Đời là gì? (Tĩnh tâm giới trẻ)

 (Mt 19, 16-20)

Đời! Đời là gì thế nhỉ? Bên cạnh ly cà phê đen sậm, gã thanh niên ngả người trên chiếc ghế bành đặt ở giữa vườn.

Càng nghĩ về chữ đời, hắn càng thấy đời thật phi lý, bẽ bàng.

Từ bé đến giờ, trong vòng tay giàu có của cha mẹ, mình ra công học tập, đạt được nhiều thành tích đáng khen. Và hôm nay, mình đã có được công ăn việc làm, với mức lương khiến nhiều người thèm khát.

Nhưng đời là gì? Mình đang trong đà chạy vào đời đây.

Bước tiếp đời mình sẽ là thế nào? Mình sẽ có nhiều tiền, mình sẽ lấy vợ; có con xoay sở nhiều hơn, để đủ tiền nuôi con, chữa bệnh cho con. Gặp được người vợ đạo đức đảm đang, biết nghĩ, thì đường hạnh phúc chừng như xuôi chảy. Nhưng nếu không có cái may mắn ấy; đau khổ ngập đầy.

Rồi con lớn; lo lắng tương lai cho nó cũng chóng mặt.

Giòng thời gian cứ lạnh lùng trôi đi. Mình già từ lúc nào rồi không biết. Bước đi khó khăn, tay chân mỏi mệt; xương khớp nhói đau nhiều chỗ. Ta sắp phải đến chỗ không muốn đến. Nấm mồ!

Và nếu thế, cuộc đời quả thật quá vô lý, người thanh niên ấy, uống hết cà phê còn sót lại trong ly, đứng dậy, nhưng vẫn không tìm được giải đáp cho chính mình.

Giờ thì biết hỏi ai? Ai sẽ là người cho mình một lẽ sống.

1 – Lẽ sống

Và anh đã quyết định đến gặp Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời.”

Hoan hô người thanh niên này. Anh đã nhận ra được cái phù vân của cuộc đời. Nhận ra được rằng: cuộc đời chỉ là một quán trọ, chứ không phải quê hương.

Và điều quan trọng nhất, mà anh ta đã nhận thức ra được: là đằng sau cuộc đời trần thế này, bên kia cái vuông cửa nhỏ là cái chết, còn tồn tại một thế giới với sự sống vĩnh hằng bất diệt.

Anh ta là người khôn. Người dại là người chỉ biết nhìn gần; chỉ nhìn những gì tầm thường dính trên mặt đất.

Con anh, anh là người khôn, vì đã biết suy tư, và đi tìm cho mình một lẽ sống. Đúng như một nhà văn Trung Quốc đã nói: Nếu đời một người, mà không có lẽ sống, thì đời người ấy, sẽ như một con tàu không có bánh lái, sẽ trôi dạt lung tung không ra thế nào cả.

Vậy lẽ sống của người thanh niên là gì?

Thưa: là tìm được Sự Sống Đời Đời.

Hay! Người thanh niên ấy còn trẻ, mà đã tìm được một lẽ sống cao vời, vượt lên trên những gì là tầm thường trong cuộc sống.

Nhưng tìm nó ở đâu? Và làm cách nào để có được nó.

Biết ai trong cuộc đời là người chỉ lối cho mình?

Tất cả những người sống trên cuộc đời, đều là những con người. Dù là những triết gia, những học giả, những siêu nhân, cũng đều chỉ là những con người. Mà đã là những con người, thì chẳng ai là chân lý; chẳng ai biết hết những sự thật. Chỉ có một con đường duy nhất, một lựa chọn khôn ngoan nhất là tìm đến với Chúa Giêsu. Một Thiên Chúa toàn năng, đã xuống thế làm người; và ở chung với con người.

Anh đã tìm đến với Chúa Giêsu. Anh đã tìm đúng địa chỉ cần tìm.

“Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”

2 – Tuân giữ các giới răn của Chúa

Chúa đáp: Ngươi hãy tuân giữ các giới răn. Không phải viễn vông đâu xa. Hãy trở lại với chính mình; với chính những giới răn mà Chúa đã chỉ bảo cho mình. Những giới răn của Chúa, là chính Ánh Sáng cho ta khỏi bị lầm lạc. Cuộc đời muôn vàn giả dối; cả trong chân lý, cả trong nhận định. Ối gì người, giá trị thực đời mình chẳng ra gì, nhưng lại tự phong thần cho mình, và có khi còn dùng cả quyền hành của mình, để bắt người khác phải tôn thờ mình.

Cũng chẳng thiếu những mưu mô lừa đảo, đến từ hỏa ngục và tay sai của nó là thế gian. Với những thú vui mau qua, nhưng đã hút được hồn của nhiều bạn trẻ; khiến những bạn trẻ ấy, như những con thiêu thân quay cuồng dưới ánh sáng ngọn đèn, tưởng rằng đời mình đã tới bến bờ hạnh phúc.

