Donald Trump và Đức Phanxicô

Một số ký giả cho rằng trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa các nhân vật của Đảng Cộng Hòa Mỹ muốn được Đảng đề cử ra tranh chức Tổng Thống vào năm 2016, Ông John Kasich tỏ ra là một nhà bảo thủ có lòng cảm thương hơn cả. Có người thậm chí còn nghĩ rằng sứ điệp có tính bao gồm mọi người của ông làm ông xứng đáng được coi là ứng viên danh hiệu Phanxicô của Đảng Cộng Hòa.

 

DonaldTrump-PopeFrancis  

 

 

Kasich rất hài lòng với danh hiệu ấy và các nhà thăm dò của ông cũng thế: các dữ liệu gần đây cho thấy rao giảng nền chính trị học của Đức Phanxicô là công thức “ăn tiền” trong năm 2016.

 

Nếu đúng như thế, thì quả người đang dẫn đầu cuộc tranh đua trong Đảng Cộng Hòa Mỹ là ông Donald Trump dường như đang đi ngược lại chiều hướng ấy. Các giá trị, thái độ và chính sách của ông vốn không thuận hảo chút nào đối với tâm tư vị giáo hoàng 78 tuổi người Á Căn Đình. Cuộc tranh luận tuần rồi càng làm nổi bật sự bất thuận hảo này.

 

Đức Phanxicô vốn dạy rằng ta phải xây cầu làm nhà cho người bị hất hủi. Donald Trump đáp lại rằng: “ta cần phải xây tường ngăn cách, và phải xây cho nhanh”.

 

Đức Phanxicô, người ủng hộ việc trả lương bằng nhau cho phụ nữ, vốn ca ngợi “sự đóng góp không thể thiếu mà phụ nữ vốn dành cho xã hội”. Trump thì trái lại vốn có một lịch sử hành xử kỳ thị phái tính. Thứ Sáu tuần rồi, rõ ràng ông hàm ý cho rằng nữ trình bầy viên truyền hình Megyn Kelly của Fox sở dĩ truy hỏi ông những câu hóc búa là vì cô đang có tháng (kinh).

 

Đây không phải lần đầu tiên Trump hành xử theo lối ngược ngạo lại nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo. Ngày 16 tháng Sáu vừa qua, ngay khi công bố sẽ tham gia cuộc tranh đua nội bộ của Đảng Cộng Hòa, ông đã lên tiếng gọi các di dân Mễ Tây Cơ là đồ hiếp dâm và buôn bán ma túy rồi. Ông lại còn bác bỏ cả danh thơm tiếng tốt của Thượng Nghị Sĩ John McCain: “Ông ta đâu phải là anh hùng chiến tranh. Ông ta là anh hùng chiến tranh vì bị bắt. Tôi thích những người không bị bắt”.

 

Nhận định trên bị Ben White của Politico “hót”: “Chúa Giêsu Kitô là một kẻ đần độn vì đã bị người Rôma đóng đinh. Tôi thích những ông cứu chúa xuất sắc không để mình bị đóng đinh – có lẽ Donald Trump chăng!”

 

Bất chấp câu chua chát của White, nhà tỷ phú nhờ địa ốc này vẫn đứng đầu các cuộc thăm dò dư luận, phần lớn do sự ủng hộ của các người Cộng Hòa tin lành da trắng, những nhà tạo vua trong các cuộc bầu đại biểu ra ứng cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa.

 

Nhưng những người thành thạo về bầu cử cho rằng nếu Donald Trump muốn biến việc dẫn đầu sơ khởi này thành chiến thắng sau cùng của cuộc vận động, ông ta cần sự ủng hộ của các tín hữu bảo thủ ở Iowa, South Carolina và cả nước. Cách duy nhất để làm việc này là nói về niềm tin bản thân của mình một cách thuyết phục. Ứng viên Cộng Hòa gần đây nhất là George W. Bush đã làm như thế và đã chiếm được Tòa Nhà Trắng.

 

Các phân tích sơ khởi về tư cách đại biểu của Trump, một người thực hành theo phái Trưởng Lão (Presbyterian), cho thấy ông ta cần phải làm nhiều hơn nữa theo chiều hướng trên.

 

Cần tha thứ hay không cần tha thứ

 

 

Chúa Nhật đầu tiên sau khi được bầu, Đức GH Phanxicô nói rằng: “Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho ta, chỉ có ta, đôi lúc, mệt mỏi xin Chúa tha thứ mà thôi”. Donald Trump hình như chưa bao giờ lưu ý tới sứ điệp này. Ngày 18 tháng Bẩy vừa qua, tại Des Moines, ông ta cho hay: khi mắc sai lầm, thay vì xin tha thứ, ông ta “chỉ tiếp tục bước và từ đó, cố gắng làm tốt hơn”.

