Tại sao mẹ lại đọc nhật ký của con?” – Tôi đã phản ứng như vậy với mẹ tôi vào năm học lớp 11, khi những bí mật trong cuốn nhật ký cá nhân, trong đó có cả chuyện yêu đương nhăng nhít bị “phát hiện“.
Dĩ nhiên, trước đó, mẹ tôi cũng rất nhẹ nhàng và tế nhị, chỉ hỏi han về cô ban gái mà tôi đã nhắc tên “với tần suất cao” trong cuốn nhật kỷ và là người được đề tặng khá nhiều bên dưới mấy bài thơ con cóc. Cũng dĩ nhiên, sau đó là vài lời khéo léo nhắc nhỏ lo học hành, đừng tơ tưỏng vì năm sau đã ôn thi tú tài, vào đại học …Nhưng, “Tại sao mẹ lại đọc nhật ký của con?”- tôi hỏi vì cảm giác thiếu được tôn trọng. Tôi muốn mẹ phải thừa nhận mẹ đã sai khi bí mật thâm nhập vào những chuyện thầm kín riêng tư của tôi. Tôi cũng muốn mẹ hiểu tôi là một cá nhân độc lập, có đời sống riêng, bí mật riêng không thể chia sẻ như ngày còn bé và ai đó, kể cả ba mẹ muốn thâm nhập vào cánh cửa đó, thì nhất thiết phải được phép của chủ nhân. Nhưng tôi nhớ, cũng rất khéo, mẹ nói rằng mẹ chỉ muốn tốt cho tôi, chỉ muốn hiểu tôi nhiều hơn bởi vì vài tháng gần đây tôi trở nên lầm lì, rất ít tâm sự với ba mẹ, làm mẹ lo lắng. Mẹ không quên thừa nhận rằng, mẹ đã sai khi “lén” đọc cuốn nhật ký mà không được sự cho phép của tôi. Câu chuyện về cuốn nhật ký năm xưa cứ trở lại trong tâm trí tôi mỗi khi nghe những người bạn lớn tuổi tâm sự về việc bọn trẻ bây giờ không chịu tâm sự với mình những chuyện xảy ra với chúng hằng ngày, trong khi đó, chúng rất hăng say nhiệt tình trong việc thổ lộ tâm tình qua Facebook.Làm sao để thâm nhập vào thế giới tình cảm của con cái, nhất là con cái đang ỏ tuổi dậy thì để có thể bằng kinh nghiệm định hướng hay hỗ trợ bọn trẻ khi cần thiết ?
Một chị bạn tôi đã mày mò học cách tạo tài khoản ảo trên trang Facebook, để hình avatar là một diễn viên Hàn Quốc rất đẹp trai mới có thể được cô con gái 15 tuổi chấp nhận kết bạn và cho vào “nhà” đọc những status và hình ảnh mới cập nhật. Chị không khỏi bàng hoàng khi đọc những dòng nhật ký đầy bế tắc của con bé về trường lớp, bạn bè, kể cả những “bức xúc đau đớn” với cha mẹ. Chị choáng váng trước những dòng “chán sống” của nó sau những biến cố gia đình. Mà lạ thay, những dòng nhật ký ghi lại cảm xúc tiêu cực đó lại nhận được rất nhiều lượt “like” (thích).
Sao lại thế? Chị hốt hoảng điện cho bạn bè và chờ kinh nghiệm. “Không sao cả, đó là thế giới ảo, bọn trẻ tạo ra một hình ảnh thương cảm thế thôi”, có người ủi an như vậy. Nhưng cũng có người từng rơi vào tình cảnh như chị, lại thực tế hơn: “Bọn trẻ giờ khó hiểu lắm. Phải tìm cách đối thoại nhẹ nhàng, không nên cấm đoán hay ồn ào, tụi nó dễ tổn thương”.
“Nắm trong tay kỹ năng công nghệ, bọn trẻ thông minh hơn chúng ta tưỏng”, người mẹ trong câu chuyện đúc kết được, sau khi chỉ cần vài câu truy /ấn, con bé đã biết được “chàng đẹp trai” chuyện like” trang Facebook của nó không ai khác, là “gián điệp – mẹ”. Chị đã phải nhận một câu hỏi như người mẹ quê của tôi năm xưa: “Sao mẹ phải “giả dạng” để vô Facebook của con? Sao mẹ đánh lừa con?”, con bé tỏ ra thất vọng với chị. Và có vẻ như ứng xử của những người mẹ thì giống nhau, khi đã bị dồn vào thế khó: “Vì mẹ thương con, mẹ quá lo cho cho con, mẹ muốn gần và hiểu con hơn. Mẹ sốt ruột bởi con không trò chuyện với ba mẹ nhiều tháng nay”.
