Ngày 14/3/2023, Báo Corriere della Sera – Người đưa tin chiều của Ý đã cho công bố một bản tóm cuốn tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô, với tựa đề “Cuộc sống. Câu chuyện của tôi trong Lịch sử”.
Tự truyện được thực hiện bởi Đức Thánh Cha với phóng viên Vatican Fabio Marchese Ragona, và sẽ được nhà xuất bản HarperCollins phát hành vào ngày 19/3 tới tại Mỹ và Âu châu, với những điểm đáng chú ý sau:
Thoát khỏi vụ đắm tàu
Ở điểm thứ nhất, Đức Thánh Cha nói về gia đình, nhấn mạnh đến việc gia đình thoát khỏi vụ đắm tàu trong chuyến di cư đến Argentina: Vào năm 1927, ông bà nội và cha của Đức Thánh Cha dự định rời cảng Genova ở Ý đến quốc gia châu Mỹ, nhưng do không thể xoay sở đủ tiền vé tàu, nên gia đình phải hoãn chuyến đi. Chính con tàu này sau đó đã bị đắm ngoài khơi bờ biển Brazil, với 300 người chết. Vào tháng 02/1929, gia đình lên tàu và sau hai tuần đến Argentina và được chào đón tại trung tâm tiếp nhận người di cư, một nơi theo Đức Thánh Cha không quá khác biệt so với những gì chúng ta nghe nói ngày nay.
Phim và bài hát Ý
Trong thời thơ ấu, cha mẹ của Đức Thánh Cha thường đưa con cái đến rạp chiếu phim ở khu phố để xem phim với nội dung sau chiến tranh. Vì thế ngài thấy tất cả những hậu quả của cuộc chiến. Ngài nhớ đặc biệt bộ phim nổi tiếng “Roma, Thành phố mở” và một số bộ phim khác về chiến tranh. Đức Thánh Cha cũng đề cập đến phim “La strada-Con đường”, không liên quan đến chiến tranh mà ngài xem khi đã lớn hơn và rất yêu thích.
Về âm nhạc, khi còn nhỏ vị Giáo hoàng tương lai rất thích bản “O sole mio-Mặt trời của tôi”, và “Dove sta Zazà- Zazà đang ở đâu”.
Hiroshima và Nagasaki
Câu chuyện được tiếp tục với chiến tranh hạt nhân, cụ thể là Hiroshima và Nagasaki. Đức Thánh Cha nói việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích chiến tranh là một tội ác chống lại nhân loại, chống lại phẩm giá con người và tương lai ngôi nhà chung. Ngài đặt câu hỏi: “Làm sao chúng ta có thể trở thành những người đấu tranh cho hoà bình và công lý nếu đồng thời chúng ta chế tạo vũ khí chiến tranh mới”.
Giáo viên Cộng sản
Đức Thánh Cha tiết lộ rằng ở đại học ngài có một giáo viên là người Cộng sản. Đó là một phụ nữ tuyệt vời, một người vô thần nhưng biết tôn trọng người khác. Thực vậy, mặc dù có ý kiến riêng nhưng không bao giờ nữ giáo sư này tấn công đức tin của người khác. Ngài đã được học nhiều điều từ người phụ nữ này, trong đó có những tác phẩm về Cộng sản.
Ngài cho biết chính vì thế sau khi được bầu chọn, có người nhận xét là ngài hay nói về người nghèo vì có lẽ ngài là một người cộng sản hoặc theo chủ nghĩa Macxit. Đức Thánh Cha khẳng định: “Nói về người nghèo không tự động có nghĩa là người cộng sản. Người nghèo là ngọn cờ của Tin Mừng và ở trong trái tim Chúa Giêsu. Trong các cộng đoàn Kitô, tài sản được chia sẻ: điều này không phải là chủ nghĩa cộng sản, đây là Kitô giáo trong sự thuần khiết”.
Bạn gái và tình yêu
Chủ đề tiếp theo được nói đến trong tự truyện của Đức Thánh Cha là “bạn gái và tình yêu”. Ngài chia sẻ trong thời chủng viện có lúc ngài cũng bị lệch hướng một chút, nhưng cho rằng đó là chuyện bình thường, nếu không chúng ta sẽ không phải là người. Trong quá khứ ngài đã có một bạn gái, một thiếu nữ rất dịu dàng, làm việc trong thế giới điện ảnh và sau đó đã kết hôn và có hai con. Và trong thời gian chủng viện, khi dự đám cưới của một người thân ngài đã bị hoa mắt bởi một thiếu nữ. Chính sự xinh đẹp và thông minh của cô đã làm cho đầu óc ngài quay cuồng. Trong một tuần hình ảnh của người này luôn ở trong tâm trí làm cho ngài khó cầu nguyện. Nhưng sau đó mọi chuyện qua đi, và ngài đã dâng hiến toàn thể xác và tâm hồn cho ơn gọi.