 

Ông ta thêm: “Tôi nghĩ nếu tôi làm điều gì không đúng, tôi nghĩ, tôi chỉ cố gắng và sửa sai điều đó thôi. Tôi không đem Chúa vào bức tranh này. Tôi không đem”.

 

Mấy phút sau, ông minh xác: “Khi tôi tới nhà thờ và khi uống chút rượu và ăn miếng bánh nhỏ, tôi đoán đó là một hình thức tha thứ rồi. Tôi làm việc đó khi có thể làm được vì tôi cảm thấy được thanh tẩy. Tôi nói hãy ra đi và sửa sai việc đó”.

 

Câu nói trên vẫn chưa làm hài lòng các Kitô hữu bao nhiêu. Eric Teetsel, giám đốc điều hành của Tuyên Ngôn Manhattan, một nhóm vận động của giới Kitô Giáo bảo thủ, “hót”: “như thế @realDonaldTrump chưa bao giờ xin tha thứ, chỉ dùng ‘chút rượu và chút bánh’ để ‘cảm thấy được thanh tẩy’. Ta có đồng ý không?”

 

Một phụ nữ Iowa khác có mặt trong biến cố trên nhận định thẳng thừng hơn: “Tôi mất hứng ngay từ đầu vì tôi không thích ngôn từ của ông ta. Ông ấy ăn nói như thể không phải là một Kitô hữu tái sinh chút nào”.

 

Một tuần lễ sau, trong một cuộc phỏng vấn trên CNN, Anderson Cooper hỏi Trump xem xin tha thứ có phải là nét nổi bật trong đời sống đức tin của ông hay không. Trump trả lời: “tôi cố gắng không mắc lầm lỗi đến phải xin tha thứ”.

 

Sau đó, ông nói thêm: “Tại sao tôi cần phải ăn năn hay xin tha thứ, nếu tôi không mắc lầm lỗi? Tôi làm việc chăm chỉ, tôi là người có danh dự”.

 

Một thế giới quan thần học như thế có thể tạo nên một người thành công trong thị trường địa ốc đầy cạnh tranh ở New York, còn trong cuộc vận động làm đại biểu của Đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống, một Đảng dù sao cũng có lòng tôn kính Thiên Chúa cao độ, thì lối suy nghĩ và ăn nói như trên chắc chắn sẽ làm Trump thành người thua cuộc lớn.

 

Khóa kín đức tin

 

Việc Trump thiếu khả năng thông đạt tốt đức tin và các giá trị của mình ngược hẳn lại một số đối thủ của ông trong Đảng Cộng Hòa, nhất là Jeb Bush, Marco Rubio, và Scott Walker.

 

Dù phê bình thông điệp Laudato Sí về thay đổi khí hậu của Đức Phanxicô, Jeb Bush rất hiểu nhu cầu phải truyền đạt đức tin cách tốt đẹp. Năm 2009, ông từng nói rằng “Là một nhà lãnh đạo công cộng, đức tin của bạn nên hướng dẫn bạn… Tại Hiệp Chúng Quốc, nhiều người nghĩ rằng bạn cần giữ kín đức tin của bạn, đặt nó trong chiếc hộp an tòan, nếu bạn là một viên chức dân cử – đặt nó vào chiếc hộp ký thác an toàn cho tới khi rời khỏi chức vụ công cộng, lúc ấy mới lấy nó ra. Tôi không bao giờ cảm thấy điều đó thích đáng cả”.

 

Rubio, một người Công Giáo Rôma ngoan đạo, hùng hồn nói về lòng mến mộ của ông đối với Giáo Hội và Phép Thánh Thể: “Tôi thực sự khao khát Phép Cực Trọng, Việc Rước Lễ, điểm tiếp xúc bí tích giữa người Công Giáo và phụng vụ thiên quốc. Tôi rất ngạc nhiên tại sao lại không thể có một Giáo Hội có thể cung cấp cho ta cả sứ điệp tin mừng có tính mạnh mẽ và hiện đại lẫn mình và máu thực sự của Chúa Giêsu”.

 

Scott Walker, hồi tháng Tư qua, nói với tờ New York Times rằng: “Mối liên hệ của tôi với Thiên Chúa thúc đẩy mọi quyết định chính trong đời tôi. Việc tiến bước theo đức tin của chúng ta giúp chúng ta chuẩn bị cho các quyết định ấy và đem lại an ủi cho ta khi ta tìm cách thực thi ý muốn của Người”.

 

Cả hai đảng đều lưu ý tới Đức Phanxicô

 

Theo Andrew Taylor của A.P., cả hai Đảng Cộng Hòa lẫn Đảng Dân Chủ đều quan tâm theo dõi Đức Phanxicô. Dân Chủ thì lưu ý tới giáo huấn của ngài về thay đổi khí hậu, công bình xã hội và di dân. Cộng Hòa thì được khích lệ bởi các sứ điệp của ngài về sự sống và chống đối phá thai. Và ngày 24 tháng Chín này, trong phiên họp lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ, lần đầu tiên trong lịch sử, vị giáo hoàng này sẽ trực tiếp nói với cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa.

