Đôi lời tâm sự về ơn gọi

Trong các ơn gọi, tôi nhận thấy có một ơn gọi rất quan trọng và cũng rất khó thực hiện. Đó là ơn gọi tham gia vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

DCBuiTuan.jpgXét mình về ơn gọi tham gia vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, tôi xin nói về tôi như thánh Phaolô: “Tôi có gì mà tôi đã không nhận lãnh. Nếu đã nhận lãnh, thì sao có thể khoe mình như đã không nhận lãnh” (1Cv 4,7).

1.
Mấy tháng nay, nhất là trong thánh lễ sẽ được tổ chức tại Tòa Giám Mục Long Xuyên, dịp tôi 90 tuổi (19-01-2017), tôi tập trung tâm hồn vào việc cảm tạ Chúa, về mọi ơn Chúa đã ban cho tôi.

Cách riêng, tôi cảm tạ Chúa về những ơn gọi Chúa đã dành cho tôi.

Tôi đã nhận được nhiều ơn gọi, như: Ơn gọi làm người trong hoàn cảnh đất nước không ngừng chuyển biến. Ơn gọi làm tín hữu trong giai đoạn Hội Thánh có những khó khăn. Ơn gọi làm môn đệ Chúa trong những tình hình rất phức tạp, và nhiều ơn gọi khác.

2.
Trong các ơn gọi, tôi nhận thấy có một ơn gọi rất quan trọng và cũng rất khó thực hiện, nhưng tới lúc này, tôi thấy nhiều người đã thực hiện tốt, còn tôi vẫn chưa thực hiện được nhiều.

Giờ đây, tôi xin phép chia sẻ đôi chút về ơn gọi đó. Đó là ơn gọi tham gia vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

3.
Từ khi được biết Chúa, tôi đã nhiều lần như nghe được tiếng Chúa gọi: Hãy tham dự vào cuộc thương khó Chúa. Chúa gọi nhiều cách. Tôi không hiểu rõ.

4.
Nhưng khi được gọi làm môn đệ Chúa, tôi nghe điều đó rõ hơn. Tôi hiểu rõ hơn. Tôi nhận ra đó là một ơn gọi quan trọng.

Tôi hiểu một cách đơn sơ: Được tham gia vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu là được nên giống Chúa Giêsu, là được thông công vào công việc cứu độ của Chúa Cứu Thế. Chúa muốn tôi như vậy. Đó là một ơn gọi. Ơn gọi đó được gửi vào lòng tôi qua ơn gọi làm môn đệ Chúa.

5.
Kinh nghiệm cho tôi thấy: Muốn sống tốt ơn gọi làm môn đệ Chúa, tôi không thể không sống tốt ơn gọi tham gia vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

Tham gia vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, thì phải chấp nhận những đớn đau. Đớn đau về phần xác, đau đớn về phần hồn. Những đau đớn đó là rất nhiều. Tôi không chọn cho tôi đau đớn nào. Nhưng Chúa đã chọn cho tôi.

6.
Đau đớn lớn nhất, mà Chúa chọn cho tôi là đau đớn của sám hối. Sám hối trước hết là về tội lỗi của mình, và tiếp đó là sám hối về tội lỗi của những kẻ thuộc về mình, họ ở gần và họ ở xa. Đau đớn của sám hối là điều rất khó. Phải có ơn Chúa thì đau đớn mới trở thành sám hối được.

7.
Bởi vì đau đớn tự nó không phải là của lễ cứu độ. Chỉ những đau đớn trong khiêm nhường vâng phục ý Chúa, mới là đau đớn có giá trị tham gia vào công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu.

Chính những đau đớn như vậy mới làm cho người môn đệ Chúa trở thành của lễ đền tội cho mình và cho người khác.

8.
Tôi rất sợ đau, nhất là đau tâm hồn vì thấy mình còn xa Chúa, đôi khi lại là gánh nặng cho bao người xung quanh, rồi đau những cái đau của Hội Thánh, của Quê Hương và của bao người khổ đau rên xiết. Những khi đau, tôi thường cầu xin Đức Mẹ. Đức Mẹ là Đấng đã tham gia tích cực vào cuộc thương khó Chúa. Mẹ đã giúp tôi chịu đau bằng sự Mẹ luôn ở bên tôi. Bên Mẹ, tôi hiểu sống lời “Xin Vâng” trước những khổ đau đòi một thái độ nội tâm luôn ngoan ngoãn với ơn Chúa Thánh Thần. Tất cả đều không dễ.

