Nữ tu Ana Rosa năm nay 75 tuổi, xơ định cư ở Bangkok và sẽ không đi Rangoun để gặp Đức Phanxicô trong chuyến đi đầu tiên của ngài qua Miến Điện vào tuần sau. Nhưng xơ sẽ theo sát bước chân của người bà con “rất rụt rè” của mình.
Xơ giải thích với hãng tin AFP: “Thật đúng lúc để ngài đi Miến Điện và Bangladesh, hai nước đang có xung đột với nhau. Mục đích chuyến đi của ngài là mang lại can đảm cho người dân, để họ xây cầu hòa bình”. Từ 50 năm nay, Nữ tu Ana Rosa Sivori là nhà truyền giáo ở Thái Lan, đất nước có đa số người dân là phật tử như nước Miến Điện láng giềng.
Nữ tu cởi mở nói đến cơn khủng hoảng của người Rohingya, một dân tộc hồi giáo thiểu số bị bách hại mà hàng trăm ngàn người phải bỏ đất Miến Điện để tị nạn qua nước Bangladesh bên cạnh. Đức Phanxicô cũng nói về thảm trạng này, một thảm trạng mà tổ chức Liên Hiệp Quốc cho đó là một vụ “thanh trừng chủng tộc” của quân đội, làm cho Giáo hội công giáo ở Miến Điện bị xao động.
Các người công giáo Miến Điện lo sợ Đức Phanxicô sẽ nói gần nói xa đến tình trạng của những người Rohingya này trước các nhà cầm quyền Miến Điện, trong đó có bà Aung san Suu Kyi, người được giải Nobel hòa bình ngài sẽ gặp ngày thứ ba tới đây, chữ Rohingya rất cấm kỵ ở Miến Điện, nơi có phong trào quốc gia phật giáo mãnh liệt chống hồi giáo.
Người anh họ xa (ông của hai người là anh em với nhau) của xơ sẽ không ngần ngại nói: “Anh chị em phải săn sóc đến những người này”.
Khoảng 200.000 người sẽ dự thánh lễ Đức Phanxicô cử hành ngày thứ tư 29 tháng 11 ở Rangoun, thủ đô kinh tế của Miến Điện. Xơ điều khiển một trường công giáo dành cho các nữ sinh ở Nakhom Pathom, ngoại ô Bangkok, tại đây xơ sẽ xem thánh lễ Đức Phanxicô cử hành ở Rangoun.
Không buồn vì người anh họ của mình không có thì giờ thăm mình trong chuyến đi Á châu này, người nữ tu đầy năng lực này nói: “Ngài đi là để cho người dân Miến Điện chứ không phải cho chúng tôi!”
“Hồi đó tôi thấy anh tôi chán ngắt”
Xơ cười khi nhớ tới người anh họ Jorge Mario Bergoglio của mình. Theo xơ Ana Rosa Sivori, người anh họ giáo hoàng không phải lúc nào cũng ăn nói hùng hồn. Xơ nhớ lại một thánh lễ trong những năm 90, “tôi thấy anh họ tôi chán ngắt!” hoàn toàn ngược với bây giờ: bây giờ, “lời của ngài thật sâu đậm”.
Nụ cười rạng rỡ cũng là một nét mới trong nhân cách của ngài, xơ nói: “Hồi đó ngài rất rụt rè, dè dặt, ngài không cười, bây giờ ngài cuời rất nhiều, ngài thích gần với giáo dân”.
Sự gần gũi trong tinh thần gia đình với giáo hoàng đã làm cho xơ có uy tín trong cộng đoàn của mình. Xơ quý báu giữ các thơ viết tay, các thơ có chữ ký khiêm tốn “Francisco” ở cuối thư với chữ viết rất nhỏ, ngay cả khi lên làm giáo hoàng.
Lần cuối hai người nói chuyện với nhau là ở Vatican cách đây vài năm rất thân tình và trong tinh thần gia đình, dù họ ở rất xa nhau. Xơ nhớ đã có lúc xơ tự hỏi “có đúng người mình đang nói chuyện là giáo hoàng đó không?”
(Marta An Nguyễn dịch, phanxico.vn 25.11.2017)