 

Đối với các bài diễn văn ở lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ, dù là diễn văn về tình trạng Liên Bang, hay diễn văn gần đây nhất của thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu, chính trị đảng phái là điều không thể tránh được. Bên thì đứng dậy hoan hô. Bên thì ngồi im khinh khỉnh. Nhưng cuộc họp lưỡng viện vào tháng Chín tới, người ta hy vọng sẽ tránh được cảnh tượng ấy.

 

Dân biểu Bill Pascrell, Dân Chủ N.J., cho hay: “Bạn sẽ không biết đó là Quốc Hội”. Cũng sẽ không có cảnh vờ chào (glad-handing) khi Đức Giáo Hoàng bước xuống cánh giữa, đơn giản chỉ vì Ngài sẽ giữ đôi tay nắm chặt như lúc cầu nguyện.

 

Một cố vấn cao cấp của ngài, tới Washington hồi tháng Tư, cho hay: Đức Phanxicô sẽ nói “thẳng thừng nhưng thân hữu” trong chuyến đi Hoa Kỳ.

 

Đức HY Oscar Rodriguez Maradiaga, người Honduras, cũng cho rằng: “Ngay người của Quốc Hội cũng có thể nghe các giọng nói khác, các lời khuyên khác và các cố vấn khác. Người biết tiếp nhận lời cố vấn sẽ mắc ít sai lầm hơn và không bị lầm lẫn. Ai không thích nghe lời cố vấn mới gặp nhiều trục trặc. Nên tôi nghĩ Quốc Hội sẽ tiếp nhận tốt lời cố vấn (của Đức Giáo Hoàng), dù trong đó có nhiều điều người ta không cảm thất thoải mái”.

 

Thông điệp gần đây của ngài phê phán các nhà làm luật khắp thế giới đã không chịu hành động đối với môi trường khi bầu trời đang ấm lên và biển khơi đang bị hãm hại vì nạn đánh cá quá trớn và ô nhiễm.

 

Ngài viết: “ta dám đang để lại cho các thế hệ sắp đến rác rưởi, tan hoang và xú uế… Nhịp điệu tiêu thụ, phung phí và thay đổi môi trường làm tiêu hao khả năng của hành tinh đến độ lối sống hiện nay của ta, vốn không thể kéo dài lâu hơn nữa, chỉ cho thể lao đầu xuống thảm họa”.

 

Tháng Chín này, chắc chắn những lời cảnh cáo như thế sẽ trực tiếp được ngỏ với người Cộng Hòa vốn dĩ hoài nghi đối với các đề nghị giảm thiểu khí nhà kính (greenhouse gases) trong việc hạn chế các nhà máy dùng năng lực than đốt.

 

Nghị Sĩ Dan Sullivan, Cộng Hòa Alaska, nhận định: “bạn sẽ luôn đáng tin cậy hơn khi tiếp tục gần gũi với giáo thuyết và giáo huấn của Giáo Hội bạn và cả với những gì Giáo Hội Công Giáo hay nói về. Nhiều người lấy làm hãnh diện nhờ tập chú vào người nghèo, giúp đỡ những người yếu thế nhất’.

 

Tuy thế, Đức Phanxicô vẫn sẽ không e ngại vượt ra ngoài vai trò cổ truyền của người lãnh đạo Giáo Hội để chú tâm tới một thế giới đang biến đổi nhanh chóng.

 

TNS Thom Tillis, Cộng Hòa North Carolina, một người Công Giáo, đồng ý như thế: “Ngài là một giáo hoàng rất khác. Ngài tự định nghĩa ngài một cách rất khác. Ngài nói tới các thành quả. Ta phải dựa vào phương tiện hiện có để làm việc”.

 

Thông điệp trên cũng nhấn mạnh tới giáo huấn lâu đời của Giáo Hội về phá thai. Thông điệp này viết: “Làm thế nào có thể dạy người ta sự quan trọng phải quan tâm tới những sinh vật yếu thế khác, bất kể chúng gây phiền phức hay bất tiện như thế nào, nếu ta không chịu bảo vệ các bào thai nhân bản, cho dù sự hiện diện của chúng gây khó chịu và tạo nên đủ thứ khó khăn?”

 

Có người cho rằng bất luận sứ điệp của ngài có ra sao, nó vẫn là lời xoa dịu, dù là tạm bợ, đối với một cơ phận luôn nhìn mọi vấn đề dưới lăng kính trắng đen và tìm lợi thế đảng phái bất cứ lúc nào có thể tìm được.

 

Vũ Văn An