Phá thai “kẻ giết mướn”
Trong nhiều chủ đề, phá thai cũng là một chủ đề được Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Ngài kêu gọi bảo vệ sự sống con người từ khi thụ thai đến khi chết, khẳng định sẽ không bao giờ mệt mỏi khi nói phá thai là giết người, một tội ác. Đó là một sự thất bại đối với những ai thực hiện và cả những người đồng phạm, và ngài gọi đó là “kẻ giết mướn”. Ngài còn lên án việc mang thai hộ, một việc làm vô nhân đạo đang lan rộng đe doạ phẩm giá con người, coi trẻ em như hàng hoá.
Lý do không xem TV
Trong cuốn sách Đức Thánh Cha nói về Maradona, Messi và đam mê bóng đá, nhưng giải thích tại sao không xem các trận đấu của Argentina trên TV: Ngày 15/7/1990, trong khi cùng với các tu sĩ khác xem TV, một cảnh tế nhị đã được phát sóng, điều không tốt cho tâm hồn. Không quá nguy hại nhưng khi trở về phòng riêng, ngài tự nhủ: “Một linh mục không thể xem những điều này”. Và ngày hôm sau, trong Thánh lễ kính Đức Mẹ núi Cát Minh, Đức Thánh Cha đã khấn không xem TV nữa.
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI bị khai thác
Đức Thánh Cha thú nhận rất đau lòng khi thấy hình ảnh Đức Giáo Hoàng Biển Đức bị khai thác cho các mục đích ý thức hệ và chính trị bởi những người bất lương, những người không chấp sự từ nhiệm của ngài, họ chỉ nghĩ đến lợi ích riêng. Để tránh những điều không hay, sau khi được bầu chọn, Đức Thánh Cha đã đến thăm Đức Biển Đức ở Castel Gandolfo. Ngài nói: “Chúng tôi cùng nhau quyết định rằng tốt hơn Đức Biển Đức không nên sống ẩn dật như ngài đã nghĩ ban đầu, nhưng nên gặp gỡ mọi người và tham gia vào đời sống của Giáo hội. Thật không may, điều này chẳng có tác dụng mấy vì đã không thiếu những cuộc bút chiến trong 10 năm qua và nó đã làm tổn thương cả hai chúng tôi”.
Những người đồng tính
Về những người đồng tính, Đức Thánh Cha nói ngài hình dung Giáo hội như một người mẹ ôm lấy tất cả mọi người, cả những người cảm thấy sai lầm và những người đã bị chúng ta phán xét trong quá khứ. Ở điểm này, Đức Thánh Cha xác nhận khi cho phép chúc lành cho các cặp không hợp lệ, ngài chỉ muốn nói rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người, đặc biệt là những người tội lỗi. Và nếu các Giám mục anh em quyết định không đi theo con đường này, không có nghĩa là khởi đầu của một cuộc ly khai, bởi vì giáo lý của Giáo hội không bị đặt vấn đề. Hôn nhân đồng tính không được chấp nhận, nhưng các kết hợp dân sự thì được: “Đúng là những người sống hồng ân tình yêu này có thể được bảo vệ pháp lý như mọi người khác. Chúa Giêsu thường ra ngoài gặp gỡ những người sống bên lề, và đó là điều Giáo hội phải làm ngày nay đối với những người thuộc cộng đồng LGBTQ+, những người thường bị ở ngoài lề của Giáo hội: giúp họ cảm thấy như ở nhà, đặc biệt những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy và về mọi hiệu quả họ là thành phần của dân Chúa. Và bất cứ ai chưa lãnh nhận phép rửa và mong muốn lãnh nhận, hoặc những ai mong muốn trở thành cha mẹ đỡ đầu, xin cho họ được đón nhận điều này”.
Các cuộc tấn công
Về các cuộc tấn công, Đức Thánh Cha cho biết nếu ngài quan tâm đến tất cả những gì người ta nói và viết về ngài, thì mỗi tuần ngài phải đến gặp nhà trị liệu tâm lý. Nhưng ngài cảm thấy bị tổn thương khi có người nói “Đức Thánh Cha Phanxicô đang phá huỷ triều Giáo hoàng”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh ơn gọi của ngài trước hết là một linh mục, một mục tử. Và các mục tử phải ở giữa mọi người. Trong mật nghị năm 2013, có một mong muốn lớn thay đổi mọi thứ, từ bỏ một số thái độ, nhưng tiếc là ngày nay việc này vẫn còn phải làm nhiều. Thực tế, luôn có những người muốn làm chậm lại cuộc cải tổ.
Từ nhiệm
Từ nhiệm là điểm cuối cùng được Đức Thánh Cha nói đến trong tự truyện. Với những gì đã nói trước đây, ngài cho biết thêm nếu từ nhiệm ngài không muốn gọi là nguyên Giáo hoàng nhưng chỉ là Giám mục Roma về hưu, và sẽ đến sống ở Đền thờ Đức Bà Cả để trở lại làm cha giải tội và mang Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân. Nhưng đây chỉ là giả thuyết xa, bởi vì cho tới nay chưa có lý do thực sự nghiêm trọng để ngài đưa ra quyết định này. Ngài nói: “Tạ ơn Chúa, tôi có sức khoẻ tốt, và theo ý Chúa, vẫn còn nhiều dự án cần thực hiện”.
Nguồn: vaticannews.va/vi