Phải tuân giữ các giới răn của Chúa.

Bởi đó là con đường chắc chắn nhất để đi. Giới răn của Chúa, không phải là những chiếc còng, chiếc xích, để cột trói tự do con người, nhưng là những bảng hiệu chỉ dẫn, là những tấm chắn, để người lữ hành biết lối mà đi, không bị lạc đường, hay lăn tòm xuống hố.

Như thế, tuân giữ các giới răn của Chúa, là bước đi vững chắc nhất, an toàn nhất, để người ta tìm thấy lẽ sống cho mình.

Và người thanh niên thưa lại cùng Chúa:

3 – Thưa Thầy, tôi đã giữ từ thuở nhỏ.

Đây là một thanh niên đạo đức tốt lành. Anh hạnh phúc và may mắn, vì đã có được cha mẹ đạo đức thánh thiện. Ngay từ thuở nhỏ, anh đã được cha mẹ dạy cho biết kính sợ Thiên Chúa, đã dạy cho anh biết tuân giữ các giới răn của Ngài. Hay quá, đó là một thanh niên, đạo đức, con nhà giàu học giỏi.

Nhưng mà, mới chỉ tiến đến đó thôi, vẫn chưa đạt được lẽ sống vĩnh cửu cho mình.

Tất cả những lề luật của Chúa đó, mới chỉ là Mặt Bằng sơ khởi mà một người con Chúa phải có; phải thi hành.

Vậy mà chẳng bù cho một số người. Cố gắng lắm cũng chỉ đi lễ được một ngày Chúa Nhật, vậy là đã tưởng là mình đã an toàn, để có thể có được sự sống đời đời. Cuộc sống thì quấn quít trong ngàn vạn đam mê, chẳng tuân giữ được gì trong các giới răn của Chúa, vậy mà, cứ ngỡ tưởng mình là con chiên của Chúa.

Chưa đứng lên được mặt sàn, sao có hy vọng tiến bước về lẽ sống cuộc đời.

4 – Ngươi hãy về bán hết của cải, rồi đến theo Ta.

Ô hay! Tuân giữ các giới răn của Chúa trọn vẹn ngay từ thuở nhỏ, mà vẫn chưa được gần Nước Trời?

Như thế, đối với Chúa, việc tuân giữ các giới răn, mới chỉ là bổn phận phải làm; vẫn còn đứng lại nơi giá trị bản thân, riêng tư. Để có thể tiến vào sự sống vĩnh cửu, phải tiến lên một bước nữa. Bước ra khỏi chính mình.

“Về nhà bán hết của cải, cho người nghèo khó”. Của cải là công sức, là xương máu của mình. Cho người khác những thứ đó, là cho chính mình. Là ý thức cao cả, về bài học “cho đi toàn vẹn” của Thiên Chúa.

Cho đi như thế, là diễn tả rõ nét nhất về cái ý thức về cái “sự sống vĩnh cửu” mình đã đang tìm thấy.

Cho đi những xương máu của mình, là mình đang dùng những thứ trần gian, để làm giàu cho cái “sự sống đời đời” của mình.

Đấy là một điều thật khó. Bởi đồng tiền luôn liền với khúc ruột. Chặt khúc ruột nào mà chả đau có rúm người lại.

Nhưng điều ấy là một điều đẹp vô cùng. Ai cũng phải công nhận điều ấy. Người thanh niên này, cũng nhận ra điều này một cách rõ ràng.

Nhưng! Ôi chữ nhưng buồn bã quá. Một cuộc đấu tranh gay gắt xảy ra trong nội tình của người thanh niên.

Cho đi là đau xót. Cho đi là đánh mất. Mất hết mọi điểm tựa gần gũi.

5 – Và người thanh niên đã bỏ đi.

Sức hút của đồng tiền mạnh quá. Ma lực của bạc vàng bám chặt quá; khiến người thanh niên không thể dứt bỏ.

Ước mong đi tìm lý tưởng. Lý tưởng đã thấy rõ ngay trước mặt. Nhưng anh không thể bước lên.

Nhiều thứ níu kéo anh; cột trói anh ta.

Cái sự thật về kiếp người lộ ra: con người vô cùng yếu đuối. Giống hệt như kinh nghiệm tê tái của thánh Phaolô: “ Điều tôi muốn làm, thì lại không làm. Điều tôi không muốn làm thì lại làm.”

Không biết rồi thì tương lai người thanh niên ấy sẽ đi về đâu?

Chỉ biết một điều; tiền bạc của cải, đã ngăn cản, không cho anh đi vào lẽ sống của mình.

Thế mới khám phá ra, một sự thật quan trọng này: lòng đam mê của cải, vật chất, sẽ không làm cho ta thấy và theo được con đường về bến trọn lành.

                                                                                                                                    DTEHIM