Trong những năm gần đây, giáo huấn của Giáo Hội quan tâm đặc biệt đến đời sống gia đình. Tháng 10 năm 2014, Thượng hội đồng Giám mục ngoại thường về gia đình đã được triệu tập. Và Thượng hội đồng Giám mục thường lệ về gia đình được tổ chức vào tháng 10 năm 2015. Đây là bằng chứng Giáo Hội quan tâm đến gia đình cách đặc biệt trong bối cảnh tân Phúc-Âm-Hóa.
Khởi đi từ tân Phúc-Âm-Hóa đời sống gia đình đến tân Phúc-Âm-Hóa đời sống giáo xứ và đời sống xã hội chính là định hướng mục vụ của Giáo Hội tại Việt Nam hôm nay. Thư Mục Vụ Năm Đức Tin HĐGMVN đã định hướng cho các gia đình: “Trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức. Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp này của gia đình Công Giáo. Hãy xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương. Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm hoá mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta.” (số 9).
Lễ Thánh Gia mời gọi chúng ta nhìn về định hướng nền tảng là tân Phúc-Âm-Hóa đời sống gia đình: “Xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương”.
1. Gia đình “ngôi nhà thờ phượng Chúa”
Công Đồng Vaticanô II đã ví “gia đình như một Hội Thánh nhỏ” (Hiến chế Ánh sáng muôn dân, số 11).Thánh Gioan Phaolô II định nghĩa: “Gia đình là Hội Thánh tại gia” (Tông huấn đời sống gia đình, số 11).
Gia đình là Hội Thánh tại gia, bởi lẽ: Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong gia đình Nazareth,có Thánh Giuse và Đức Mẹ;Thánh gia là mẫu mực cho mọi gia đình; Gia đình Công Giáo là trường học đức tin đầu tiên, là môi trường sống các bí tích và thực hành các nhân đức Kitô giáo; Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của con cái; Gia đình là cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa. Qua đời sống cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, gia đình toả sáng sự bình an, trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện. Để trở thành Hội Thánh tại gia, mỗi thành viên phải ý thức về căn tính cao cả và chức năng quan trọng của mình. Mỗi ngày thể hiện rõ nét hơn những tính chất căn bản của Hội Thánh tại gia như hiệp thông, liên đới, yêu thương, thuận hoà, tôn ti trật tự, kinh nguyện sáng tối, sống phục vụ và làm chứng nhân Tin Mừng.
2. Gia đình “trường dạy đức tin”
Tin Mừng Lễ Thánh Gia kể chuyện: gia đình Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu đi hành hương lên Giêrusalem. Hai ông bà là người sùng đạo, tuân giữ lề luật cách trung tín. Theo luật quy định, người Do thái phải hành hương về Đền Thánh “mỗi năm ba lần mọi người nam phải trình diện trước Đấng Toàn Năng là Đức Chúa”. Chúa Giêsu lên 12 tuổi, cùng cha mẹ và đoàn hành hương tiến về Đền Thờ theo tập tục ngày lễ. Đối với người Do thái, 12 tuổi là tuổi trưởng thành. Chúa Giêsu bộc lộ sự khôn ngoan trước các bậc thông thái. Sau khi dự lễ vượt qua, Người ở lại Đền Thờ tranh luận với các tiến sĩ luật “mọi kẻ nghe Ngài đều sửng sốt về trí thông minh và các lời Ngài đối đáp”. Sau đó cả gia đình trở về Nazareth “Chúa Giêsu hằng vâng phục hai ông bà”. Con Thiên Chúa làm người và thuộc về một gia đình, một mái ấm có cha có mẹ. Con Thiên Chúa đã lớn lên trong bầu khí gia đình. Mái nhà là trường học đầu tiên. Cha mẹ là thầy cô căn bản. Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt trong Thánh Gia đạo hạnh. 30 năm sống dưới mái nhà Nazareth, Đức Giêsu đã thành một người chín chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ vụ Chúa Cha trao phó. Đức Giêsu đã học nơi Thánh Giuse tinh thần lao động miệt mài, tâm tình tín thác và luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa, lòng nhiệt thành chu toàn trách nhiệm đối với gia đình. Đức Giêsu học nơi Đức Mẹ nét đẹp hiền lành đơn sơ tế nhị, tận tụy phục vụ, tin tưởng phó thác, cầu nguyện thâm trầm.Nếp sống đạo đức của cha mẹ đã ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời Đức Giêsu. Người thừa hưởng nơi cha mẹ lòng yêu mến lề luật, gắn bó với Đền Thờ, thói quen siêng năng nghe và đọc Lời Chúa. Người học nơi cha mẹ tâm tình vâng phục thánh ý Chúa, thái độ hiền lành khiêm nhường, tinh thần phục vụ quên mình, chuyên chăm làm việc, ân cần âu yếm đối với con cái. Gia sản quý báu từ Thánh Gia bàng bạc trong những lời Người giảng dạy, trong đời sống của Người.