Tạm giấu cái kết của câu chuyện cho phần kết của bài viết.
Tới đây, thử đặt ra câu hỏi, có bao nhiêu cha mẹ nhìn thấy sự thay đổi về tâm lý nơi con cái mình, từ một đứa trẻ dễ bảo, dễ gần, dễ chia sẻ bỗng trở nên lầm lì, khép kín dán mắt vào các trò game hay trang Facebook. Sự chuyển biến có nguồn gốc từ tâm lý lứa tuổi hay sự khủng hoảng, tổn thương sau những sự cố, sang chấn trong đời sống xã hội, gia đình khiến đứa trẻ trở nên khép kín? – Đi tìm những câu trả lời đó không phải dễ dàng, nhất là với những phụ huynh (và rộng hơn, người làm công việc giáo dục thiếu niên hôm nay) khi mà sự phát triển công nghệ theo khuynh hướng cá nhân hóa, làm đứt gãy những mối quan hệ, là triệt tiêu nhu cầu chia sẻ trực tiếp trong đời sống; khi kỹ năng sử dụng công nghệ, thích ứng với tâm thế và lối sống xã hội công nghệ để có thể làm bạn, đối thoại với người trẻ như những người bạn không phải phụ huynh hay nhà giáo dục nào cũng có thể trang bị được đầy đủ.
Những tri thức về tâm lý học lứa tuổi, những bài học lý thuyết suông sẽ trở nên bị động, cao đạo, khô khan, phản tác dụng theo kiểu “biết rồi khổ lắm nói mãi” đối với bọn trẻ, nếu như người lớn thiếu năng lực thích ứng với thế giới đời sống hiện đại, để hiểu và hướng dẫn đời sống tinh thần cho con em. Nhiều cha mẹ đã thất bại trong việc cấm đoán theo kiểu kỷ luật thép để chấp nhận lên mạng cùng con, dạy con cách sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả. Nhiều thầy cô, nhà giáo dục hôm nay cũng tìm cách gần gũi bọn trẻ bằng những vấn đề xảy ra trong thế giới mạng xã hội, nơi mà bọn trẻ “thường trú”. Dĩ nhiên, đó không phải là một sự nương theo tuyệt đối, nhưng nói vậy để thấy rằng thách thức sẽ càng lớn nếu như chúng ta hoàn toàn đứng bên ngoài đời sống xã hội công nghệ để thành kiến, công kích hay cấm đoán con em.
Tìm một kênh đối thoại với con trong thời buổi công nghệ thông tin là một thử thách mà chúng ta phải đối diện, khi máy móc phương tiện tưởng chừng mở ra vô vàn cơ hội đối thoại, nhưng thực chất là làm cho những cá nhân, đặc biệt là tuổi trẻ, dễ dàng đóng kín trong bốn bức tường, nghĩ rằng thế giới trên một màn hình là quá đủ. Sẽ là nguy cơ khi trong một gia đình buổi tối mỗi người một màn hình: Mẹ màn hình TV với phim truyền hình dài tập, cha lên mạng làm việc, còn bọn trẻ đứa chơi game trực tuyến, đứa đóng cửa lên “phây” (Facebook). Sự theo đuổi những thế giới tưởng chừng rộng lớn của mỗi người trên không gian mạng khiến cho các thành viên trong gia đình dễ đánh mất tương giao tình cảm với nhau.
Bọn trẻ phải được sống theo đúng thời đại của mình và cần được hướng dẫn bằng tình thân.
Vài ghi chú thay lời kết:
Đây là cái kết trong câu chuyện người mẹ “giả trai đẹp” để lén đọc Facebook của cô con gái “chán đời”: Việc đầu tiên là cô bé giãy nảy, hủy kết bạn với mẹ và sau đó, nó ít viết những câu chán sống, lan truyền xúc cảm tiêu cực trên mạng xã hội chỉ bởi một điều, sau sự cố đó, nó luôn biết có một người, luôn vì tình thân, vì nhu cầu gần gũi nó mà bằng mọi cách để thấy nó đang nghĩ gì, làm gì để chia sẻ và yêu thương. Người đó như Chúa, bằng tình yêu thương, có khả năng hóa thân ở khắp mọi nơi để nhìn thấy nó: Mẹ!
Người viết bài này không xúi các phụ huynh hay các nhà giáo dục ra sức đi lùng sục nhật ký hay vào các trang mạng xã hội của con em để khiến chúng mất độc lập. Nhưng ở một phương diện nào đó, nó đặt ra một truy vấn: Người lớn có thấy sự “lỗi kết nối” với người trẻ thực sự là một nguy cơ trong thời đại kết nối hay không?
Nguyễn Tường