Đã làm gì và không làm gì cho tha nhân!

 

Đã làm gì và không làm gì cho tha nhân!

Lễ Chúa Giêsu Vua

 

Năm phụng vụ mở đầu bằng mầu nhiệm Nhập thể và kết thúc bằng vương quyền viên mãn của Đức Kitô. Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở rằng, Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là Chủ của thời gian, Chủ của lịch sử nhân loại và là Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta. Chúa Kitô vượt trên thời gian để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu, Vua tình yêu.

 

  1. Ngọn núi Corcovado và núi Tao Phùng

Dịp Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio Brazil, tôi đi hành hương lên ngọn núi Corcovado cao 704m, kính viếng bức tượng Cristo Redentor – Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế Vua dang tay đứng trên đỉnh núi cao.

Có loại xe lửa nhỏ khoảng 30 chỗ ngồi đưa du khách lên núi theo đường ray. Cũng có một đường xe hơi chạy lên núi theo hình xoắn ốc, đây cũng là đường bộ cho những ai thích leo núi. Năm 1985, Francisco Passos và Tegesra Suris xây dựng tuyến đường sắt thông đến núi Corcovado.

Lên đến trạm cuối, chúng tôi đi thang máy lên chỉ cách đỉnh núi khoảng 100m và tiếp tục đi bộ khoảng 120 bậc thang là đến chân tượng Chúa.

Từ đỉnh cao phóng tầm mắt nhìn thành phố Rio de Janeiro tuyệt đẹp. Tôi dành nhiều thời giờ để ngắm trời mây cảnh vật và chụp hình lưu niệm; đặc biệt chiêm ngắm tượng Chúa Cứu Thế là một trong 7 kỳ quan mới của thế giới. Bức tương màu trắng thiên nhiên hướng nhìn về phía ngọn núi Zuckerhut – Sugarload.

Bức tượng Chúa Giêsu Vua là một đài kỷ niệm trên đỉnh ngọn núi Corcovado ở phía Nam thành phố. Bức tượng được dự định xây dựng để kỷ niệm 100 năm độc lập của nước Brazil do Kỹ sư kiến thiết Heitor da Silva Costa người Brazil phác họa vẽ mẫu. Bức tượng được khởi công thi hành năm 1922, nhưng gặp trở ngại vấn đề tài chánh. Nên việc thi hành kéo dài hằng 10 năm. Sau khi Tổng giáo phận Rio de Janeiro, Tòa Thánh Vatican và nước Pháp cùng trợ giúp cho dự án, công trình được hoàn thành, và khánh thành ngày 12.10.1931.

Bức tượng Chúa Giêsu cao 30 mét, chân đế cao 8 mét, đủ chỗ chứa cho 150 người vào trú ẩn trong tượng. Hai cánh tay Chúa Giêsu dang ra rộng 28 mét. Bức tượng nặng 1.145 tấn. Đầu và hai tay Chúa Giêsu do nhà điêu khắc người Pháp Paul Landowski làm ở Paris. Bức tượng làm bằng vật liệu bêtông cốt sắt theo từng phần ráp nối lại, và được kết bên ngoài bằng những viên đá dát theo kiểu Mosaic.

Năm 2006 dịp mừng kỷ niệm bức tượng được 75 năm, Giáo Hội đã chính thức nâng nơi đây thành nơi hành hương kính viếng Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế.

 

Đứng nơi ngọn núi Corcovado, tôi nhớ đến Tượng Kitô Vua (Tao Phùng) ở Vũng tàu. Với chiều dài 500m đi lên khoảng 1.000 bậc thang. Tượng được xây dựng 1974, do điêu khắc gia Văn Nhân và 50 thợ lành nghề thực hiện. Tượng có chiều cao 32 mét, chiều dài hai cánh tay là 18,4 mét; được đặt trên bệ khối chạm hình Tiệc ly. Bên trong tượng là cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc, chạy từ bệ lên cổ tượng. Trong lòng tượng có thể chứa 100 người cùng một lúc.  So với tượng  Kitô Vua ở Rio de Janeiro ở Brazil thì tượng ở Vũng Tàu cao hơn 2 mét. Tượng Chúa ở Brazil đứng trên đỉnh núi Corcovado cao hơn 704 mét so với mực nước biển, còn tượng Chúa ở Vũng Tàu đứng trên độ cao hơn 170 mét của núi Nhỏ. Bệ tượng ở Brazil cao 8 mét, còn bệ tượng ở Vũng Tàu chỉ cao 4 mét.

