Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang rút lui vào trong thành Mosul, bắt theo hàng chục ngàn thường dân từ các vùng ngoại ô vào trong thành để làm bia đỡ đạn cho chúng. Trong hai năm qua, bọn khủng bố đã đào nhiều địa đạo trong và ngoài thành Mosul. Chiến dịch giải phóng Mosul, do đó, tuy đạt nhiều thành công bên ngoài thành Mosul, có lẽ sẽ cam go trong cuộc chiến giành giật từng căn nhà trong thành phố. Số thương vong của các binh sĩ và thường dân vô tội là mối âu lo của nhiều người.
Mờ sáng thứ Bẩy 29 tháng 10, lực lượng dân quân Shiite đã phát động một cuộc tấn công về phía tây của Mosul, giải phóng thị trấn Tal Afar, nơi được cho là Hồi Giáo Shiite chiếm đa số trước khi rơi vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS vào mùa hè năm 2014.
Ahmed al-Assadi, một phát ngôn viên của lực lượng dân quân, nói với các phóng viên tại Baghdad rằng họ đã chiếm được 10 làng kể từ khi bắt đầu hoạt động trước bình minh thứ Bẩy. Ahmed cho biết lực lượng dân quân Hồi Giáo Shiite sẽ cố gắng bảo vệ biên giới phía Tây Mosul, giáp giới với Syria, nơi bọn khủng bố Hồi Giáo IS chuyển quân, vũ khí, và các khí tài chiến tranh giữa Mosul và thành phố Raqqa của Syria.
Diễn biến này gây lo ngại cho nhiều người. Trong hai tuần đầu tiên, người ta thấy quân Kurd tiến từ phía Bắc và phía Đông Mosul; trong khi quân Iraq tiến từ phía Nam và phía Đông. Như thế, con đường phía Tây Mosul cố tình được bỏ ngỏ cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS có đường chạy và như thế có thể phần nào hạn chế tầm mức của cuộc chiến tranh du kích trong thành phố.
Lực lượng dân quân Hồi Giáo Shiite khét tiếng là đã tàn sát nhiều thường dân theo Hồi Giáo Sunni trong các chiến dịch giải phóng tỉnh Anbar và thành phố Tikrit, quê hương của Saddam Hussein.
Cho nên, câu hỏi nhiều người đặt ra là có bao nhiêu Kitô hữu còn kẹt trong thành Mosul? Đây là câu trả lời do Đức Tổng Giám Mục Emil Shimoun Nona của tổng giáo phận Công Giáo nghi lễ Chanđê đưa ra với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ: “Zero. Chúng tôi chạy hết không còn một ai, kể cả các Kitô hữu thuộc các nghi lễ khác”.
Ngài mô tả chi tiết cuộc di tản của người Công Giáo Canđê như sau:
“Giao tranh bắt đầu vào Thứ Năm mùng 5 Tháng 6, 2014. Tuy nhiên, chiến cuộc chỉ giới hạn ở một số quận ở phía tây thành phố. Quân đội bắt đầu dội bom vào các khu vực đó, nhưng sau đó các lực lượng vũ trang và cảnh sát đột ngột biến mất khỏi Mosul trong đêm thứ Hai mùng 9 tháng 6 rạng sáng thứ Ba, mùng 10, bỏ rơi thành phố trong tay giặc. Hơn một nửa dân cư và ngay lập tức toàn bộ cộng đồng Kitô hữu chạy trốn đến vùng bình nguyên Nineveh. Vào khoảng 5:00 sáng thứ Ba, chúng tôi đưa các gia đình vào trốn trong các trường học, các phòng dạy giáo lý bỏ lại tất cả nhà cửa, rồi lập tức lên đường.”
Trước khi chiếm được Mosul, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tàn sát nhiều Kitô hữu tại Iraq và Syria nên các Kitô hữu trong thành Mosul biết rõ những gì sẽ xảy ra một khi họ rơi vào tay quân khủng bố Hồi Giáo IS.
Sau khi chạy được đến thành Dohuk, có hai nữ tu dòng Nữ Tử Đức Mẹ là sơ Miskintah, sơ Utoor Joseph, cùng với hai phụ nữ là Hala Salim, Sarah Khoshaba, và một bé trai là Aram Sabah lại chạy ngược về Mosul để xem viện mồ côi do hai sơ chăm sóc ra sao. Cả 5 người bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt vào ngày 28 tháng 6 năm 2014.
Theo một dàn xếp của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Đức Hồng Y Louis Sako Raphael, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê; Đức Tổng Giám mục Yohanna Petros Mouche của Công Giáo nghi lễ Syriac ở Mosul; và Đức Giám Mục Youssif Mirkis của Kirkuk đã có cuộc họp với Liên Hiệp Âu Châu vào ngày 09 Tháng 7 năm 2014 tại Bỉ để thảo luận về tình trạng của các tín hữu Kitô tại Iraq, trong đó các ngài có nêu lên tình trạng của 5 người bị bắt. 5 ngày sau cả năm người này được bọn khủng bố Hồi Giáo IS trả tự do.
(Đặng Tự Do, VCN 29.10.2016)