Đối diện với Đức Thánh Cha, một giây phút không thể nào quên được

Phỏng vấn độc quyền với Đức Phanxicô của báo Paris Match

Paris-Match.jpg

 

Đức Phanxicô đích thân đón nhóm ký giả báo Paris Match ở Nhà trọ Thánh Mácta, căn nhà này được xây dưới thời Đức Gioan-Phaolô II dành cho các hồng y lưu trú. Chính nơi đây Đức Thánh Cha chọn để sống và làm việc. Căn nhà bên trong đơn sơ được rọi sáng bởi đặc sủng của một giáo hoàng làm thế giới mê hồn.

 

Tiếng chuông điểm giờ trưa. Nửa giờ nữa, Đức Phanxicô sẽ từ phòng họp Thượng hội đồng về Nhà trọ Thánh Mácta, nơi ngài ở dưới bóng Thánh Phêrô. Phòng họp của thượng hội đồng ở bên cạnh Nhà trọ Thánh Mácta, nhà trọ là nơi lưu trú của các hồng y và các giám chức cao cấp, tọa lạc ngay trung tâm Vatican. Chính nơi đây là nơi ngài hẹn với chúng tôi. Một căn nhà tân thời, không kiểu cách mà ngài đã chọn ngay từ ngày đầu được để không cảm thấy mình bị giam hãm trong dịnh thự giáo hoàng sang trọng, nguy nga. Ngài có bốn phòng, các căn phòng trang hoàng màu sẫm, nơi ngài sẽ không phải gặp các nữ tu có bộ mặt như “ớt dầm dấm,” chữ ngài dùng. Nhân viên canh gác nghiêm túc ở phòng gác kiểm thẻ căn cước của nhóm Paris Match và gọi điện thoại nhanh để kiểm xem cuộc hẹn của chúng tôi có trong chương trình ngày hôm nay của ngài không, bởi vì không ai vào đây mà không có người mở cửa. “Phải thẳng” như vậy mới tốt.

 

Một vài giám chức cấp cao đi lui đi tới ở lối ra vào bằng đá cẩm thạch, họ sốt ruột chờ Đức Giáo hoàng về, trong khi bạn của ngài là hồng y Hondura, Oscar Andres Maradiaga bước đi bên cạnh. Suốt đêm tôi không ngủ được. Từ tối hôm qua, có tin đồn sáng nay, 9 tháng 10 lúc 11 giờ sáng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao cho ngài. Như thế, đó sẽ là lý do chính đáng để dời cuộc hẹn của chúng tôi vào một ngày khác. Chúng tôi không thể nào lấy đi giây phút “thiêng liêng” được mong chờ bao lâu nay này… Jorge Mario Bergoglio có một phong cách “không suy suyển” trong việc ngài tự quyết định lấy lịch làm việc riêng của mình, bên cạnh lịch làm việc chính thức. Đó là may mắn của tôi! Tôi tính toán nhanh trong đầu. Sáng nay khi ra khỏi phòng họp thượng hội đồng, tôi đã thấy một số thành viên tham dự đang chờ ngài. Nhưng, ngạc nhiên quá, tôi thấy từ đàng xa một bóng trắng đi đến. Đức Phanxicô đi một mình, không nhân viên an ninh, không thư ký, không Cận vệ Thụy sĩ và khi ngài vào lối đi thinh lặng của Nhà Mácta, tất cả mọi con mắt đều quay về nhìn ngài. Nhân viên đứng gác, rất phong cách, mặc áo màu sẫm, kín đáo, dù họ gặp ngài mỗi ngày, nhưng khi Đức Phanxicô xuất hiện, thì có vẻ như Trái đất ngừng quay. Hồ sơ kẹp ở tay, ngài vừa đi về phía tôi vừa cười. Tôi giới thiệu Marc Brincourt, trưởng phòng nhiếp ảnh của chúng tôi, và Eric Vandeville, nhiếp ảnh gia, tay cầm máy. Chúng tôi mặc y phục đen, đó là luật.