 

Núi Corcovado hay núi Tao Phùng, nơi Chúa Giêsu Vua giang đôi tay ôm trọn nhân loại trong tình thương cứu rỗi.Trái tim của Ngài mở ra để yêu thương mỗi người và mọi người, cánh tay của Ngài mở rộng để vươn đến mọi người.

 

  1. Vua Giêsu, vị Thẩm phán

Để diễn tả vương quyền của Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, bài Tin Mừng mỗi năm Phụng vụ khai triển về một khía cạnh đặc biệt. Năm A với bài Tin Mừng Matthêu (25,31-46), đề cao Vua Giêsu như vị Thẩm phán xét xử muôn loài. Năm B với bài Tin Mừng Gioan (18,33-37), một cái nhìn thần học về uy quyền của Vua Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể đến để làm chứng cho sự thật rằng Thiên Chúa hằng yêu thương nhân loại và chờ đợi con người đáp lại tình yêu ấy bằng cách tin vào Đấng được sai đến. Năm C với bài Tin Mừng Luca (23,35-43) trình bày Vua Giêsu hiển trị từ trên thập giá. Ngai vàng là thập giá, vương miện là mão gai. Vua Giêsu tuyệt đối vâng phục Chúa Cha để đem lại sự tha thứ tội lỗi cho nhân loại. Ngài không là vị Vua Cứu Độ bảo đảm cho con người ta những sự thiện hảo thế tạm. Ngài chẳng giải thoát ngay cả chính bản thân Ngài khỏi cái chết thảm thương trên thập giá. Ngài cũng chẳng hứa sẽ giải thoát con người khỏi bệnh tật hay đói nghèo. Quyền bính của Ngài là ơn cứu độ và sự sống trong Thiên Chúa: “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Ngài đã thi hành vương quyền bằng cách yêu thương loài người đến nỗi sẵn sàng chết cho loài người ngay chính lúc loài người từ chối Ngài, chế giễu Ngài, thậm chí thách thức Ngài.

 

Vương quốc của Chúa Kitô Vua là vương quốc của tình yêu. Muốn vào vương quốc của Ngài, phải là người có lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh em thật sự.

 

3. Đã làm gì và không làm gì cho tha nhân

 

Thánh Matthêu tường thuật quang cảnh ngày cánh chung, khi Chúa Giêsu tái giáng và Ngài phân xử, mọi người tốt xấu, lành dữ đều có mặt và được phân xử rõ ràng. Tiêu chuẩn để xét xử là tình yêu mỗi người thực hiện cho tha nhân.

 

Nội dung cuộc xét xử thật bất ngờ. Đấng Thẩm Phán chỉ xét hỏi người ta về tình thương. Một tình thương cụ thể được chứng tỏ bằng việc làm thiết thực đối với những con người bằng xương bằng thịt “Cho kẻ đói được ăn, cho kẻ được khát uống, viếng thăm kẻ bệnh tật và tù đày, tiếp rước khách lạ bơ vơ…”. Điều bất ngờ hơn nữa chính là lời Đức Kitô tuyên bố: “Mỗi lần các ngươi làm những điều ấy cho một kẻ bé nhỏ là các ngươi làm cho chính Ta”. Những người bị xét xử đều nhất loạt thắc mắc: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói khát, rách rưới, bệnh tật, bị cầm tù hay là khách lạ đâu?”. Mặc cho người tốt kẽ xấu thắc mắc, lời Chúa dạy thật rõ ràng: người khốn khổ bất cứ dưới hình thức nào đều là hiện thân của Chúa. Ngài tự đồng hóa mình với họ. Vậy thì rõ ràng mọi việc chúng ta làm vì tình thương đối với đồng loại đều là việc đạo đức.Thiên Chúa không cần phân biệt ai là giáo hoàng, ai là giám mục, ai là linh mục, ai là giáo dân; không cần biết ai giàu ai nghèo, ai có địa vị ai là thường dân; Ngài chỉ xét có một điều: mỗi người đã làm gì và không làm gì cho tha nhân. Như thế, việc làm chứ không phải lời nói hay cái gì khác quyết định chúng ta thuộc chiên hay dê.

