Dấu ấn Dòng Tên trong nền giáo dục Mỹ

Cắm rễ gần như cùng với thời điểm Mỹ lập quốc, các trường dòng Tên góp phần quan trọng trong việc tạo ra những con người có ích cho cộng đồng và cho quốc gia.

boston-college

Việc lựa chọn trường như ý luôn là điều khó khăn đối với những người chuẩn bị bước vào giảng đường đại học. Họ buộc phải cân nhắc mọi lựa chọn, bao gồm chuyên ngành, vị trí khuôn viên đại học, xác suất tìm được việc làm sau khi ra trường, và liệu việc theo đuổi lên cao học có thuận lợi hay không. Tuy nhiên, đối với một số người, niềm tin, tín ngưỡng đôi khi là nhân tố quyết định nơi họ nhập học.

Tự hào vì học dòng Tên

Khi xuất hiện trước đám đông cử tọa tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ (DNC) vào đêm chấp nhận đề cử liên danh với bà Hillary Clinton cho vị trí phó tổng thống Mỹ, Thượng nghị sĩ Virginia Tim Kaine bày tỏ sự tự hào khi được giáo dục tại một trường trung học thuộc dòng Tên. Chia sẻ với những người ủng hộ, ông Kaine cho biết mình tốt nghiệp trường trung học Rockhurst ở TP.Kansas, và luôn sống với tinh thần của dòng Tên là “một người vì mọi người”. Đó là lý do ông tạm nghỉ một năm trong lúc đang theo học tại Trường Luật thuộc Đại học Harvard để làm việc với những đoàn truyền giáo ở Honduras. Ông dạy cho họ nghề mộc; họ dạy lại tiếng Tây Ban Nha. Và với thái độ sống vì mọi người, thượng nghị sĩ đã mang theo hành trang là kinh nghiệm dồi dào đến từ hoạt động thiện nguyện trên những quãng đường vận động tranh cử khắp nước Mỹ.

Trường đại học dòng tên đầu tiên trên đất Mỹ chính là Đại học Georgetown, do linh mục dòng Tên John Carroll (1735-1815) sáng lập vào năm 1789, người sau này trở thành Tổng Giám mục đầu tiên của nền cộng hòa non trẻ. Với bề dày kinh nghiệm giảng dạy, cụ thể là đại học đầu tiên của dòng Tên được khai sinh vào năm thứ 13 kể từ khi Hoa Kỳ tuyên bố độc lập, hệ thống giáo dục dòng Tên đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc giáo dục chung của cả nước Mỹ. Tất cả các ngôi trường thuộc dòng Tên Mỹ đều nhằm tìm kiếm sự cân bằng hoàn hảo giữa việc hòa quyện tín ngưỡng và lý trí với một sự giáo dục nghiêm ngặt. Đây là điểm đến của những người trẻ tuổi ôm khát vọng lớn lao có thể trưởng thành về mặt trí tuệ, đạo đức và tinh thần trong khi học hỏi cách thức phụng sự và chăm sóc những người khác trong cộng đồng của mình và rộng hơn nữa là phục vụ cho quốc gia.

 

Tại Mỹ, có hơn 300 trường đại học Công giáo và dòng Tên, nhưng nổi tiếng nhất trong số này là nhóm 28 trường trực thuộc dòng Tên, luôn xuất hiện trong danh sách các viện đại học tốt nhất quốc gia. Bên cạnh đó, dòng Tên cũng điều hành 62 trường trung học trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ. Đối với những người từng tốt nghiệp từ các trường này, giống như Thượng nghị sĩ Kaine và nhà báo Erik Brady của tờ The USA Today, họ tin rằng cái nhận được từ trường dòng Tên không chỉ có giáo dục mà còn hơn thế nữa. Đó là lý do ông Kaine xem việc theo học tại Rockhurst là chìa khóa giúp bản thân biết được mình thực sự là ai, và luôn hãnh diện vì đã trải qua nền giáo dục đặc biệt đó. Trong kỷ yếu ghi lại lịch sử 100 năm của Đại học Canisius ở Buffalo, với tên trường được đặt theo tên Peter Canisius, tu sĩ dòng Tên vào thế kỷ thứ 16 và là thánh bảo hộ của Đức, cố giáo sư của trường là ông Charles A. Brady đã viết rằng: sự giáo dục của dòng Tên luôn mở rộng cửa đón nhận những ảnh hưởng thế tục tốt nhất, đồng thời tôn trọng truyền thống, nghệ thuật và sức sáng tạo đầy tài trí của con người trong lĩnh vực khoa học cũng như nhân văn.

