24 giờ dành cho Chúa, Thứ sáu, ngày 13/3/2015 – Đền Thành Phêrô
Năm nay, một lần nữa, vào Lễ Vọng Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay, chúng ta cùng họp nhau cử hành nghi thức thống hối. Chúng ta hợp với rất nhiều kitô hữu trên khắp thế giới, hôm nay đã chấp nhận lời mời sống giây phút này như là dấu chỉ của ơn lành từ Thiên Chúa. Thật vậy, Bí Tích Hòa Giải giúp chúng ta đến gần hơn với Chúa Cha trong tín thác, để nhận được sự đảm bảo về ơn tha thứ của Người. Chúa Cha thực sự “giàu lòng thương xót” và trao ban lòng thương xót ấy cách trào tràn cho những ai kêu xin Người với tấm lòng chân thành.
Dù gì chăng nữa, hiện diện nơi đây để cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, trước hết là hoa trái từ ân sủng của Người. Đúng như thánh Tông Đồ Phaolô đã nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa chẳng bao giờ ngừng thể hiện sự giàu có về lòng thương xót của Người qua mọi thời. Việc biến chuyển của con tim, để rồi dẫn ta đến xưng thú tội lỗi của mình, là “quà tặng của Thiên Chúa”. Ta chẳng thể tự mình làm điều ấy. Sức mạnh khiến ta thú nhận tội lỗi của mình là quà tặng của Thiên Chúa. Đó là quà tặng, là hành động của Thiên Chúa (xem Ep 2,8-10). Được đụng chạm cách dịu dàng từ bàn tay của Người và được nắn đúc bởi ân sủng của Người giúp ta đến với cha giải tội mà không sợ hãi vì tội lỗi của mình, nhưng chắc chắn rằng ta sẽ được ngài đón nhận nhân danh Thiên Chúa, và được cảm thông bất chấp sự tệ hại của ta thế nào; và thậm chí còn tiến đến mà không cần một người bào chữa nào, bởi lẽ, chúng ta đã có bên mình chính Đấng đã trao hiến mạng sống của Ngài vì tội lỗi chúng ta! Chính Ngài là Đấng luôn bênh vực ta trước Chúa Cha; Ngài luôn bênh vực chúng ta. Ngay khi rời khỏi tòa giải tội, ta sẽ cảm biết sức mạnh của Ngài, một sức mạnh cho ta sự sống mới và phục hồi sự sốt mến cho đức tin của ta. Sau khi xưng tội, ta được tái sinh.
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe (x. Lc 7,36-50) mở ra cho chúng ta một con đường hy vọng và an ủi. Thật tốt đẹp biết bao khi ta cảm nghiệm được cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu dành cho ta, như người phụ nữ tội lỗi đã cảm nghiệm tại nhà của người Pharisêu. Trong đoạn Tin Mừng này, hai từ liên tục được lặp lại là “tình yêu” và “sự xét xử”.
Có tình yêu của chị phụ nữ tội lỗi, người đã hạ mình trước Chúa. Nhưng trước đó, đã có tình yêu thương xót của Chúa Giêsu dành cho chị, và chính tình yêu ấy đã thúc đẩy chị đến với Ngài. Nước mắt của chị, nước mắt của sự sám hối và của niềm vui, đã rửa chân của Thầy; tóc của chị đã lau khô chân của Thầy với lòng biết ơn; những nụ hôn là sự diễn tả tình yêu tinh tuyền; và dầu thơm xức tràn trề cho thấy Thầy đáng quý trọng ra sao trong mắt chị. Mỗi cử chỉ của chị phụ nữ này nói lên tình yêu và diễn tả lòng khát mong không nguôi của đời chị, đó là khát mong được tha thứ. Lòng khát khao ấy thật đẹp. Và Chúa Giêsu đã khỏa lấp khao khát ấy. Khi chấp nhận chị, Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho chị, cho chính chị, một tội nhân đầy tai tiếng. Tình yêu và sự tha thứ luôn đi đôi với nhau: Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi của chị, tha thứ tất cả, bởi vì “chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47); Và chị phụ nữ tôn thờ Chúa Giêsu vì chị cảm nhận được rằng nơi Ngài chỉ có lòng thương xót, chứ không có sự kết án. Chị nhận ra rằng Chúa Giêsu hiểu chị bằng tình yêu, mặc cho chị là một tội nhân. Nhờ Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã tháo gỡ gánh nặng tội lỗi khỏi chị; Ngài không còn nhớ đến những tội lỗi của chị nữa (xem Is 43,25). Bởi lẽ, sự thật là thế này: khi Thiên Chúa tha tội, Người cũng quên luôn. Sự tha thứ của Thiên Chúa thật lớn lao và tốt đẹp! Với chị phụ nữ, giờ đây một giai đoạn mới được bắt đầu; qua tình yêu chị được tái sinh vào một đời sống mới.
Chị phụ nữ này thực sự đã gặp gỡ Thiên Chúa. Trong lặng thầm, chị mở lòng mình ra; trong đau khổ, chị tỏ lộ sự sám hối về tội lỗi của mình; bằng nước mắt, chị nài van sự tốt lành của Thiên Chúa để được thứ tha. Chẳng có phán xét nào dành cho chị ngoại trừ sự phán xét đến từ Thiên Chúa, và phán xét ấy là phán xét của lòng thương xót. Vai chính của cuộc gặp gỡ này chắc hẳn là tình yêu, một tình yêu thương xót vượt trên công bằng.
