Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI sinh ra lúc 8 giờ 30 sáng Thứ Bẩy Tuần Thánh, việc này quả khiến ngài trở thành người con của Tam Nhật Phục Sinh. Trong hồi ký Milestone viết năm 1998, lúc còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, ngài nói tới sự quan trọng của việc được sinh ra vào Thứ Bẩy Tuần Thánh như sau:
“Tôi luôn tràn trề niềm biết ơn được thấy đời mình chìm đắm cách này trong mầu nhiệm Phục Sinh, vì điều này chỉ có thể là dấu chỉ phúc lành. Chắc chắn đó không phải là Chúa Nhật Phục Sinh mà là Thứ Bẩy Tuần Thánh, nhưng, càng suy niệm về nó, xem ra nó càng thích hợp hơn với bản chất cuộc sống con người của chúng ta: chúng ta vẫn đang chờ Phục Sinh; chúng ta vẫn chưa được đứng trong ánh sáng trọn vẹn, nhưng đang bước về nó một cách hoàn toàn tín thác”.
Thành thử điều dễ hiểu là rất nhiều tập chú đã được dành cho các suy niệm, bài giảng và trước tác của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về Phục Sinh. Nhưng không chỉ nói đến những gì thuộc bản thân ngài liên quan tới Thứ Bẩy Tuần Thánh, mà ngày này, ngày Chúa Giêsu vẫn còn nằm phía sau tảng đá lớn chặn trước cửa mồ, hoàn toàn chìm trong bóng tối, thân xác bầm dập nằm thẳng đơ trên nền đá lạnh cứng không hề biết xót thương, ngày này đem một niềm hy vọng chủ chốt đến cho các Kitô hữu, những người đang đương đầu với những thách đố của thời hiện đại. Đây là một sự thật mà nhà thần học Joseph Ratzinger dành hàng mấy thập niên để phổ biến.
Năm 1969, lúc còn là một linh mục, và là một giáo sư thần học càng ngày càng nổi tiếng, Cha Ratzinger đọc một loạt các các bài viết trên đài phát thanh về Giáo Hội mà sau đó, năm 2009, Nhà Ignatius Press ấn hành thành sách tựa là Faith and the Future (Đức Tin và Tương Lai). Bài cuối cùng tiên đoán một tương lai ảm đạm cho các Kitô hữu trong đó, ngài nói, Giáo Hội “sẽ nghèo khó và sẽ trở thành thiếu thốn… nhưng khi mọi đau khổ đã qua đi, một sức mạnh lớn sẽ xuất hiện từ một Giáo Hội tâm linh và đơn giản hơn”.
Cũng năm đó, điều ít nổi tiếng hơn là ba bài suy niệm về Thứ Bẩy Tuần Thánh, trình bầy cho ta cùng một niềm hy vọng ấy cho nhân loại, dù đang đối đầu với một thế kỷ bóng tối và thất vọng.
Trong bài suy niệm thứ nhất, Cha Ratzinger viết:
“Bóng tối thần thiêng của ngày này, của thế kỷ này, một bóng tối đang càng ngày càng trở thành một Thứ Bẩy Tuần Thánh dài, đang nói với lương tâm ta. Đây là một trong các ưu tư của ta. Cái chết của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, đồng thời, cũng nói lên tình liên đới triệt để của Người với chúng ta. Mầu nhiệm tối tăm nhất của đức tin, đồng thời, cũng là dấu hiệu rõ ràng nhất chỉ niềm hy vọng bất tận. Và còn hơn thế nữa: chỉ qua sự thất bại của Thứ Sáu Tuần Thánh, chỉ qua sự im lặng của cái chết hôm Thứ Bẩy Tuần Thánh, các môn đệ mới có khả năng được dẫn tới việc hiểu hết mọi điều Chúa Giêsu thực sự là và mọi ý nghĩa thực sự trong sứ điệp của Người. Thiên Chúa phải chết cho họ để Người thực sự sống trong họ”.