 

Dù sao với Đức Phanxicô, ngài thích hình thức tiếp khách nhẹ nhàng, không có chuyện cúi xuống hôn nhẫn giáo hoàng. Chúng tôi chỉ nghiêng nhẹ đầu. Nhã nhặn, ngài nói với chúng tôi vài chữ tiếng Pháp và mời chúng tôi theo ngài vào văn phòng nhỏ ngó ra ngôi vườn bên trong. Một căn phòng có ánh sáng dịu, rất thân mật, vài bức tranh treo tường, vài phong cảnh, một bức chân dung Đức Gioan-Phaolô II, một bức tượng Đức Mẹ bằng gỗ và một cái bàn kiểu vùng Piémont thế kỷ 18.

Paris-Match-2.jpg

“Xúc động vì quá đơn giản và quá dễ dàng sẵn sàng”

 

Không có gì thoát được con mắt của ngài, bốn máy thâu âm “cassette” lỗi thời tôi vừa để trên bàn vì tôi quá sợ bị bỏ sót một chữ trong buổi phỏng vấn ngoại thường này, các ống kính nhiếp ảnh gia để dưới đất. “Trọng kính Đức Thánh Cha, chúng ta bắt đầu bằng phỏng vấn, tặng quà hay chụp hình?” Tôi thấy lúc đó ngài đưa mắt nhìn về bức tranh Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, vị thánh ngài thân mật gọi “Têrêsina” và ngài thường xin ơn. “Trọng kính Đức Thánh Cha, con tìm được bức tranh này ở Normandie, nơi nhà các nữ tu khi họ dọn nhà.” Ngài cười, vui vẻ cám ơn tôi và để bức tranh gần cánh cửa. Sau đó tôi đưa ngài xem số báo chúng tôi có sáu trang phóng sự chuyến đi của ngài ở Cuba, tôi vẫn còn cảm động về thánh lễ không thể nào quên ở quảng trường Cách mạng La Havana cách đây ba tuần. Tôi có cả một núi câu hỏi. Đương nhiên, tôi đã nhiều lần được hỏi nhanh ngài, trên máy bay từ Rio, từ Tirana, từ Strasbourg, từ Sarajevo… nhưng để có được đặc ân ngồi đối diện với ngài như thế này thì chưa từng có.

 

Chúng ta có thể xác nhận điều này ở nơi công chúng, ở Rôma trong những buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư, những lần ngài di chuyển luôn biến thành các sự kiện của giới truyền thông: Giáo hoàng có đặc sủng riêng, giọng nói của ngài làm dịu lòng, làm trấn an và cách ngài nói tiếng Ý chèn vào cách chuyển câu theo tiếng Tây Ban Nha làm cho những giây phút gặp gỡ hiếm hoi này thành tự nhiên và đặc biệt.

 

Quá cảm động về sự đơn giản và dễ dàng sẵn sàng, chúng tôi quên là chúng tôi ở trước mặt một nhân vật quyền lực nhất thế giới, đó là danh từ các báo Mỹ gán cho ngài sau chuyến đi Mỹ vừa qua của ngài. Chúng tôi có những giây phút quá ngoại hạng ở bên cạnh ngài, làm như thời gian đã ngừng trôi. Và cực kỳ tế nhị, Đức Giáo hoàng cũng không nhìn đồng hồ.

 

Ngày thứ sáu 9 tháng 10 này, cũng như ngày 6 tháng 8 vừa qua sẽ là những ngày ghi khắc vào trí nhớ tôi khi Đức Giáo hoàng gọi vào điện thoại cầm tay của tôi. “Hola Carolina.” Dù tôi nhận ra giọng của ngài, nhưng làm sao tôi không nghĩ mình đang mơ cho được. Không thể nào hình dung được đầu giây bên kia là Đức Thánh Cha. Lúc đó, ngài hứa dành cho tôi một cuộc phỏng vấn. Và dĩ nhiên tôi không dám hỏi lúc nào. Vatican lúc nào cũng có một phần bí ẩn riêng của mình. Không ai dám đặt câu hỏi này với người bận rộn nhất hành tinh. Từ buổi sáng hôm đó, tim tôi đập thật mạnh. Và đến một ngày, mọi sự xảy ra thật nhanh chóng.

Paris-Match-3.jpg

(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 15.10.2015/
parismatch.com, Caroline Pigozzi, 2015-10-15)