Ngày 11/01 vừa qua, gần 3 tháng sau khi cuộc xung đột tại Marawi, Philippines, chấm dứt, Đức cha Edwin de la Pena của giáo phận Marawi đã có thể trở về lại thành phố và thăm nhà thờ chính tòa của ngài. Đức cha đã trải qua kinh nghiệm đau lòng trong chuyến viếng thăm xúc động này.
Khi đi vào nhà thờ bị hư hại, Đức cha de la Pena đã quỳ gối trước bàn thờ, nơi ngài đã dâng Thánh lễ từ 17 năm trời. Sau đó ngài đứng trước tượng Đức Trinh nữ Maria đã bị các chiến binh ảnh hưởng bởi nhà nước Hồi giáo Is chặt đầu vào ngày 23/05 năm ngoái.
Trên tường phía trên bàn thờ là bức ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh, đã bị các chiến binh làm biến dạng, nhưng đã được các binh lính chính quyền tu sửa.
Phần lớn thành phố vẫn còn bị ngăn chặn, chưa cho người dân trở về. Do đó số đong họ vẫn còn ở trong các lều tạm và trại tị nạn tại các tỉnh và làng lân cận.
Đức cha chia sẻ khi đánh giá những gì còn sót lại trong ngôi thánh đường: “Có rất nhiều kỷ niệm. Chúng tôi là những người đã xây dựng nhà thờ này. Bây giờ mọi thứ bị phá hủy, ngay cả những cây cối mà chúng tôi trồng cũng bị đạn đâm xuyên.”
Sau khi cầu nguyện bên trong nhà thờ, Đức cha đã gặp những tình nguyện viên, một số là người Hồi giáo, và các nhân viên thuộc văn phòng hoạt động xã hội của Đức cha.
Các lãnh đạo Công giáo trong thành phố cảnh báo rằng những chiến binh khủng bố vẫn còn luẩn quẩn ở các làng mạc trong vùng để chiêu mộ tân binh. Reynaldo Barnido, giám đốc điều hành của chương trình trợ giúp Giáo hội Duyog Marawi nói: “Đây là vùng đất màu mỡ cho việc chiêu mộ khủng bố.” Ông đã nhận được báo cáo là các gia đình ở ngoại ô thành phố đã đóng góp một ngàn đô và các gia súc khi họ tham gia các buổi chiêu mộ của nhóm khủng bố. Ông nói thêm: “Họ dạy các trẻ em và thanh thiếu niên những giải thích cực đoan của Hồi giáo và cuối cùng huấn luyện họ cho các cuộc chiến.
Dù khi hy vọng dân chúng sẽ giúp xây dựng lại nhà thờ, nhưng ưu tiên của Đức cha de la Pena là các nhu cầu của cộng đoàn. Dù không biết bắt đầu lại thế nào với sự đổ nát của thành phố nhưng Đức cha tin tưởng là có một ngày mai tươi sáng hơn bởi vì trước mặt ngài bây giờ là tương lai của Marawi. Đức cha cũng nhắc rằng sau cuộc chiến khiến 400 ngàn người phải di tản và hơn một ngàn người bị giết, “cả các tín hữu Kitô và Hồi giáo phải nhận thức rằng họ cần nhau để tiến bước.” (Ucan 15/01/2018)
(Hồng Thủy, RadioVaticana 16.01.2018)