Trong 26 giáo phận của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, hiện nay Vĩnh Long là giáo phận duy nhất còn trống ngôi, chưa có Đức Giám Mục từ tháng 8 năm 2013 tới bây giờ (tháng 8-2015). Hiện thời chỉ có cha Giám Quản tạm thời coi sóc giáo phận.
Có lẽ vì thế, Chúa Nhật 2-8-2015, Chúa đã gởi nhóm Thiện Nguyện Tín Thác đến giáo phận Vĩnh Long để trao 365 học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học, để tỏ lòng Chúa thương xót đến những con chiên đang khao khát có được người mục tử như lòng Chúa mong ước…
Nỗi Lòng Người Mục Tử Giáo Phận Vĩnh Long
Trên băng ghế đá, hướng ra khu vườn bình yên của nhà thờ chính tòa Vĩnh Long, cha Giám Quản giáo phận, người cha hiền lành mộc mạc đặc chất Nam Bộ, cho nhóm thiện nguyện ngồi gần bên, chậm rãi chia sẻ nỗi lòng:
“Bà con miệt đồng bằng Nam Bộ còn nhiều khó khăn lắm. Các con về đây đem lòng Chúa thương xót đến cho họ. Cha vui, vui lắm! Khó khăn là cái nghèo đói ư? Không hẳn như vậy đâu các con ạ! Cái khó khăn nằm ở gốc rễ đẻ ra cái nghèo, ấy là sự nhận thức…”
Người cha hiền mái tóc sương tuyết trắng phau nhìn ra vườn, nơi có những viên đá cẩn khắc lời Chúa trên đó, được xếp đặt thật mỹ thuật trang trọng. Cha Giám Quản đọc một câu ca dao của bà con Công Giáo Nam Bộ:
“Đi đạo Thiên Chúa có lúa ăn hoài…”
Ánh mắt cha bỗng đau đáu suy tư, và có cả nỗi buồn mênh mang.
Quả thật giáo phận Vĩnh Long nằm ở vị trí địa lý được thiên nhiên ưu đãi, những cánh đồng thẳng cánh có bay, mỡ màng, ngút tầm mắt lúa trĩu vàng, thò chân khuấy nuớc ven sông cá rỉa chân khoan khoái. Mở mắt chẳng muốn làm đã thấy có cái ăn. Nhưng cái thời vô lo vô nghĩ ấy đã qua rồi. Biến động xã hội, di dân cơ học do đất chật người đông. Đồng bào nơi này dù bất cứ tôn giáo nào thì cũng phải chấp nhận hoàn cảnh chung hiện nay, đều phải chịu áp lực của cuộc mưu sinh đầy gian khổ. Tình trạng nông dân bán dần ruộng đi làm mướn ở phố thị là phổ biến. Hoàn cảnh thay đổi nhưng cái lối nghĩ… “Có lúa ăn hoài” chưa hẳn đã đổi thay. Bà con nghèo rất nhiều người còn giữ lối “ăn xổi ở thì”, “chơi xả láng sáng dậy sớm” của phong cách “anh Hai”, nên cái nghèo còn theo đuổi mãi.
“Không thể suy nghĩ như thế được các con à! Cha lo lắm. Làm sao cho bà con thay đổi cách nghĩ, cách sống, cách làm việc, dần dần hướng tới lối sống văn minh, hòa nhập với sự tiến bộ của cả thế giới, thì một trong những việc cần phải chú trọng hàng đầu đó là Sự Học, là nâng cao dân trí.
“Anh muốn tốt hơn, mà anh dốt thì làm sao mà tốt đây. Phải học, ít nhất trẻ phải học biết cái chữ ở trường, rồi mới có thể vô nhà thờ mà học giáo lý được chứ! Đúng thế không các con? Học lời Chúa đã đành, anh em còn phải học lẫn nhau nữa. Học ngay nơi hai anh trộm ở bên Chúa lúc sinh thì. Anh bên phải đã biết xót thương và bênh đỡ Đấng Toàn Năng, trong khi chính mình chỉ là kẻ tử tù không hơn, kẻ tưởng như chẳng còn phương thế nào để thực thi lòng xót thương trong cảnh ngặt. Học từ anh trộm dữ bên trái nữa. Thật là chẳng nên chút nào, ngay cả lúc chết đến nơi mà cái bản năng vẫn cứ sân si hoài. Hóa ra sân si có ở trong máu con người ta, phải cầu khẩn hàng ngày để Chúa Thánh Thần chế ngự thói xấu đó.
Vậy nên thiện nguyện viên ra đi làm công tác bác ái còn phải mang trách nhiệm khơi mở yêu thương. Hướng cho con trẻ bài học đầu tiên: ấy là học xót thương, tập thương xót theo gương thầy chí thánh Giêsu. Các con nhớ nhé!”
Câu chuyện còn đang hồi hấp dẫn, nhưng thiện nguyện phải đỡ người cha hiền vào hội trường nhà thờ chính tòa để chủ tọa buổi lễ phát học bổng cho 365 em học sinh nghèo hiếu học trong 24 xứ thuộc giáo phận Vĩnh Long. Cha giám quản tuy đau bệnh, nhưng vẫn cười, vẫn cứng rắn trong từng bước chân. Quả thật nếu có lòng xót thương, thì ngay cả một bước chân vượt qua cơn đau để đến với con cái, đến với đồng bào thì cũng là quà tặng vô vàn lớn lao và ý nghĩa.
