Diễn văn của ĐTC tại Maskwacis

Thứ Hai 25/7/2022, ngày thứ hai trong chuyến tông du kéo dài 6 ngày tại Canada của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã có hoạt động chính thức đầu tiên: đến Maskwacis để gặp gỡ các dân tộc bản địa First Nations, Métis và Inuit.

Thưa Bà Thống đốc Toàn quyền, ông Thủ tướng

Thưa anh chị em bản địa của Maskwacis và của vùng đất Canada này,

Thưa anh chị em thân mến!

Tôi đã chờ đợi để đến với anh chị em. Chính từ đây, nơi gắn liền với những ký ức đau buồn này, tôi muốn bắt đầu điều mà tôi mang trong lòng: một cuộc hành hương thống hối. Tôi đến quê hương của anh chị em để nói với anh chị em rằng tôi rất đau buồn, để cầu xin Chúa tha thứ, chữa lành và hòa giải, để cho anh chị em thấy sự gần gũi của tôi, để cầu nguyện với và cho anh chị em.

Tôi nhớ lại những cuộc gặp gỡ của chúng ta ở Roma bốn tháng trước. Lúc đó, tôi đã được tặng hai đôi giày da đanh như một dấu hiệu của sự đau khổ mà trẻ em bản địa phải chịu đựng, đặc biệt là những em thật không may, ở các trường nội trú và không bao giờ trở về nhà nữa. Tôi đã được yêu cầu trả lại những chiếc giày da đanh khi tôi đến Canada, và tôi sẽ làm như vậy khi tôi kết thúc bài nói chuyện này. Tôi muốn suy tư về biểu tượng này, biểu tượng mà trong vài tháng qua đã khiến tôi cảm thấy đau buồn, phẫn nộ và xấu hổ. Ký ức về các trẻ em đó quả thực rất đau đớn; nó thúc giục chúng ta làm việc để đảm bảo rằng mọi trẻ em đều được đối xử bằng tình thương, danh dự và sự tôn trọng. Đồng thời, những chiếc giày da đanh đó cũng nói cho chúng ta biết một con đường phải theo, một hành trình mà chúng ta mong muốn cùng nhau thực hiện. Chúng ta muốn cùng nhau bước đi, cùng nhau cầu nguyện và làm việc, để những đau khổ trong quá khứ có thể dẫn đến một tương lai công bằng, chữa lành và hòa giải.

Đây là lý do tại sao chặng đầu tiên của cuộc hành hương giữa anh chị em lại diễn ra ở vùng này, nơi mà từ xa xưa đã chứng kiến sự hiện diện của các dân tộc bản địa. Đây là những vùng đất nói với chúng ta, cho phép chúng ta ghi nhớ.

Ghi nhớ: anh chị em đã sống trên những mảnh đất này hàng ngàn năm, với lối sống tôn trọng chính mảnh đất mà anh chị em đã nhận được như một di sản từ các thế hệ trước và gìn giữ cho các thế hệ tương lai. Anh chị em đã coi nó như một ân ban của Đấng Tạo Hóa để chia sẻ với người khác và yêu thương trong sự hài hòa với mọi thụ tạo, trong mối tương giao sâu sắc với mọi sinh vật. Bằng cách này, anh chị em đã học được cách nuôi dưỡng ý thức về gia đình và cộng đồng, và phát triển mối liên kết bền chặt giữa các thế hệ, tôn trọng người lớn tuổi và quan tâm đến những người bé nhỏ. Một kho tàng các phong tục và lời dạy tốt, tập trung vào sự quan tâm đến người khác và tình yêu sự thật, vào lòng can đảm và sự tôn trọng, vào sự khiêm tốn và lòng trung thực, vào sự khôn ngoan của cuộc sống.