9.
Xét mình về ơn gọi tham gia vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, tôi xin nói về tôi như thánh Phaolô: “Tôi có gì mà tôi đã không nhận lãnh. Nếu đã nhận lãnh, thì sao có thể khoe mình như đã không nhận lãnh” (1Cv 4,7).

Nghĩa là nếu hôm nay tôi có được phần nào tốt trong ơn gọi tham gia vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, thì chính là do Chúa ban ơn. Tôi đã nhận lãnh, chứ không do tôi.

10.
Thêm vào đó, tôi cũng xin nói về tôi, như thánh Phaolô:  “Tôi là người hèn mọn nhất trong các tông đồ, tôi không xứng đáng được gọi là tông đồ” (1Cv 15,9).

Tôi không xứng đáng, đó là lời chân thành tôi xin nói trước Chúa, trước Hội Thánh, trước mọi người, và trước anh chị em.

Tôi nói lời đó, với tất cả tấm lòng tạ ơn và tạ tội.

11.
Dịp 90 tuổi, tôi rất vui mừng, vì được nhớ lại những ơn gọi Chúa dành cho tôi suốt cuộc đời dài, trong dòng lịch sử đầy sóng gió.

Dịp 90 tuổi, cũng là dịp Chúa lại gọi tôi, qua cộng đoàn thân yêu, một cộng đoàn luôn thông cảm, đỡ nâng, nhất là luôn cầu nguyện cho tôi. Chúa đã cho tôi được gắn bó với giáo phận Long Xuyên này như một gia đình thiêng liêng, một cộng đoàn nhỏ giữa một địa phương phong phú về tín ngưỡng, một công đoàn được Chúa gọi và được sai đi trong những hoàn cảnh khó khăn vô vàn tế nhị. Tôi rất ý thức điều đó, để đồng hành, chia sẻ, góp phần bé mọn vào ơn gọi của giáo phận mến thương.

12.
Theo tôi, sống ơn gọi là một hành trình. Hành trình của niềm tin. Tin một cách khiêm nhường, kiên trì, tuyệt đối. Nếu niềm tin đó được đóng dấu bằng khổ đau, hy sinh chính mình,  thì đó là vinh dự. “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”. Thập giá là đền thờ của niềm tin cứu độ. Người sống ơn gọi phải ở lại trong đó, để cầu nguyện. Họ sẽ được thấy vui mừng và hy vọng của ơn gọi là luôn luôn mới.

13.
Lời tâm huyết rất nồng nàn giờ đây tôi xin phép nói lên, đó là tôi tin vào Đấng đã gọi tôi. Tôi tin như một trẻ thơ, bởi Chúa có lần đã nói với tôi: “Cho dù có người mẹ nào đã bỏ con mình, thì Cha, Cha sẽ chẳng bao giờ bỏ con. Cha vẫn thương con. Cha vẫn gọi con. Cha vẫn tìm con”. Tôi tin và tôi cầu nguyện thực nhiều, nhất là lúc này, tôi cảm thấy rất rõ gánh nặng lớn nhất của tôi là chính tôi.

14.
Sau cùng, tôi tha thiết xin anh chị em hãy tin vào Chúa, và cầu nguyện với Chúa là Đấng gọi anh chị em. Với thái độ đó, chúng ta hãy nhìn mọi người và hãy gặp mọi người trong yêu thương, để cùng nhau tham gia vào công cuộc cứu độ của Chúa. Chúa là Cha giàu tình yêu thương xót. Tình hình càng phức tạp, chúng ta càng phải tin vào Chúa và càng phải cầu xin với Chúa. Chỉ Chúa mới cứu được chúng ta.

15.
Tin Chúa và cầu xin Chúa, đó là ơn gọi của chúng ta. Vững vàng tin Chúa, vững vàng cầu xin Chúa, cho dù trong đau đớn, cho dù có lúc không còn làm được gì khác, cho dù ơn gọi của chúng ta chỉ là thế thôi.

Với tất cả lòng khiêm tốn, chúng ta hãy phó thác mình cho Chúa một cách trọn vẹn, nhờ Mẹ Maria yêu dấu của chúng ta.

Long Xuyên, tháng 12.2016
+ Gm. G.B. Bùi Tuần