Gia đình là nơi trẻ em và thanh thiếu niên hấp thụ nền giáo lý chân chính từ cha mẹ.Công đồng Vaticanô II mong muốn các bậc cha mẹ là những người đầu tiên “dùng gương lành và lời nói truyền dạy đức tin cho con cái”. (Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 11).Gia đình chu toàn được sứ mệnh cao cả này nhờ yêu thương,cùng nhau học hỏi và cầu nguyện để hạt giống đức tin được triển nở (Sắc lệnh tông đồ giáo dân, số 11). Cha mẹ chăm lo giáo dục nhân bản và giáo dục tâm linh cho con cái.Với con cái, cha mẹ là những sứ giả đầu tiên của Chúa (GLTC # 2225). Hạt giống đức tin nơi trẻ em được gieo và chăm sóc trong môi trường gia đình sẽ phát triển thành cây đức tin.Gia đình là vườn ươm, là thửa đất tốt. Dạy giáo lý như cung cấp chất dinh dưỡng. Tuỳ theo mức độ hấp thụ, tuỳ theo thời điểm, cây đức tin nơi đứa trẻ sẽ phát triển và đơm bông kết trái. Dạy giáo lý tại gia đình, cha mẹ góp phần với Hội Thánh trong sứ vụ đào tạo đức tin cho con cái.
3. Gia đình “mái ấm tình thương”.
Gia đình là cộng đoàn hiệp thông và liên đới chặt chẽ giữa các thành viên với nhau, bình đẳng về phẩm giá, về ơn gọi trước mặt Chúa và trước mặt nhau. Nhờ đó gia đình trở nên mái ấm với cuộc sống an hoà, yêu thương đầm ấm, chia sẽ, giúp đỡ, hy sinh quên mình vì hạnh phúc của nhau.Hãy gìn giữ mái ấm gia đình. Hãy đặt ưu tiên cho hạnh phúc gia đình.
Đại hội gia đình thế giới tại Pennsylvania Convention Center Philadelphia, có những ngày Hội Nghị Thần Học Mục Vụ, những diễn giả là Hồng Y, Giám mục, Giáo sư đại học tài ba đức độ lần lượt trình bày những kinh nghiệm sống, những chứng từ hùng hồn đầy sức thuyết phục giúp các bậc phụ huynh nhìn lại chính cuộc sống gia đình của mình để điều chỉnh, sắp xếp lại theo trật tự Chúa muốn trong bậc sống của mình. Đức Tổng Giám Mục Chaput nói: “Chủ đề Đại hội nhấn mạnh đến vẻ đẹp và sự thật của cuộc sống gia đình. Tình yêu mà chúng ta nói đến trong chủ đề là một tình yêu mà chúng ta phải đảm bảo đong đầy nơi mọi gia đình và tất cả các thành viên của gia đình với ánh sáng và sự nồng ấm đặc sắc và đầy tràn sức sống”. Đức Hồng Y Tagle dí dỏm bài hát ‘về chiếc ghế’: “chiếc ghế không có người ngồi vẫn là chiếc ghế, nhưng ngôi nhà không có người yêu thương nhau, thiếu sự quan tâm nâng đỡ nhau, không trao ban cho nhau những nụ hôn thì không còn là ngôi nhà nữa!”. Bà Helena Alvare, giáo sư Đại Học khẳng định: “Gia đình là người này sống gần với người kia suốt ngày đêm, sống yêu thương nhau, cho dù có khi chén dĩa có bay, nhưng trong gia đình mỗi người đều có một vai trò quan trọng và ai cũng quan trọng cả. Bởi vậy, cần có một cái nhìn yêu thương giữa người này với người khác, cần có tinh thần của người Samaritano nhân hậu ngay trong gia đình. Tình yêu phải có sự hy sinh, phải bắt đầu biết hy sinh ngay trong gia đình để rồi mở ra với xã hội. Yêu thương trong gia đình để mở ra với người khác, ngay từ những việc nhỏ mọn nhất. Ồ! thật là đơn giản, thế mà trong cuộc sống chung đụng hằng ngày chúng tôi quên mất. Tự ái, ích kỷ đã che điều đơn giản. Tôi tự hứa với lòng: Lạy Chúa, con phải biết tập nhẫn nhịn, để mang niềm vui cho mọi người trong gia đình. Con sẽ bắt đầu lại, mỗi ngày phải mang một niềm vui nhỏ cho gia đình, cho người tôi gặp gỡ. Và quả thật trong những ngày kế tiếp, tôi bắt đầu thực hành điều tôi nghe, tôi nhận ra niềm vui nối tiếp niềm vui, lòng tôi nhẹ nhàng hơn. Tạ ơn Chúa”…