Nhưng, nếu đây là những bước đầu tiên được thực hiện trong những lãnh thổ này, thì đáng buồn là ký ức đưa chúng ta đến những bước tiếp theo. Nơi chúng ta đang tụ họp gợi lại trong tôi cảm giác đau đớn và hối hận sâu sắc mà tôi đã cảm nhận trong những tháng qua. Tôi nghĩ lại thảm kịch mà rất nhiều người trong số anh chị em, gia đình, cộng đồng anh chị em đã biết; với những gì anh chị em đã chia sẻ với tôi về những đau khổ phải chịu đựng trong các trường nội trú. Đây là những chấn thương, theo một cách nào đó, bừng sống lại mỗi khi chúng được gợi lại. Tôi cũng nhận ra rằng cuộc gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay cũng có thể gợi lại những ký ức và nỗi đau, và nhiều người trong số anh chị em có thể thấy không thoải mái ngay cả khi tôi nói. Nhưng chúng ta phải nhớ, bởi vì sự lãng quên dẫn đến sự thờ ơ và như đã nói, “đối lập của tình yêu không phải là hận thù, đó là sự thờ ơ … đối lập của sự sống không phải là cái chết, mà là sự ‘thờ ơ với sự sống hay cái chết. ‘(E. WIESEL). Nhớ lại những kinh nghiệm đau thương đã diễn ra ở các trường nội trú là điều gây phẫn nộ, đau xót, nhưng rất cần thiết.

Cần phải nhớ rằng các chính sách đồng hóa và giải phóng, gồm cả hệ thống trường học nội trú, đã tàn phá như thế nào người dân của những vùng lãnh thổ này. Khi những người thực dân châu Âu đến đó lần đầu tiên, có một cơ hội tuyệt vời để phát triển một cuộc gặp gỡ hiệu quả giữa các nền văn hóa, truyền thống và các hình thức tâm linh. Nhưng phần lớn điều đó đã không xảy ra. Và một lần nữa những câu chuyện của anh chị em lại xuất hiện trong tâm trí tôi: làm thế nào các chính sách đồng hóa đã kết thúc bằng cách làm cho người bản địa bị gạt ra ngoài lề một cách có hệ thống; làm thế nào, ngay cả qua hệ thống trường nội trú, ngôn ngữ và văn hóa của anh chị em đã bị bôi nhọ và loại bỏ; trẻ em đã bị lạm dụng thể chất và lời nói, tâm lý và tinh thần; Làm thế nào các em bị đưa đi khỏi nhà các em khi các em còn nhỏ và làm thế nào điều này đã đánh dấu không thể xóa nhòa quan hệ giữa cha mẹ ông bà và con cháu.

Cám ơn anh chị em đã cho tôi biết rõ điều này, đã nói cho tôi biết những gánh nặng mà anh chị em đang có trong lòng, đã chia sẻ với tôi ký ức cay đắng này. Hôm nay tôi ở đây, trên mảnh đất này, cùng với những ký ức xa xưa, lưu giữ những vết thương lòng còn hở. Tôi ở đây bởi vì bước đầu tiên của cuộc hành hương thống hối của tôi giữa anh chị em là một lần nữa cầu xin sự tha thứ, để nói với anh chị em rằng tôi rất đau buồn. Tôi xin lỗi vì những cách thức mà trong đó, đáng tiếc là nhiều Kitô hữu đã ủng hộ não trạng thực dân hóa của các thế lực áp bức dân bản địa. Đặc biệt tôi cầu xin sự tha thứ đối với những cách thức mà nhiều thành viên của Giáo hội và các cộng đoàn dòng tu đã hợp tác, kể cả qua sự thờ ơ, trong các dự án phá hủy văn hóa và cưỡng bức đồng hóa do các chính phủ thời đó thúc đẩy, mà đỉnh điểm là hệ thống các trường học nội trú.

Mặc dù hoạt động bác ái Kitô giáo luôn hiện diện và không ít trường hợp là mẫu gương trong việc phục vụ trẻ em, nhưng hậu quả chung của các chính sách liên quan đến trường học nội trú là rất thảm khốc. Điều mà đức tin Kitô nói với chúng ta rằng đó là một sai lầm nghiêm trọng, không phù hợp với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Thật đau đớn khi biết rằng nền tảng giá trị, ngôn ngữ và văn hóa của lãnh thổ đó, những điều mang lại cho các dân tộc của anh chị em một bản sắc đích thực, đã bị xói mòn và anh chị em tiếp tục phải trả giá. Trước sự dữ gây phẫn nộ này, Giáo hội quỳ gối trước Thiên Chúa và cầu xin sự tha thứ cho tội lỗi của con cái mình. Tôi muốn nhắc lại điều đó với sự xấu hổ và rõ ràng. Tôi khiêm tốn cầu xin sự tha thứ cho tội ác của rất nhiều Kitô hữu chống lại người bản địa.

Anh chị em thân mến, nhiều người trong anh chị em và những người đại diện anh chị em đã nói rằng xin lỗi không phải là kết thúc của vấn đề. Tôi cũng nhận thức được rằng đó chỉ là bước đầu tiên, điểm khởi đầu. Tôi cũng nhận ra rằng, “sẽ không bao giờ là đủ nếu chỉ nhìn về quá khứ, cầu xin sự tha thứ và cố gắng sửa chữa những thiệt hại đã gây ra” và “sẽ không bao giờ là ít, nếu nhìn về tương lai, làm tất cả để mang lại cho cuộc sống một văn hoá có khả năng ngăn chặn những tình huống như vậy không chỉ không xảy ra nữa, nhưng còn là để nó không còn chỗ nữa” (Thư gửi Dân Chúa, 20/8/2018). Một phần quan trọng của quá trình này sẽ là tiến hành một cuộc tìm kiếm nghiêm túc về sự thật của những gì đã xảy ra trong quá khứ và hỗ trợ những người sống sót trong các trường nội trú cảm nghiệm việc chữa lành những tổn thương mà họ phải chịu đựng.

Tôi cầu nguyện và hy vọng rằng các Kitô hữu và xã hội dân sự của vùng đất này sẽ phát triển về khả năng chào đón và tôn trọng bản sắc và kinh nghiệm của người bản địa. Tôi hy vọng rằng những cách cụ thể sẽ được tìm thấy để làm cho những dân tộc đó được biết đến và được quý trọng hơn, để tất cả có thể học cách bước đi cùng nhau. Về phần mình, tôi sẽ tiếp tục khuyến khích sự dấn thân của tất cả những người Công giáo đối với người bản địa. Tôi đã làm điều này nhiều lần và ở nhiều nơi khác nhau, qua các cuộc họp, lời kêu gọi và qua Tông huấn. Tôi biết rằng tất cả những điều này đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn: đây là những quá trình cần phải đi vào lòng người, và sự hiện diện của tôi ở đây và sự dấn thân của các Giám mục Canada là bằng chứng cho ý muốn tiến hành trên con đường này.

Anh chị em thân mến, cuộc hành hương này kéo dài vài ngày và xảy ra ở những nơi cách xa nhau; tuy nhiên, nó sẽ không cho phép tôi nhận nhiều lời mời và thăm các trung tâm như Kamloops, Winnipeg, các địa điểm khác nhau ở Saskatchewan, Yukon và các Lãnh thổ Tây Bắc. Ngay cả khi điều này là không thể, anh chị em biết rằng tất cả anh chị em ở trong suy nghĩ và trong lời cầu nguyện của tôi. Anh chị em biết rằng tôi biết những đau khổ, tổn thương và thách đố của những người bản địa trên mọi miền đất nước này. Những lời tôi nói trong hành trình thống hối này được gửi đến tất cả cộng đồng và người bản xứ, những người mà tôi ôm ấp trong tâm hồn.

Trong bước đầu tiên của cuộc hành trình, tôi muốn dành chỗ cho ký ức. Ở đây, hôm nay, tôi cùng anh chị em nhớ lại quá khứ, cùng khóc với anh chị em, cùng nhau cúi đầu trong thinh lặng và cầu nguyện trước những nấm mồ. Chúng ta hãy cho phép những khoảnh khắc thinh lặng này giúp chúng ta khắc sâu nỗi đau của mình. Thinh lặng. Và cầu nguyện. Trước sự dữ, chúng ta cầu xin Chúa nhân lành; đối diện với cái chết, chúng ta cầu nguyện với Chúa của sự sống. Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã chọn nấm mộ, dường như là nơi chôn vùi mọi hy vọng và ước mơ, chỉ để lại nước mắt, nỗi đau và sự cam chịu, và biến nó thành nơi tái sinh và phục sinh, khởi đầu lịch sử của cuộc sống mới và sự hòa giải phổ quát. Những nỗ lực của chúng ta không đủ để đạt được sự chữa lành và hòa giải: chúng ta cần ơn Chúa. Chúng ta cần sự khôn ngoan hiền lành và mạnh mẽ của Thánh Thần, tình yêu dịu dàng của Đấng An Ủi. Xin Người thực hiện những mong đợi sâu sắc nhất trong trái tim của chúng ta. Xin Thánh Thần hướng dẫn các bước của chúng ta và giúp chúng ta cùng nhau thăng tiến trên hành trình này.

ĐGH. Phanxicô

Nguồn: vaticannews.va (25.07.2022)