Trái lại, ông Simon, vị chủ nhà và là người Phariseu, đã không thể tìm được con đường của tình yêu. Mọi sự đều được tính toán, mọi sự đều được lên kế hoạch cẩn thận… Ông đứng nghiêm chỉnh trước ngưỡng cửa của luật lệ. Ông không hiểu được rằng tình yêu nệ hình thức là điều tệ; thật người ta không hiểu được. Ông không thể tiến thêm một bước để gặp Chúa Giêsu, Đấng sẽ mang đến cho ông ơn cứu độ. Simon giới hạn chính mình trong việc chỉ mời Chúa Giêsu ăn trưa, mà chẳng thực sự đón tiếp ngài. Trong thâm tâm, ông chỉ nghĩ đến công bằng nên ông đã sai lầm như thế. Sự phán xét của ông về người phụ nữ kia đã đẩy ông đi xa chân lý và không cho phép ông nhận ra vị khách của ông là Đấng nào. Ông chỉ dừng ở bề mặt, ở hình thức, mà không thể nhìn vào cõi lòng. Trước dụ ngôn của Chúa Giêsu và câu hỏi rằng đầy tớ nào sẽ yêu mến chủ nhiều hơn, ông trả lời hoàn toàn đúng: “Tôi cho là người đầy tớ đã được chủ tha thứ nhiều hơn.” Chúa Giêsu liền nhận xét: “Ông xét đúng lắm” (Lc 7,43). Chỉ khi phán xét của Simon hướng đến tình yêu, khi đó ông mới xét đúng.
Sự nhắc nhở của Chúa Giêsu thôi thúc mỗi chúng ta đừng chỉ dừng lại ở bề mặt của sự việc, nhất là khi xét một con người. Chúng ta được mời gọi để nhìn xa hơn, tập trung vào cõi lòng để có thể thấy mọi người có khả năng sống quảng đại nhiều ra sao. Chẳng có ai bị loại trừ khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa; mọi người đều biết cách đi vào lòng thương xót ấy, và Giáo Hội là ngôi nhà mà mọi người đều được chào đón, không có ai bị loại trừ. Các cánh cửa của ngôi nhà Giáo Hội luôn rộng mở để bất kỳ ai được ân sủng chạm đến đều có thể tìm được sự đảm bảo cho ơn tha thứ. Tội lỗi càng nặng nề, tình yêu càng được tỏ lộ, qua Giáo Hội, cho những ai hoán cải. Chúa Giêsu đã nhìn đến chúng ta với tình yêu lớn lao đến dường nào! Ngài đã chữa lành trái tim tội lỗi của ta với biết bao yêu thương! Tội lỗi của ta chẳng bao giờ khiến Ngài kinh hãi. Chúng ta cứ xem người con hoang đàng thì sẽ rõ. Khi anh ta quyết định quay trở về với cha, anh đã phải suy nghĩ xem liệu sẽ phải nói gì. Thế nhưng người cha đã chẳng chờ anh phải nói, mà mau mắn ôm chầm lấy anh (x. Lc 15,17-24). Đó chính là cách Chúa Giêsu đối xử với ta. “Thưa cha, con đã xúc phạm đến cha quá nhiều…”—“Nhưng Người sẽ rất vui nếu các con lên đường: Người sẽ ôm lấy các con với tình yêu giống như thế! Đừng sợ!”
Thưa anh chị em, tôi thường suy nghĩ xem làm thế nào Giáo Hội có thể diễn tả rõ hơn nữa sứ mạng là chứng nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Đây là cuộc hành trình khởi sự với cuộc hoán cải thiêng liêng và chúng ta phải thực hiện cuộc hành trình này. Vì thế, tôi quyết định công bố một Năm Thánh ngoại thường, có trọng tâm là lòng thương xót của Thiên Chúa. Đây sẽ là một Năm Thánh Lòng Thương Xót. Chúng ta muốn sống năm này dưới ánh sáng Lời Chúa nói: “Anh em hãy có lòng Thương Xót như Chúa Cha” (x. Lc 6,36). Điều này đặc biệt dành cho các cha giải tội nha! Thương xót nhiều nhiều!
Năm Thánh này sẽ bắt đầu từ lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm tới đây (8/12/2015) và sẽ kết thúc ngày 20/11/2016, Chúa Nhật Chúa Kitô Vua Vũ Trụ và là khuôn mặt sống động của lòng thương xót của Chúa Cha. Tôi ủy thác việc tổ chức Năm Thánh này cho Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, để có thể linh hoạt năm này như một giai đoạn mới trên hành trình của Giáo Hội trong sứ mạng mang Tin Mừng lòng thương xót đến cho mỗi người”.
Tôi thâm tín rằng toàn thể Giáo Hội, vốn đang rất cần đến lòng thương xót, vì ta là tội nhân, sẽ có thể tìm được trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này niềm vui để tái khám phá và kín múc được lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót mà nhờ đó chúng ta được gọi mời để an ủi mọi người trong thời đại này. Đừng bao giờ quên rằng Thiên Chúa tha thứ tất cả và tha thứ không ngừng. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi xin ơn tha thứ. Ngay từ bây giờ chúng ta hãy tín thác Năm Thánh này cho Mẹ của Lòng Thương Xót, hầu mong Mẹ thương nhìn đến ta và gìn giữ cuộc hành trình của ta: cuộc hành trình thống hối, cuộc hành trình kéo dài cả năm với một trái tim rộng mở, để nhận lãnh Ân Xá của Thiên Chúa, để nhận lãnh lòng thương xót của Thiên Chúa.