Danh ca Roberto Vecchioni được mọi người quý mến về những chia sẻ chân thành về đời sống cá nhân và đời sống đức tin. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Người đưa tin chiều, ca sĩ kiêm nhạc sĩ Roberto Vecchioni chia sẻ về những trải nghiệm trong cuộc sống, như những lần vượt qua căn bệnh ung thư, tình yêu dành cho gia đình, và đặc biệt về thế giới bên kia.
Danh ca Roberto Vecchioni người Ý năm nay 78 tuổi (1943) còn được biết đến trong các hoạt động khác như nhạc sĩ, nhà văn và giáo viên. Ông đã giành được nhiều giải thưởng quan trọng và được coi là một trong những người có ảnh hưởng trong thế giới nghệ thuật.
Ông còn được mọi người quý mến về những chia sẻ chân thành về đời sống cá nhân và đời sống đức tin. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Người đưa tin chiều, ca sĩ kiêm nhạc sĩ Roberto Vecchioni chia sẻ về những trải nghiệm trong cuộc sống, như những lần vượt qua căn bệnh ung thư, tình yêu dành cho gia đình, và đặc biệt về thế giới bên kia. Ca sĩ lớn tuổi tưởng tượng về thế giới bên kia theo hai cách trái ngược nhau, nhưng cả hai cách đều “quyến rũ”. Ông nói: “Cuộc sống đời sau có thể đơn giản là thiêng liêng, như thiên đàng được Dante đã mô tả, hoặc là một cuộc sống bắt đầu lại từ đầu”.
Chủ đề về đời sau thường xuất hiện trong các bài hát của nhạc sĩ Vecchioni. Trong một bài hát có tựa đề “La Stazione di Zima – Trạm Zima”, ông nói về Thiên Chúa là Đấng ban cho con người sự tự do, và chính con người đã sử dụng tự do này để phản bội Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa luôn chờ đợi con người “quay trở về”.
Về những vấn đề khác của cuộc sống, như khi phải đối diện với sức khoẻ bị suy yếu, ông khẳng định: “Trước những nguy hiểm, chúng ta phải đối diện như một trò chơi”. Ông nói với phóng viên: “Một trong những lời luôn được lặp lại trong các bài hát của tôi, ngoài tình yêu và những vì sao, là trò chơi. Tôi dành Lễ Giáng Sinh để tổ chức các trò chơi cho con cháu. Chúng tôi có một căn nhà ở bên hồ Garda, với một khu vườn luôn được chiếu sáng ban ngày, những con tuần lộc, một ông già Noel cao ba mét. Tôi đứng đầu trong các buổi hội chợ, sáng chế ra các trò chơi cho tất cả mọi người. Đối với tôi, khi phải đối diện với những nguy hiểm trong cuộc sống, chúng ta phải hành xử như một trò chơi, như khi sáng tác một bài hát, một kỳ thi, một căn bệnh, tất cả với một tâm trạng của người đang chơi một trò chơi. Tôi có ba khối u, trải qua ba cuộc phẫu thuật. Vậy mà cho tới nay bước qua tuổi 78, tôi vẫn ổn”.
Về đời sống đức tin, ông nói: “Cha mẹ tôi rất muốn tôi được giáo dục theo đường hướng Công giáo. Tôi cũng đã theo học tại một đại học Công giáo, nhưng tôi không phải là một tín hữu sùng đạo. Đức tin đến với tôi từng bước với thời gian và những trải nghiệm trong cuộc sống, những suy tư nghiền ngẫm, đặc biệt khi đối diện với những khó khăn. Tôi đã trải qua rất nhiều đau khổ, rất nhiều. Những nỗi đau nảy sinh trong tôi ý tưởng rằng đau khổ phải có ý nghĩa nào đó, chúng không đến một cách tình cờ, ngẫu nhiên. Đau khổ tương tự như một thử thách. Mấy chục năm cuộc đời, tôi nghĩ mình có thể tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng rồi tôi nhận ra rằng chẳng có gì là đủ để đạt đến cùng đích, và rồi tôi đã kêu lên: Tự một mình tôi không thể. Từ giây phút đó tôi tin vào Chúa”.
Nói đến tinh thần tha thứ trong Kitô giáo, ca sĩ bày tỏ cảm kích điều này nơi Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong một album mang tên “L’infinito – vô tận” có một bài ông dành tặng cho Đức Thánh Cha: “Bài ca tha thứ”. Ông nói: “Bí quyết của Đức Thánh Cha là mang Chúa Giêsu trên khuôn mặt, thực sự ngài có Chúa Giêsu trên khuôn mặt. Ngài cũng giống như Chúa Giêsu mang lấy nhân loại khổ đau, điều này chúng ta cảm nhận được khi nghe ngài nói, hoặc khi đọc những gì ngài viết. Ngài là một vị Giáo hoàng rất chân thành”.
Giải thích về “Bài ca tha thứ”, ca sĩ Vecchioni nói: Có một câu chuyện cần phải được kể lại. Một câu chuyện tự nhiên và một câu chuyện tinh thần. Theo tôi, điều đẹp hơn cả, điều cao thượng nhất đối với con người đó là biết tha thứ cho người khác. Đây không chỉ là giới luật của Chúa, nhưng là hành vi của con người. Điều này có nghĩa là nếu Thiên Chúa và thiên đàng không hiện hữu, thì đối với chính đạo đức con người, chúng ta phải có khả năng tha thứ. Trong thực tế, khái niệm này là của Công giáo. Tôi tin rằng tha thứ mạnh mẽ hơn mọi thứ, mạnh hơn cả thiên đàng. Những ai không phải là Kitô hữu học được sự cần thiết phải tha thứ trong lúc xây dựng đời sống vật chất và xã hội. Chúng ta, những người Công giáo, chúng ta nhận thức được điều này. Các tôn giáo mặc khải cũng hiểu điều này, nhưng như Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng. Chính Chúa đã tha thứ cho một kẻ trộm mà Người chưa bao giờ thấy trong cuộc sống và hứa sẽ đưa ông lên thiên đàng với Chúa.
Câu chuyện của tên trộm lành luôn làm tôi xúc động. Bởi vì đối với tôi, tôi hiểu rằng khi tha thứ cho tên trộm lành, là Chúa đã tha thứ cho toàn thể nhân loại. Câu Chúa Giêsu nói với người trộm: “Hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi”, là một hình ảnh tổng hợp của toàn bộ Tin Mừng.
Ngọc Yến – Vatican News