Đức giáo hoàng nhấn mạnh: “Cuộc hội ngộ liên tôn thường niên này góp phần đáng kể vào việc xây dựng tinh thần đối thoại và tình bằng hữu, giúp cho các tín hữu của các tôn giáo trên thế giới hợp tác với nhau để mở ra những con đường mới cho hoà bình trong gia đình nhân loại của chúng ta”. Ngài khẳng định: Chính lời cầu nguyện sẽ “truyền cảm hứng cho chúng ta và nâng đỡ chúng ta khi chúng ta dấn thân xây dựng hoà bình, vì cầu nguyện giúp cho sự tươngkính của chúng ta đối với nhau trong tư cách là những con người thêm sâu sắc, củng cố các mối tương quan yêu thương giữa chúng ta, và thúc đẩy những cố gắng nhằm thăng tiến các mối tương quan đúng đắn và tình liên đới huynh đệ”.
Đức giáo hoàng cũng nhận định rằng “trong thế giới ngày nay, mang đậm dấu ấn bạo lực, khủng bố và những mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta -, thì chứng từ của lời cầu nguyện và mối quan tâm chung này là một thông điệp quan trọng gửi đến mọi người nam và nữ thành tâm thiện chí”. Đức giáo hoàng viết tiếp, thật vậy, là những người có niềm tin “chúng ta tin rằng có thể đạt đến nền hoà bình vững bền, vì chúng ta biết rằng không gì là không thể nếu chúng ta khấn nguyện cùng Thiên Chúa”. Đây là tư tưởng mà Đức giáo hoàng đã trình bày trong Ngày Thế giới cầu nguyện cho hoà bình diễn ra tại Assisi, 20-09-2016.
Ngày Thế giới cầu nguyện cho hoà bình –tổ chức lần đầu tiên tại Assisi vào ngày 27 tháng Mười 1986– là nguồn cảm hứng cho một nhóm Phật tử Nhật đề xuất ý tưởng tiến hành một buổi cầu nguyện liên tôn tại Nhật Bản. Thiền sư Etai Yamada tám mươi tuổi, vị lãnh đạo tông phái Phật giáo Thiên Thai đã rất ấn tượng với cuộc hội ngộ ở Assisi nên một năm sau –tháng Tám năm 1987– đã tổ chức một buổi cầu nguyện liên tôn cũng với tinh thần đó. Buổi cầu nguyện này diễn ra trên núi Hiei, một linh địa của Phật giáo, với sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo các tôn giáo ở xứ sở Mặt trời mọc. Ngày được chọn là ngày 06 tháng Tám, để nhắc nhớ vụ thả bom nguyên tử ở Hiroshima năm 1945.