Đầu năm 2016, trong khuôn khổ của chiến dịch phát động chống tham nhũng đang tiến hành, Đảng cộng sản Trung Quốc đã thắt chặt lại các luật lệ nội bộ nhằm chống tệ nạn “mê tín dị đoan”. Phong thủy, bói toán là các sinh hoạt được nhắm tới để bài trừ.
|
Theo hãng tin Giáo hội Á Châu của Hội Thừa Sai Paris thì vào cuối năm 2015, ông Bạch Tuyết Sơn (Bai Xueshan), bí thư Đảng cộng sản thành phố Ngô Trung đã bị ngưng chức và bị loại ra khỏi Đảng. Lỗi của ông là ông tin vào phong thủy và các tín ngưỡng cổ truyền của Trung Quốc. Theo báo chí trong nước, ông muốn nới rộng tỉnh của mình qua bên kia bờ sông Hoàng Giang, tin rằng làm như thế là mang lại may mắn theo phong thủy, một loại bói toán cho hợp với phong thổ.
Vi phạm kỷ luật
Theo tin của báo Nhà nước Trung Quốc, đầu năm 2015, các đảng viên cộng sản bị đặt dưới các kỷ luật khắt khe về nạn “phong kiến mê tín dị đoan”. Các biện pháp này nằm trong khuôn khổ chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình điều hành để nắm lại quyền hành.
Bí thư Đảng ủy tỉnh Trung Đông đã “vi phạm kỷ luật chính trị” và là đảng viên “không trung thành” với Đảng. Ông bị kết án đã không hợp tác với nhà cầm quyền khi có cuộc điều tra và nhất là ông đã “có những sinh hoạt mê tín dị đoan trong một thời gian dài”.
Trong chiến dịch chống tham nhũng, đây là lần đầu tiên Hội đồng Kỷ luật Trung ương Đảng tố cáo một ủy viên cấp cao vào tội “mê tín dị đoan” như một trọng tội trong phần buộc tội. Chính xác Hội đồng cho rằng, khi đưa ra các hoạt động này, ông đã để ra riêng một số tiền lớn của công quỹ. Ông Bạch Tuyết Sơn đã phá đi và xây lại nhiều lần các tòa nhà vì ông cho là “không hợp với phong thủy”.
Từ lâu, ai tin vào các tín ngưỡng bình dân bị xem là không trung thành với Đảng, mà giáo điều chính thức của Đảng dựa trên “khoa học mác xít”. Theo luật mới, các đảng viên mê tín dị đoan sẽ bị cảnh cáo, còn những ai tổ chức các sinh hoạt này sẽ bị loại ra khỏi Đảng.
Cuộc bách hại tôn giáo trường kỳ
Lần này giọng điệu cương quyết hơn là lần cuối về các luật lệ này năm 2003, khi đó “mê tín dị đoan” bị cho là “phương hại đến sản xuất, công việc và trật tự xã hội”. Bây giờ “phong kiến dị đoan” bị xếp vào tội vi phạm kỷ luật Đảng.
“Đối với một công chức, không còn tin vào chủ nghĩa mác-lê nhưng lại tin vào phong thủy là phản ảnh sự thiếu lòng tin của mình và phản ảnh vấn đề của mình đối với các giá trị của đảng”, ông Zhuang Deshui cho biết, ông là phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về liêm chính trong chính phủ thuộc trường Đại học Bắc Kinh.
Dù vậy, các nguyên tắc phong thủy liên hệ với Lão giáo, một trong năm tôn giáo được chính thức nhìn nhận ở Trung Quốc. Sự chống đối giữa các tôn giáo và nạn mê tín dị đoan đã đổi khác đi trong lịch sử gần đây của Trung Quốc. Sau khi Đảng cộng sản lên nắm chính quyền, năm tôn giáo lớn được chính thức nhìn nhận là hồi giáo, phật giáo, lão giáo, tin lành và công giáo, vì thế những tín ngưỡng nào không ở trong khuôn khổ này đều bị liệt vào “phong kiến mê tín” hoặc bị xem là tà phái phải cương quyết loại trừ.
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976), tất cả các tín ngưỡng đều bị tố cáo và bị hạ. Sau khi Mao Trạch Đông chết năm 1976, ông Đặng Tiểu Bình đã có chính sách cởi mở về mặt chính trị và kinh tế nên các tôn giáo đã được chấp nhận có thể hoạt động trở lại, dù phải chịu sự kiểm soát khắt khe của nhà cầm quyền. Nhưng các công chức và đảng viên luôn bị cấm theo một tôn giáo dù trong đời sống riêng tư của họ, họ có theo một đạo, hãng tin Giáo hội Á Châu cho biết.
Các phản ứng đứng trước sự phức tạp của thế giới
Các viên chức cao cấp nói đến cuộc chiến chống mê tín, đối với đảng viên hay đối với dân chúng, là do họ sợ xã hội Trung Quốc không còn tin vào các giá trị của chủ nghĩa cộng sản, một chủ nghĩa đang phân rã. Năm 2013, ông Wang Zuo’an, chủ hịch Hiệp hội Quốc gia về các Tôn giáo đã công khai lấy làm tiếc là người Trung Quốc đã quay về với tín ngưỡng và đã mê tín dị đoan. Một hiện tượng mà ông cho rằng, do người dân cần được trấn an trong một nước tiến quá nhanh và đứng trước một thế giới càng ngày càng phức tạp.
Ngoài ra còn có các đảng viên cấp cao khác của Đảng cộng sản cũng bị để ý trong chiến dịch chống tham nhũng, họ bị kết vào tội “mê tín”, trong số các tội phạm nặng nhất. Đó là trường hợp của ông Chu Vĩnh Khang, cựu bộ trưởng An ninh Quốc gia và ủy viên thường trực của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, ông bị thanh trừng năm vừa qua. Một ông thầy bói và cũng là thầy khí công đã ra tòa làm chứng ông đã có những hành vi “mê tín dị đoan”.
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 06.01.2016/
cath.ch, Raphael Zbinden, 2016-01-05)