Ba cột trụ

Cha James Martin, biên tập viên độc lập của America, tạp chí Công giáo do dòng Tên xuất bản, vừa có bài viết mới đây nhằm phân tích những đặc điểm mà cha cho rằng tạo nên nét độc nhất vô nhị của dòng Tên. Sau khi trao đổi về đề tài này với nhiều sinh viên của các trường, như Gonzaga, Creighton và Canisius, cha Martin đã rút ra 3 đặc điểm nổi bật nhất. Đầu tiên, chăm lo toàn vẹn cho một con người: “Trường đại học nào cũng quan tâm đến sinh viên của mình, nhưng các viện giáo dục của dòng Tên luôn cam kết chăm sóc mọi thứ thuộc về sinh viên, vốn bao gồm cả thân xác, trí tuệ lẫn linh hồn”. Điều thứ hai là sống theo tinh thần Ad Majorem Dei Gloriam, có nghĩa là “Để vinh danh Thiên Chúa hơn”. Cuối cùng là “trở thành những người đàn ông và phụ nữ với và vì những người khác”.

Cha Martin cho biết tại lễ phát bằng của Đại học Canisius, những sinh viên đăng ký tham gia Đoàn thiện nguyện dòng Tên hoặc các tổ chức tương tự trong 1 năm kể từ khi tốt nghiệp, được đề nghị đứng lên và vinh danh. Và lần nào số lượng cũng vô cùng ấn tượng. Những sinh viên mà cha Martin đã gặp không đại diện cho tất cả những người theo học trường dòng Tên. Thế nhưng càng gặp nhiều sinh viên, cha càng thêm vững tin về một điều gì đó đặc biệt về cái mà cha trìu mến gọi là “những ngôi trường của chúng ta”.

Có thể nói, đối với những người như cha Martin, Thượng nghị sĩ Kaine, nhà báo Brady, tinh thần dòng Tên vẫn tiếp tục tồn tại trong hệ thống giáo dục của Mỹ, và có thể làm cho sinh viên của mình hiểu được ý nghĩa sâu xa của thành ngữ cổ La tinh cổ, Parisius quidam Paradisus, rằng một ngôi trường, không cần phải ở Paris, vẫn có thể trở thành một dạng thiên đường trên nhân thế.

BẠCH LINH

Nguồn: cgvdt.vn

ĐTC kêu gọi cựu học sinh trường dòng Tên giúp người tị nạnNgày 17.9, tại thủ đô Rome của Ý, Đức Phanxicô có buổi gặp gỡ các thành viên của Tổng liên đoàn châu Âu của Hội cựu học sinh các trường dòng Tên, theo Đài Radio Vatican. Trong bối cảnh thế giới “đang trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ thế chiến thứ 2”, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả những ai từng học ở các trường thuộc dòng này hãy cho thấy phẩm giá nền giáo dục mà họ được thụ hưởng bằng cách sống “với và vì tha nhân”. Ngài nhắc lại tấm gương của cha Pedro Arrupe, cựu Bề trên tổng quyền của dòng Tên, người đã sáng lập ra Jesuit Refugee Service – tổ chức của dòng Tên chuyên phục vụ người tị nạn. Đức Phanxicô nhận định: “Ta mong các con hãy rộng lòng đón tiếp những người nhập cư tại nhà hoặc tại cộng đồng, để ấn tượng đầu tiên của họ khi đến châu Âu không phải là những ngày lạnh lẽo khi phải ăn bờ ngủ bụi, mà là những tình cảm ấm áp và nhân bản”. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh về tình trạng nhiều trẻ em tị nạn chưa thể đến trường và ngài kêu gọi các cựu học sinh của hệ thống trường dòng Tên hãy góp tay thay đổi tình trạng này.

L.C