Đức Phanxicô sẽ có thể đi đến đảo Lesbos, Hy Lạp vào ngày 14 hoặc 15 tháng 4-2016. Tháng 7 năm 2013, Đức Phanxicô có chuyến đi chớp nhoáng đến đảo Lampedusa để kéo sự chú ý của mọi người về số phận của những người di dân.
Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết đang nghiên cứu về chuyến đi này sau thông tin của Giáo hội Chính thống Hy Lạp.
Trong một thông báo, Hội đồng Giám mục Giáo hội Chính thống Hy Lạp nói rõ mục đích của chuyến đi này: “Để góp phần kêu gọi lương thức cộng đồng quốc tế đình chỉ ngay lập tức sự chống đối trong vùng Địa Trung Hải và Trung Đông đã tác động manh trên các cộng đoàn kitô”. Nhưng cũng để nhấn mạnh sự “nổi trội của một vấn đề lớn của nhân loại, gây ra do những người tị nạn tuyệt vọng đi tìm một tương lai tốt hơn ở các nước Âu Châu”. Một đại diện của Giáo hội Chính thống Hy Lạp đã xác nhận với hãng tin Reuters rằng Đức Giáo hoàng sẽ đến đảo Lesbos ngày 14, hoặc ngày 15 tháng 4 và Thượng phụ Báctôlômêô của Chính thống giáo sẽ có thể cùng tham dự.
Đi một ngày
Giáo hội Chính thống cho biết, “đây là chuyến đi một ngày, không theo nghi thức và hoàn toàn có tính cách nhân đạo”. Được hãng tin Ý ANSA hỏi, linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh khẳng định, chuyến đi này đang được nghiên cứu và hai bên đang liên lạc. “Tôi không phủ nhận tin đồn, nhưng cho đến giờ phút này, tôi chưa thể nói gì thêm vì chưa có một quyết định nào, ngày giờ và chương trình chưa được quyết định”, linh mục nói thêm. Ngày 21 tháng 3 vừa qua, Đức Phanxicô đã tiếp Giáo chủ Gabriel de Nea Ionia, người phụ trách vấn đề người di dân của Giáo hội Hy Lạp.
Dưới bóng của thỏa hiệp Hội đồng Âu Châu-Thổ Nhĩ Kỳ
Chuyến đi tượng trưng này sẽ diễn ra mười mấy ngày sau khi có thỏa hiệp giữa hội đồng Âu Châu và Thổ Nhĩ Kỳ để hạn chế làn sóng người di dân đến Âu Châu. Trong khuôn khổ của thỏa hiệp gây tranh cãi này, nhiều chuyến tàu đã được dẫn về lại Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 200 người di dân đến Hy Lạp bất hợp pháp. Nhưng cũng thời gian này, nhiều người di dân tiếp tục đến các bờ biển Hy Lạp, họ đến từ Trung Đông và Á Châu. Đức Hồng y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về người di dân, tố cáo thỏa hiệp này là phủ nhận “quyền di dân”.
Chỉ vài tháng sau khi được bầu chọn, Đức Phanxicô đã có chuyến đi đến đảo Lampedusa nước Ý, ngài đã gây ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên ngài đi ra khỏi Rôma. Ở đây, ngài đã tố cáo sự “dửng dưng toàn cầu” đứng trước thảm kịch của hàng ngàn di dân bị chết đuối ngoài khơi vùng đảo gần Bắc Phi này.
(Marta An Nguyễn chuyển dịch, phanxico.vn 06.04.2016/
cath.ch, 2016-04-05)