 

Thánh Gioan Kim Khẩu dạy: đừng phân biệt đối xử giữa Chúa Giêsu trong nhà thờ và Chúa Giêsu ngoài nhà thờ. Chúa trong nhà thờ và Chúa ngoài nhà thờ, tức là những anh chị em khác, phải được tôn trọng như nhau. Đức Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể và Ngài cũng hiện diện thực sự trong mỗi một con người.

 

Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, đã sinh ra trong hang súc vật, trốn chạy sự tàn ác và tham vọng của con người, bị đeo đuổi chỉ trích, hành hạ và bị treo trên Thập giá. Ngôi Lời Thiên Chúa đã sinh ra trong hang súc vật, trốn chạy sự tàn ác và tham vọng của con người, bị chỉ trích lại trừ, bị hành hạ và chết treo trên Thập giá. Vì thế, Ngài đã kinh qua mọi khổ đau và cái chết trong thân phận con người, Ngài cảm thông với hết thảy mọi người. Chúa bảo rằng, những ai cho người đói khát một ly nước, một chén cơm là họ cho Chúa ăn uống. Những ai cho người rách rưới hoặc mình trần một manh áo là họ đã cho Ngài mặc áo. Những ai cho người sa cơ thất thế không nơi nương tựa được trú ngụ một thời gian là họ đã cho Chúa trọ nhà… Điều vĩ đại trong Phúc Âm về ngày Phán xét đó là giá trị những việc nhỏ bé hàng ngày của tình yêu thương. Mọi sự sẽ qua đi, nhưng yêu thương sẽ tồn tại mãi mãi.

 

Vương quốc của Vua Giêsu là vương quốc của tình yêu. Ai sống trong tình yêu thì thuộc công dân Nước Thiên Chúa.Tình yêu là “thẻ căn cước”của công dân Nước Trời. Tình yêu không đòi hỏi nhiều lời nói cho bằng nhiều hành động thiết thực và sống động. Việc bác ái là chứng chỉ duy nhất để được nhận vào số những người được Chúa Cha chúc phúc.

 

Nếu Chúa Giêsu chỉ là Vua của thế giới, của vũ trụ, mà không phải là Vua của tâm hồn ta, thì việc tuyên xưng Ngài là vua có ích lợi gì cho ta? Tuyên xưng thật mạnh mẽ trên lý thuyết, mà thực tế đời sống của ta lại chứng tỏ trái ngược lại, thì sự tương phản ấy chỉ cho thấy sự giả dối hay giả hình của ta thôi! Tôi rất thích lời của Tổng thống Bush: “Show, but don’t tell!”: Hãy chứng tỏ (bằng thực tế, bằng hành động) chứ đừng nói suông!

 

Trong ngày sau cùng, khi Vua Giêsu phán xét chúng ta như vị Vua của vũ trụ, Ngài chỉ xét chúng ta những điểm rất thực tế: ta đã thực hành ý muốn của Ngài như thế nào? nhất là đã yêu thương và đối xử với Ngài như thế nào qua hiện thân của Ngài là những người chung quanh ta? Ngài có phải là Vua đích thực của chính bản thân ta không?

 

Thiết tưởng việc sống đạo của chúng ta cần phải xây dựng trên căn bản là thực tế của đời sống, chứ không phải trên lời nói, lý thuyết, sách vở. Có như thế chúng ta mới là “người khôn ngoan xây nhà trên đá”.  (Mt 7,24).

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An