Trong cuộc sống, chúng ta thấy thật dễ dàng khi được sống anh bình hạnh phúc. Nhưng khi phải đối diện với bất hạnh: gia đình mất đi một người thân, thất bại trong công việc… lúc đó chúng ta mới hiểu thế nào là nỗi đau.
Câu chuyện sau đây giúp chúng ta có những cảm nhận sâu xa hơn về điều đó.
Bác sĩ Richard Teo Keng Siang, người Singapore (1972-2012) tài hoa, đẹp trai, nhưng đã qua đời vì bệnh ung thư phổi ở độ tuổi 40, khi anh đang trên đỉnh danh vọng.
Sinh ra và trưởng thành trong một gia đình có mức sống dưới trung bình, ngay từ nhỏ anh đã có trải nghiệm: “hạnh phúc chỉ đến khi ta thành công trong cuộc đời”.
Chính vì thế, anh đặt mục tiêu cao nhất trong mọi môn học. Richard Teo Keng Siang học y khoa và trở thành bác sĩ, đạt được hai văn bằng về y khoa và kỹ thuật điều trị bằng tia laser. Sau đó, anh chuyển sang thành lập viện phẫu thuật thẩm mỹ, vì đây là công việc hái ra tiền cho phép thỏa mãn được tham vọng của mình. Trở thành một triệu phú từ ở độ tuổi còn rất trẻ, anh tham gia giải trí tại các tụ điểm nổi tiếng, giao lưu với giới thượng lưu…
Vâng! Đó là cuộc sống của anh trước đây. Ngày ấy, khi tập thể dục trong phòng Gym, anh vẫn nghĩ là mình đủ tự chủ và có tất cả để duy trì thành công này. Nhưng anh đã lầm! Tất cả đã dừng lại khi bác sĩ cho biết anh mắc bệnh ung thư, ở giai đoạn cuối.
Trong cuộc sống, không ai có thể ngờ được những thử thách đến với chúng ta bất kỳ lúc nào. Câu chuyện của bác sĩ Richard Teo Keng Siang cho chúng ta suy nghĩ: đừng bao giờ bám víu, hy vọng quá nhiều vào của cải, danh vọng. Những thứ đó chỉ là tạm bợ và không thể đem đến hạnh phúc đích thực. Chỉ trong giây phút thôi, những thứ này có thể trở thành vô nghĩa không hơn không kém. Chắc hẳn chúng ta vẫn nhớ Lời Chúa cảnh báo: “Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12, 20). Gia tài, nghề nghiệp và địa vị xã hội chỉ là phương tiện đảm bảo cho cuộc sống, chứ không phải là cứu cánh của đời người.
Người bác sĩ trong câu chuyện, khi làm việc trong bệnh viện, anh chỉ đến với bệnh nhân vì phận vụ, chứ không có chút cảm thông và tình thương. Khi chính mình mang trọng bệnh, anh đã hiểu nỗi đau người bệnh ra sao. Hối hận về những gì mình đã sống và hành động, Richard Teo Keng Siang đã viết lại trải nghiệm ấy như lời nhắc nhở và khuyên nhủ dành cho các đồng nghiệp, cũng như các bạn trẻ đang theo đuổi ngành y khoa:
“Tôi muốn các bạn hãy tự đặt mình vào trường hợp bệnh nhân để hiểu tâm trạng đau đớn của họ. Trên đời này, sự đau đớn, sự lo âu và sợ sệt là hiện thực mặc dù nó không có thực đối với bạn lúc này, nhưng nó là sự thật đối với bệnh nhân”.
Đứng trước nỗi đau của một ai đó chúng ta thường có thái độ nào? Cảm thông hay dửng dưng?
Người viết cũng đã từng chứng kiến bệnh nhân đau quằn quại vì bệnh ung thư phổi. Bản thân hoàn toàn bất lực vì không thể giúp được gì ngoài lời cầu nguyện và sự ủi an khi bệnh nhân này bị bệnh viện trả về do phát hiện bệnh tình đã ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, trong nỗi thất vọng và chán chường lại nhen nhúm niềm hy vọng cho những ai luôn đặt tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa. Được biết khi đã mắc bệnh ưng thư ở giai đoạn cuối, tỷ lệ sống sót rất mỏng manh. Thế nhưng, bệnh nhân được kể trên vẫn còn sống đến ngày hôm nay đã hơn một năm. Đây quả là một ân huệ tuyệt vời Thiên Chúa dành cho một ít người.
Chúng ta có thể chia sẻ với bệnh nhân bằng lời cầu nguyện để xin cho họ biết đón nhận và chấp nhận nỗi đau trong thâm tâm và thân xác. Vẫn còn đó trên đời bao nỗi lo âu khắc khoải: già cả cô đơn, bị người đời lãng quên, hạnh phúc gia đình bị đỗ vỡ… Không phải với bất cứ ai, bất cứ lúc nào ta cũng có mặt kịp thời để động viên khích lệ. Nhưng chúng ta có thể khẩn nài Thiên Chúa làm điều đó, vì Ngài là Đấng không lệ thuộc bởi không gian và thời gian. Do đó, chúng ta cần thêm tin tưởng nơi Thiên Chúa, bởi vì Người là Thiên Chúa Tình Yêu.
Nt. Vi Ân Thanh, Đaminh Bùi Chu