Khoảng 40 năm sau, vào tháng Năm năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thực hiện cuộc tông du Turin, Ý. Lúc đó, ngài vẫn còn suy nghĩ về Thứ Bẩy Tuần Thánh, và ngài sử dụng cuộc tông du này để suy niệm về Khăn Liệm Thánh và ý nghĩa của nó đối với con người hiện đại, đang mất hút trong cô đơn và thất vọng.
Ngài nói tại Turin: “việc giấu mặt của Thiên Chúa là một phần trong linh đạo của con người đương thời, một cách hiện sinh gần như vô thức, giống khoảng trống trong trái tim, một khoảng trống tiếp tục lớn lên, lớn lên mãi… Sau hai cuộc thế chiến, các trại tập trung và gulag, Hiroshima và Nagasaki, thời chúng ta càng ngày càng trở nên một Thứ Bẩy Tuần Thánh: bóng tối của ngày này thách thức mọi người đang thắc mắc về cuộc đời, và nó đặc biệt thách thức các tín hữu chúng ta”.
Cũng tại Turin, trước Khăn Liệm Thánh, Đức Giáo Hoàng và là một thần học gia còn suy niệm về một trong các lời dạy khác của Giáo Hội về Thứ Bẩy Tuần Thánh, một giáo huấn mãi mãi có liên hệ tới thân phận con người: Chúa xuống địa ngục (hell).
“Trong ‘thời-quá-thời’ (time-beyond-time) này, Chúa Giêsu Kitô ‘xuống cõi chết’, các chữ này có nghĩa gì? Chúng có nghĩa: Thiên Chúa, sau khi tự ý làm người, đã đi tới chỗ bước vào cõi cô đơn cực kỳ nhất và tuyệt đối nhất của con người, nơi, không một tia sáng yêu thương nào lọt vào, nơi việc bỏ rơi hoàn toàn thống trị, không một lời an ủi: ‘địa ngục’. Bằng cách lưu lại cõi chết, Chúa Giêsu Kitô đã vượt qua chiếc cửa của cô đơn cùng cực này để dẫn cả chúng ta nữa cũng vượt qua nó với Người. Ở một điểm nào đó, tất cả chúng ta đều cảm nhận cái cảm giác hãi hùng bị bỏ rơi, và đó là điều chúng ta sợ nhất về cái chết, giống hệt như lúc còn là trẻ nhỏ, chúng ta sợ ở một mình trong bóng tối và chỉ có thể yên lòng nhờ có sự hiện diện của một người yêu thương chúng ta. Vâng, đó chính là điều đã xẩy ra ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh: tiếng Thiên Chúa vang động trong cõi chết. Một chuyện không thể tưởng tượng được đã xẩy ra: đó là, Tình Yêu đã xuyên thủng ‘địa ngục’. Ngay trong cái tối tăm cùng cực của cõi cô đơn tuyệt đối nhất của con người, chúng ta cũng có thể nghe thấy một giọng nói kêu gọi chúng ta và tìm được một bàn tay nắm lấy tay chúng ta và dẫn chúng ta ra khỏi. Con người nhân bản sống được là nhờ họ được yêu thương và có khả năng yêu thương; và nếu tình yêu đã xuyên thủng cõi chết, thì sự sống cũng ùa vào đó được. Trong những giờ khắc cô đơn hơn hết, chúng ta cũng không ở một mình: Passio Christi. Passio hominis (Thống khổ của Chúa Kitô. Thống khổ của con người)”.
Người con sinh ra ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh đã được mầu nhiệm của ngày này lên khuôn suốt 90 năm qua.
Giống mọi người chúng ta, ngài vẫn chưa đứng trong ánh sáng trọn vẹn của ngày Phục Sinh; nhưng không như phần nhiều chúng ta, ngài thực sự đang bước về nó một cách tín thác hoàn toàn.
Xin chúc Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô một sinh nhật hạnh phúc! Ad multos annos (trường thọ)!
(Vũ Văn An, Vietcatholic 15.04.2017)