ĐGH Bênêđictô XVI năm 2005 và Hồng y Mario Grech năm 2022,
Hình: Vatican Media (trái) và Daniel Ibanez/CNA (phải)
Hannah Brockhaus
Trong một bài viết đăng trên báo Quan sát viên Roma (L’Osservatore Romano) ấn bản tiếng Ý hôm 17. 01. 2023 vừa qua, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký và trưởng ban tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục về tính Hiệp hành, cho thấy rằng Đức Bênêđictô XVI đã bị hiểu lầm trong suốt cuộc đời và tác vụ của ngài.
Theo Đức Hồng y Grech, Đức Bênêđictô “thường vẫn luôn là một tiếng nói bị hiểu lầm. Và đây là một điều vẫn không đổi trong cuộc sống, trong việc nghiên cứu thần học, và trong triều đại giáo hoàng của ngài”.
Đức Hồng y Grech đã so sánh Đức Hồng y Joseph Ratzinger – vị Giáo hoàng tương lai Bênêđictô XVI – với gã hề trong một câu chuyện nổi tiếng của triết gia Kierkegaard:
Khi một gã hề cố gắng báo động rằng một đám cháy nguy hiểm đã bùng phát trong rạp xiếc và đe dọa thị trấn nếu không được dập tắt, người dân thị trấn đã coi thường và cười nhạo gã hề vì họ cho rằng đó chỉ là chiêu trò của gã để lôi kéo họ đến rạp xiếc.
Đức Hồng y Grech nói rằng, Giáo sư Joseph Ratzinger, khi đó được biết đến là nhà thần học trẻ, đã mở đầu cuốn sách “Dẫn vào Kitô giáo” năm 1968 của ngài với cùng một câu chuyện này, so sánh kinh nghiệm của các Kitô hữu thời nay với kinh nghiệm của gã hề bị hiểu lầm.
Mặc dù Ratzinger chưa bao giờ nói rõ như vậy, nhưng tôi thoáng thấy có một sự đồng nhất, hoặc ít nhất là một sự tương đồng, thực sự, giữa câu chuyện về gã hề và câu chuyện cá nhân của vị giáo hoàng thần học người Bavaria.
Theo Đức Hồng y Grech, Đức Hồng y Ratzinger và gia đình của ngài cũng không được người ta hiểu, ngay cả khi ngài và gia đình ngài chống lại Đức Quốc xã. Và trong giai đoạn sau Công đồng Vatican II, nhà thần học Ratzinger cũng không được người ta hiểu, khi ngài đặt vấn đề là liệu một số cải cách được đề xuất, có vì lợi ích của Giáo hội hay không – qua đó, ngài mất bạn bè và vị thế trong cuộc đời.
Đức Hồng y Ratzinger cũng bị hiểu lầm ở Rôma, nơi mà với tư cách là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, ngài nổi tiếng là người cứng nhắc và không linh hoạt.
Người ta không hiểu Ratzinger ngay cả khi ngài từ nhiệm [làm giáo hoàng]. Hình ảnh và ký ức của ngài đôi khi bị sử dụng và chính trị hóa để tạo ra sự đối kháng giữa Giáo hoàng Bênêđictô và Giáo hoàng Phanxicô.
Một vài ví dụ như thế cho thấy hẳn nhiên sự khó được người ta hiểu là một yếu tố thường xuyên trong cuộc sống và sứ mạng của ngài như thế nào.
Do đó, Đức Hồng y Ratzinger có hai lựa chọn trước mắt: Tiếp tục tìm kiếm sự thật, đó là chính Chúa Giêsu Kitô, với nguy cơ không được thế giới đương thời hiểu; hoặc chấp nhận thỏa hiệp với sự thật và không còn bị coi là gã hề trong câu chuyện của Kierkegaard nữa.
Đối với Ratzinger, câu trả lời là hiển nhiên. Ngài không bao giờ bằng lòng thỏa hiệp với sự thật, ngừng tìm kiếm sự thật, bằng bất cứ giá nào.
Trong cuộc tìm kiếm sự thật, Đức Bênêđictô không tìm kiếm các khái niệm triết học mà tìm kiếm Chúa Giêsu Kitô.
Chính tình yêu dành cho Thiên Chúa, chính cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, đã hướng dẫn toàn bộ cuộc đời của Đức Bênêđictô.
Thật vậy, như ngài thường nói, “Trở thành Kitô hữu không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao cả, nhưng là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một Con người, mang lại cho cuộc sống một chân trời mới, và một hướng đi quyết định” (Thông điệp Deus caritas est, 1). Con người ấy là Đức Giêsu Kitô.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicnewsagency.com (21. 01. 2023)