“Cùng đi với Người” (18.9.2015 – Thứ sáu, sau Chúa Nhật XXIV Thường Niên)

“Cùng đi với Người”
(Lc 8, 1-3)

 

1 Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai2 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh.

Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ,3 bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

 

  1. Tin Mừng Nước Thiên Chúa

Bài Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta vừa nghe, thật là ngắn, nhưng nói với chúng ta thật nhiều điều, và những điều này rất là sống động, sống động đến độ chúng ta có thể chiêm ngắm được.

Khi ấy, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

Hình ảnh này chắc chắn đã trở nên rất thân quen và giàu ý nghĩa đối với chúng ta, nhất là hoàn toàn tương hợp với hình ảnh “Người Gieo Giống ra đi gieo giống”: Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa, ra khỏi cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa đến với thế giới loài người chúng ta để rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là nơi chốn Thiên Chúa hiện diện và nuôi dưỡng “công dân” của Người bằng Lời và bằng chính Sự Sống của Người. Vì thế, để cho Nước Thiên Chúa trị đến, Đức Giê-su không chỉ gieo Lời Thiên Chúa, nhưng gieo luôn chính mình, như hạt lúa mì, trong cuộc Thương Khó.

Chính vì thế, hình ảnh này đã và đang làm say mê các Ki-tô hữu ở mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, và khơi dậy lòng ước ao dâng hiến để trở nên những nữ tì, những tôi tớ phục vụ cho sứ mạng “rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa”. Xin cho chúng ta thấm nhuần Tin Mừng của Đức Ki-tô, để cuộc sống và cách sống của chúng ta là một lời rao giảng và loan báo Tin Mừng trong môi trường sống của chúng ta, giống như Đức Giê-su.

 

  1. Nhóm các phụ nữ

Và Ngài không đi một mình. Thật vậy, có Nhóm Mười Hai cùng đi với Người; như chúng ta biết, Nhóm Mười Hai được Đức Giê-su chọn trong số các môn đệ; và sau này, Ngài sẽ lập thành nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ; và đặc biệt, có nhóm các phụ nữ, và trong bài Tin Mừng, các bà được nêu ngay sau Nhóm Mười Hai.

Chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm nhóm các bà đi theo Đức Ki-tô, vì đó chính là hình ảnh mà bài Tin Mừng muốn chúng ta chú ý. Các bà được nêu đích danh, chứ không phải là một “đám đông” vô danh, không phân biệt:

Bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na…

Dĩ nhiên, bài Tin Mừng chỉ kể tượng trưng tên của ba bà; nhưng đủ để chúng ta nhận ra rằng, xuất xứ và vị trí xã hội của các bà rất khác nhau. Mỗi bà đều có một tương quan đích thân với Đức Giê-su, bởi vì tất cả đều được Ngài “trừ quỉ và chữa lành”. Trong nhóm các bà, nổi danh nhất là thánh nữ Maria Magdala (lễ nhớ ngày 27/7); bà được Đức Giê-su trừ khỏi bảy quỉ. Khỏi 7 quỉ, nghĩa là bà được Đức Giê-su chữa lành khỏi mọi mưu chước của ma quỉ; khỏi bảy 7 quỉ, còn nghĩa là khỏi hết mọi loại quỉ. Có hai hai loại quỉ:

  • Loại ma quỉ phá phách ở bên ngoài, hoặc nhập vào và làm khổ sở một người, như chúng ta thỉnh thoảng nghe kể lại. Thứ quỉ này làm cho chúng ta sợ, nhưng xét cho cùng, không nguy hiểm trên bình diện đức tin, vì chỉ làm cho chúng ta tin cậy vào Chúa nhiều hơn mà thôi.
  • Còn có một thứ ma quỉ khác, chuyên môn giả dạng thiên thần, để gợi ra ở bên trong tâm trí chúng ta những ý tưởng, những hình ảnh, những cách hiểu và giải thích, những hướng đi lệch lạc, những năng động xấu, chẳng hạn vô ơn, nghi ngờ, ghen tị, ham muốn. Thứ quỉ này mới thực sự nguy hiểm, và hiện đang hoành hành mạnh mẽ trong thế giới và xã hội chúng ta đang sống, nhất là nơi giới trẻ. Và như Tin Mừng và lịch sử Giáo Hội cho thấy, chỉ có Đức Ki-tô và Tin Mừng Ngài mới có năng lực giải thoát mà thôi.

Thánh nữ Maria Magdala được Đức Giê-su trừ khỏi 7 quỉ. Ơn huệ lớn lao này giúp chúng ta hiểu được tại sao thánh nữ yêu thương và gắn bó với Đức Giê-su một cách đặc biệt và đến cùng như thế, trong những lúc thử thách nhất, bi đát nhất, đau thương nhất, khi mà Đức Giê-su chỉ còn là một thân xác nát tan và bất động trên Thập Giá và trong huyệt mộ (x. Ga 20, 1-2 và 11-18).

 

  1. Đi theo Đức Ki-tô

Ơn gọi Ki-tô hữu của chúng ta cũng phải khởi đi và đặt nền tảng trên ơn chữa lành mà Đức Giê-su ban cho chúng ta một cách đích thân. Xin cho chúng ta có được kinh nghiệm sâu đậm được Đức Giê-su “chữa lành và trừ quỉ”, vì đó chính là kinh nghiệm làm cho chúng ta hiểu, yêu mến và đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi riêng, nghĩa là cách chúng ta đi theo Đức Ki-tô.

Khi đi theo Đức Ki-tô, các bà không bỏ hết mọi sự như các tông đồ, nhưng đem theo của cải để giúp Đức Giê-su và các môn đệ. Ở đây, chúng ta có thể nghiệm ra được cách Đức Giê-su tôn trọng hành trình của mỗi người, hay mỗi giới. Hành trình mà ngày nay chúng ta gọi là “ơn gọi”. Theo Đức Kitô, trở nên môn đệ của Ngài, nhưng mỗi người mỗi cách, mỗi ơn gọi mỗi khác.

* * *

Xin Chúa soi sáng và dẫn dắt để chúng ta khám phá ơn gọi của mình và xin Ngài củng cố niềm xác tín về ơn gọi, mà Chúa đã và đang ban cho mỗi người chúng ta. Trong thực tế, nếu chúng ta lập gia đình hay sống độc thân vì hoàn cảnh, trong cầu nguyện, nhất là trong những kì tĩnh tâm, khởi đi từ lòng ước ao đi theo Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi xin ơn bình an đón nhận hoàn cảnh sống hiện tại của mình và xác tín đó là ơn gọi đời mình.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc