ thuộc vào ân sủng cứu độ của Thiên Chúa.”
Nhờ ở sự trình bày chung này giữa Công giáo và Tin Lành Luther mà các quan hệ đại kết hiện nay đều mang dấu ấn “của một tinh thần thảo luận trong sáng và chia sẻ huynh đệ.”
Đức giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở rằng vẫn còn những khác biệt, cả trên lĩnh vực giáo lý, nhưng những khác biệt này không làm chúng ta “nản lòng”, mà lại “thúc đẩy chúng ta cùng nhau tiếp tục con đường tiến tới một sự hiệp nhất luôn luôn tốt đẹp hơn qua việc vượt lên trên các quan niệm và thái độ ngập ngừng đã lỗi thời. Trong một thế giới ngày càng mang dấu ấn của chủ nghĩa thế tục hóa và của sự thờ ơ, chúng ta được mời gọi đoàn kết với nhau để dấn thân trong việc tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, bằng cách mỗi ngày mỗi trở nên những chứng nhân khả tín hơn của sự hiệp nhất và những tác nhân của hoà bình và hoà giải.”
Kế đó, các đại diện của ba Giáo hội đã đọc chung với nhau kinh “Lạy Cha”.
(Vatican Radio)
Mai Tâm