Những bức danh tác của họa sĩ được mệnh danh là “nhân vật thời Phục Hưng”, Michelangelo (1475-1564), tại nhà nguyện Sistine, không nghi ngờ gì là những tác phẩm vô cùng xuất sắc, đóng vai trò biểu tượng cho hội họa vào thời đại của ông. Tuy nhiên, khác với những tác phẩm nổi tiếng khác của thời Phục Hưng, công trình của một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế giới trên trần nhà nguyện khó có thể được chiêm ngưỡng nếu không dùng đến ống nhòm. Mới đây, một dự án được công bố bất ngờ nhưng đã triển khai 5 năm qua, đã chụp lại từng chi tiết một với độ sắc nét chưa từng có, mang đến cơ hội độc nhất vô nhị cho những người yêu nghệ thuật và các tín hữu Công giáo có thể tự do thưởng lãm những tác phẩm nổi tiếng, theo Hãng tin Reuters.
Nhà nguyện độc nhất vô nhị
Nhà nguyện Sistine là một nhà nguyện lớn nằm trong Điện Tông tòa của Vatican. Nơi này được biết đến với nghệ thuật từ thời Phục Hưng, đặc biệt là khu vực trần nhà nguyện được chính tay danh họa người Ý Michelangelo vẽ nên, thu hút hơn 5 triệu du khách mỗi năm. Nhà nguyện được xây trên nền móng của một nhà nguyện cũ gọi là Capella Magna. Vào năm 1477, Đức Giáo Hoàng Sixtus IV đã ra lệnh xây dựng lại nơi này, và nhà nguyện mới được đặt theo tông hiệu của ngài. Nhà nguyện Sistine có kích thước 40,23 x 13,40 x 20,70m, được cho là dựa trên nguyên mẫu của các số đo nhà thờ Solomon tại Jerusalem, vốn đã bị phá hủy vào năm 70.
Đức Giáo Hoàng Sixtus IV ủy thác các họa sĩ nổi tiếng thời đó, bao gồm Botticelli và Rosselli, cho công việc trang hoàng nhà thờ. Khi ấy, nhà nguyện Sistine chỉ được sơn phết với bầu trời xanh đơn giản và những ngôi sao. Đến năm 1503, Đức Giáo Hoàng Julius II quyết định thay đổi phong cách nhà thờ, và ủy nhiệm cho ông Michelangelo làm điều đó. Michelangelo ban đầu từ chối vì cho rằng bản thân là một nhà điêu khắc chứ không phải họa sĩ, và lúc đó cũng đang tất bật với công trình điêu khắc lăng mộ của vua. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng kiên trì thuyết phục, cuối cùng ông Michelangelo cũng bắt tay vào công trình nghệ thuật để đời vào năm 1508. Ông làm việc liên tục trong suốt 4 năm, và khối lượng công việc vất vả đến nỗi danh họa đã bị tổn thương mắt vĩnh viễn.
Ở phần cao nhất của vòm nhà nguyện, Michelangelo vẽ lại 9 cảnh tượng của Sách Sáng thế, bao gồm “The Separation of Light From Darkness” (Sự cách ly của ánh sáng khỏi bóng tối) từ đầu cuối bệ thờ đến “The Drunkenness of Noah” (Cơn say của Noah) ở đầu kia. Ô nổi tiếng nhất chính là “The Creation of Adam” (Tạo ra Ađam), và “The Fall of Man and the Expulsion from Paradise” (Sự gục ngã của người đàn ông và bị đuổi khỏi thiên đàng).
Hơn 20 năm sau, vị Giáo hoàng kế nhiệm là Đức Clement VII tiếp tục đặt lòng tin vào Michelangelo cho bức bích họa khổng lồ “Phán xét cuối cùng” đằng sau bệ thờ. Michelangelo, lúc đó hơn 60 tuổi, đã dồn công sức từ năm 1536 đến 1541 mới hoàn thành. Và vào năm 1980, công cuộc đại trùng tu nhà nguyện Sistine lần đầu tiên được khởi động sau nhiều thế kỷ. Các chuyên gia đã mất 14 năm tu sửa những bức bích họa và gắn chúng vào vị trí cũ.
Dự án bí mật
Trùng với khoảng thời gian trên, lần cuối cùng toàn bộ bích họa ở nhà nguyện Sistine được chụp ảnh là vào giai đoạn 1980 – 1994. Do lĩnh vực nhiếp ảnh kỹ thuật số vào lúc đó vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, và những từ như “mật độ điểm ảnh” chỉ mới là thuật ngữ được bàn tán trong giới nghiện máy tính và các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Giờ đây, sau nhiều thập niên phát triển công nghệ trong ngành nhiếp ảnh, các thiết bị kỹ thuật số và công nghệ in ấn, dự án 5 năm đã được tiến hành với sự tài trợ của Hệ thống bảo tàng Vatican và nhà xuất bản nghệ thuật hàng đầu của Ý là Scripta Maneant. Tổng cộng 270.000 khung hình độ phân giải cao đã được chụp và lưu trữ.
“Trong tương lai, công trình này sẽ cho phép chúng ta biết rõ tình trạng của từng cm của nhà nguyện vào thời điểm hiện tại là năm 2017”, theo ông Antonio Paolucci, cựu giám đốc Các bảo tàng Vatican và là chuyên gia nổi tiếng thế giới về nhà nguyện Sistine. Không có tin tức nào về dự án dài hạn từng bị rò rỉ trước dư luận trước khi được công bố vào cuối tuần qua. Để có hình ảnh với tỷ lệ 1:1, tức kích thước thực tế trên các tác phẩm của Michelangelo, các nhiếp ảnh gia phải làm việc từ 19 giờ cho đến 2 giờ sáng hôm sau trong suốt 65 đêm để không bỏ sót bất kỳ góc ảnh nào của các bích họa. Sử dụng giàn giáo cao 10m, họ ghi nhận hình ảnh bằng ống kính thiên văn, tổng cộng ghi được 30 terabyte dữ liệu và lưu trữ trên các máy chủ của Vatican. Hình ảnh sắc nét đến nỗi từng nét bút của họa sĩ hiển thị rõ ràng trên ảnh.
Ông Giorgio Armaroli, người đứng đầu nhà xuất bản Scripta Maneant cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh đặc biệt để lấy được độ sâu, độ ấm và từng sắc thái màu sắc, đạt đến 99,9% so với nguyên bản”. Mọi bức ảnh được đóng vào một bộ gồm 3 cuốn sách khổng lồ 870 trang với tỷ lệ ảnh 1:1, có nghĩa phải có 220 trang 61×130 cm gập lại. Mỗi cuốn nặng khoảng 9 kg và có giá 12.700 USD cho cả bộ. Theo tạp chí Forbes, bộ sách chủ yếu cung cấp cho các viện đại học và thư viện. Tuy nhiên, dự án không chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp kiến thức hoặc thuần về giải trí, mà còn hỗ trợ các dự án trùng tu nhà nguyện Sistine trong tương lai.
LING LANG
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc