Để việc “Rửa Chân” không chỉ là “Rửa Chân”….

“ Hôm 21-01 vừa qua, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phổ biến thư của ĐTC Phanxicô gửi ĐHY Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích, để thông báo quyết định việc đưa ra thay đổi qui tắc phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, cho phép rửa chân của phụ nữ, cũng như nam giới, trong nghi thức phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh ” .

Pope_Washing_Woman.jpg

Với quyết định này, Đức Thánh Cha Phanxico đã cho phép có một cuộc tiếp xúc khá “nhạy cảm” giữa vị linh mục chủ tế và người phụ nữ khi cử hành nghi thức Rửa Chân vào thứ Năm Tuần Thánh.

Trong kinh Phật có một câu chuyện kể rằng: Tiểu hòa thượng và lão hòa thượng cùng đi hóa duyên, tiểu hòa thượng lễ độ cung kính, việc gì cũng đều nhìn theo sư phụ. Khi tới bờ sông, một cô gái muốn qua sông, lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, cô gái sau khi cảm ơn thì đi mất, tiểu hòa thượng trong lòng cứ thắc mắc “ Sư phụ sao có thể cõng một cô gái qua sông như thế?”. Nhưng cậu ta không dám hỏi, cứ thế đi mãi được 20 dặm, cậu ta thực sự không kìm được đành hỏi sư phụ: “Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông?” Sư phụ điềm đạm nói: “Ta cõng cô gái qua sông thì bỏ cô ấy xuống, còn ngươi thì đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi vẫn chưa bỏ xuống.”

Tuy nhẹ nhàng nhưng lời nói đầy thiền ý của sư phụ đã giúp tiểu hòa thượng ngộ ra một chân lý là: “ Đừng để sân-si lâu trong lòng, vì chính sân –si thế gian đó sẽ giết chết Phật Tánh của chúng ta”.  Theo lẽ “ thế gian sự thường ” thì phụ nữ được xem như là “ khắc tinh” của kẻ tu hành vì họ thường là nguyên nhân gây nên sự sa ngã. Chẳng thế mà trong hành trình sang Tây Trúc để thỉnh Kinh Phật của thầy trò Đường Tăng, bọn yêu quái nguy hiểm mà họ gặp phải luôn là những yêu nữ sở hữu những nhan sắc hút hồn như Bạch Cốt Tinh, chị em nhà yêu nhền nhện, Bà La sát … Có lẽ vì thế mà việc hạn chế sự “ va chạm”, gần gũi giữa người phụ nữ và kẻ tu hành được xem là một trong những cách thế “ bảo vệ” các bậc tu sĩ một cách hữu hiệu. Tuy nhiên, trở lại câu chuyện nêu trên chúng ta thấy rằng tội là do cái tâm sinh ra, mặc dù trực tiếp cõng cô gái trên lưng nhưng nếu lòng vị sư phụ biết buông thả thì vẫn không bị hình ảnh cô gái ám ảnh. Và ngược lại, cho dù không hề có sự va chạm nhưng vị tiểu hòa thượng mới là người để hình ảnh cô gái chiếm ngự cõi lòng của mình.  “ Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống ” (Mt 15, 18-20 ).Trong “ thư của ĐTC gửi ĐHY Sarah ký ngày 20-12-2014 có đoạn viết: ”Sau khi suy nghĩ chín chắn, tôi đi đến quyết định du nhập một sự thay đổi trong qui luật của Sách Lễ Roma. Vì thế, tôi qui định thay đổi qui luật theo đó những người được chọn để được rửa chân phải là đàn ông hoặc trẻ nam. Từ nay các vị mục tử của Giáo Hội có thể chọn những người tham dự nghi thức rửa chân trong số tất cả các thành phần dân Chúa. Ngoài ra, nên giải nghĩa thích đáng cho những người được chọn về ý nghĩa nghi thức rửa chân”.** Dù vậy, cũng phải thừa nhận việc “ du nhập sự đổi mới này vào trong các sách phụng vụ” là một cuộc thay đổi khá lớn vì giáo hội Công Giáo từ hơn 2000 năm qua, “việc rửa chân là để nhớ lại những cử chỉ mà Chúa Giêsu làm trong Bữa Tiệc Ly, rửa chân cho các môn đệ của Người, tất cả họ đều là nam giới. Những người ủng hộ quy luật cũ kỹ này đã lập luận rằng trong nghi thức phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh, để kỷ niệm sự thành lập của thiên chức linh mục, việc lựa chọn nam giới là để nhấn mạnh vai trò của chức vị linh mục nam”. Giờ đây, sắc lệnh nhắc đến quyết định của ĐTC Phanxicô thay đổi qui luật đó và qui định rằng ”Các mục tử có thể chọn một nhóm nhỏ các tín hữu đại diện mỗi thành phần dân Chúa. Nhóm nhỏ ấy có thể gồm cả đàn ông lẫn phụ nữ, người trẻ, người già, người lành mạnh và bệnh nhân, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân” **

Tưởng cũng nên nhắc lại, vào ngày 07 tháng 02 năm 2015, trong bài diễn văn nhân dịp Hội Đồng Giáo hoàng về Văn Hóa họp khoáng đại, Đức Thánh Cha Phanxico đã đặt vấn đề về “cái nhìn của phụ nữ” và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Ngài cũng có “ năm câu nói rất đáng nhớ về phụ nữ” với những nhận định rất trân trọng dành cho phụ nữ. Trong đó Ngài khẳng định: “Tôi đoan chắc, điều cấp thiết là phải để cho phụ nữ có chỗ đứng trong Giáo hội”.  Những người mà theo nhân định của bà Lucette Scaraffia, giáo sư sử học Đại học La Sapienza, Rôma cho rằng : ” Họ chỉ được xem như người giúp việc. Họ không được xem là người chị em cùng có trách nhiệm chung trong Giáo hội “. Và với quyết định này, hẳn là Đức Thánh Cha đã thực hiện lời khẳng định của mình. Đồng thời, nếu chúng ta “dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa ” (1 Cor 10,31) thì sự thay đổi về hình thức của nghi thức này sẽ không bao giờ làm mất đi sự “diễn tả đầy đủ ý nghĩa hơn về cử chỉ của Chúa Giêsu trong Nhà Tiệc Ly, trao ban chính bản thân của Người cho đến khi kết thúc sự cứu rỗi của thế giới, lòng nhân từ vô hạn của Người”. Và như thế, việc người phụ nữ được tham gia vào nghi thức phụng vụvào ngày thứ Năm Tuần Thánh không chỉ là họ được “rửa chân” nhưng còn là một sự tẩy rửa những quy luật cũ kỹ để lòng Thương Xót của Chúa được thể hiện cách vô hạn trên mọi thân phận con người.

 

Điền Phương Thảo