Ngày nay, trong xã hội tiêu thụ, vì bận rộn với công việc kiếm tiền, một số cha mẹ không gần gũi, không dành thời giờ cho con cái. Vì thế, chúng cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu tình thương. Theo mức độ, con cái sẽ lâm bệnh chán nãn, buồn phiền, không thích học nữa, lỳ lợm, xấc láo, ích kỷ, vô cảm, đua đòi thiếu suy nghĩ.Một số phụ huynh chỉ mong con mình học giỏi, thành đạt, kiếm được nhiều tiền. Họ ít quan tâm đến đời sống đạo đức của con, không lo giáo dục đức tin cho con. Có cha mẹ quan niệm, lo cho con được Xưng Tội, Rước Lễ, Thêm Sức là đủ rồi; vì thế có những em sau khi Thêm Sức là bỏ nhà thờ. Sự đa dạng của vi tính và internet quá hấp dẫn lôi kéo con cái chúng ta ra khỏi thực tế và lao vào thế giới ảo, lối sống ảo. Lối sống hiện đại cũng dễ đánh mất bầu khí mái ấm. Mỗi người có một phòng riêng, một thế giới riêng nên mọi người ít quan tâm đến nhau, ít giúp đỡ nhau. “Một gia đình mà hiếm khi mọi người ngồi ăn chung với nhau, hoặc giả có cùng ngồi quanh bàn ăn thì chẳng ai mở miệng trò chuyện với ai, bởi lẽ họ còn đang bận dán mắt vào màn ảnh truyền hình, hoặc đang mê mải với điện thoại thông minh, thế thì gia đình đó không còn đúng nghĩa là một gia đình nữa. Khi ngồi tại bàn ăn mà con cái cứ dán mắt vào máy tính hay điện thoại thông minh và không lắng nghe người khác, thì đó không phải là gia đình nữa, mà là một nhà hưu dưỡng”. (x.Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình quanh bàn ăn trong buổi tiếp kiến chung ngày 11.11.2015, tại quảng trường Thánh Phêrô).
Các bậc phụ huynh xin hãy nhớ, sức mạnh của sự hiệp nhất các thành viên và đồng hành với nhau trong đức tin làm thành mái ấm gia đình cao quý. Chính tình yêu từ mái ấm sẽ làm trổ sinh hoa trái cho đời sống gia đình. “Gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức”.Từ mái ấm gia đình, cha mẹ con cái siêng năng tham dự Thánh Lễ, chuyên chăm Kinh Hạt tại gia, biết dùng Lời Chúa làm ánh sáng soi đường chỉ lối, luôn sống hoà thuận yêu thương nhau, thì “Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm hoá mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta”.
Theo gương Thánh Gia, mỗi gia đình hãy nỗ lực thực thi lời mời gọi của HĐGMVN : “Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Công Giáo”. Hãy khởi đầu tân Phúc-Âm-Hóa từ gia đình. Mái ấm tình thương là nơi thể hiện lòng thương xót trong đời sống hằng ngày, từ đó gia đình sẽ là “vườn ươm” các nhân đức, là “nơi đào tạo” nhân bản và tâm linh cho con cái, để trở thành một Hội Thánh tại gia.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An