Nỗi Lòng Của Những Con Chiên
Đây là một “thông tin” do bé An, họ đạo An Hiệp-Vĩnh Long gửi thiện nguyện viên Tín Thác:
Một em học sinh khác, gầy như cây củi rều cho biết em tên là Nguyễn Trọng Thành Nhân. Nghe cái tên đủ biết là cha mẹ đã kỳ vọng vào em biết nhường nào. Nhưng cuộc mưu sinh đẩy cả hai vợ chồng đi làm nghề mướn cho một xưởng đóng tàu, trong khi chính họ chẳng có nổi cho riêng mình một chiếc ghe con con để làm nghề đăng đó. Khi hỏi Thành Nhân là em ước mơ gì, em bảo không biết cái gì có tên là ước mơ! Em hỏi lại nó có phải là con tàu phải không. Nếu thế thì em không thích đâu, vì cái gọi là con tàu đã khiến ba mẹ em đi xa hoài. Em chỉ mong bố mẹ về với em, có ruộng lúa như nhà một đứa bạn, và em được ở gần bố mẹ. Chỉ là vậy thôi. Cả nhà sẽ đi cấy lúa, em được đi học và không làm cho ngoại phải lo mỗi khi nhà trường báo tiền đóng học.
Có nhiều và rất nhiều các em học sinh như An, như Thành Nhân ở các vùng sâu vùng xa đang hướng tới chúng ta…
Và Nỗi Lòng Của Thiện Nguyện Viên Tín Thác
Có lẽ tất cả những nỗi niềm, những lo lắng trăn trở đó cũng là ngổn ngang nỗi lòng của thiện nguyện viên Tín Thác. Chính vì vậy mà khi được phép của cha Giám Quản, cha xứ Long Mỹ và cha sở nhà thờ Chánh Tòa, thiện nguyện đã cố gắng hết sức mình đem những món quà của Lòng Chúa Thương Xót tới giáo phận Vĩnh Long để “tấm lòng chung với tấm lòng, yêu thương gặp gỡ thương yêu” trong buổi lễ trao học bổng lòng Chúa xót thương. Cho dù sức hạn hẹp nhưng là cả thiện tâm từ sự đóng góp sẻ chia của con cái lòng Chúa thương xót từ khắp nơi gởi đến các em học sinh vùng sông nước Cửu Long đáng yêu đáng mến.
365 phần học bổng, dù rất cố gắng nhưng vẫn thật nhỏ bé. Thôi thì thiện nguyện đặt vào đó con tim và những sáng tạo nho nhỏ, phong thư màu hồng xinh xắn dành cho các bé cấp một, phong thư màu vàng sống động dành cho các em cấp hai, còn bao màu trắng dành cho các cô các cậu cấp ba đang trổ mã. Từng cuốn tập vở, từng trái bóng bay, tất cả được thiện nguyện viên chọn lựa kỹ càng, sao cho mọi sự thật chỉn chu, góp phần làm tròn đầy niềm vui cho các em, một thế hệ mầm non của giáo phận Vĩnh Long. Việc ươm mầm, xới vun cho cả thế hệ tương lai, quí cha và cả giáo phận đặt tâm huyết và sức lực, xin cho thiện nguyện Tín Thác được một chút góp tay nho nhỏ.
Tất cả cố gắng đã kết hoa để có một buổi sáng Chúa Nhật đầu tháng tám thật tưng bừng. Người gặp gỡ người, nụ cười gặp nụ cười, bàn tay xiết chặt bàn tay, lan tỏa thương yêu, và vút lên bản tình ca ngợi khen lòng Chúa xót thương.
Cũng sẽ là chưa trọn vui nếu không nhắc tới sự liên kết với chính quyền địa phương sở tại. Thật xúc động khi vị đại diện của chính quyền tay chung tay nối vòng thương yêu cùng thiện nguyện viên, các linh mục tu sĩ, các em học sinh và phụ huynh. Trong chút phát biểu ngắn chia sẻ chị đã nhấn mạnh rằng: việc khuyến học, khuyến tài phải là việc chung của mọi ngành, mọi tôn giáo, và tất cả mọi người, cảm ơn sự chia lửa của Tín Thác và sự trợ giúp tận tình của giáo phận Vĩnh Long. Niềm vui thật sự đã lan tỏa. Tốt Đạo đẹp đời.
Giáo phận Vĩnh Long đã có một ngày hội của yêu thương, của sự kết đoàn vì nó không chỉ dừng lại ở việc trao tặng 365 học bổng lòng Chúa xót thương của nhóm thiện nguyện viên Tín Thác, nhưng đã trở thành ngày hội “chung một tấm lòng, cùng một yêu thương” nơi những đứa con của lòng Chúa thương xót.
Haleluia, tạ ơn Chúa!
Bản tình ca thương yêu hẳn còn nhiều dịp để viết tiếp, khi những bước chân thiện nguyện Tín Thác vẫn miệt mài lên đường loan truyền lòng thương xót Chúa…
Thiện Nguyện Tín Thác
Vĩnh Long
2015
(WGP.Vĩnh Long 17.08.2015)