“Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè”. Câu nói đó trong dân gian đã phản ảnh được phần nào thói quen trong sinh hoạt của người Việt Nam. Ngày xưa, khi còn là một nước nông nghiệp, ngoài những thời vụ vất vả như lúc cày bừa, gieo cấy, gặt hái. Còn lại là lúc nông nhàn, người ta tổ chức các thứ hội hè, lễ lạt, đình đám để lấp đầy khoảng thời gian trống vắng đó.
Ngày nay dù không còn những lúc rảnh rỗi như xưa, nhưng thói quen này đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, nhất là khi đời sống vật chất và tinh thần đang dần được nâng cao. Như ông bà ta thường nói “phú quý sinh lễ nghĩa”, con người thường có nhu cầu tự đề cao, tôn vinh mình qua việc tổ chức các ngày lễ riêng.
Thông thường người ta hay dùng từ “lễ lạc” để nói về hội hè vui tươi trong các dịp lễ. Nhưng theo đúng từ điển thì khẩu ngữ “lễ lạt”, theo cách nói khái quát là các cuộc lễ hội hoặc lễ vật. Ở đây ta cũng có thể hiểu chữ “lạt” là nhạt nhẽo như nét chữ không đậm mà nhạt, và ăn cơm mà kiêng món mặn thì gọi là ăn lạt. Còn từ lạt mà đọc ra lạc, có thể là do phát âm sai hoặc là muốn chuyển sang chữ lạc với ngụ ý là vui vẻ.
Những năm gần đây, người ta khơi lại những đám cưới vàng, đám cưới bạc …. Tùy thuộc vào thời gian đôi vợ chồng đã chung sống với nhau bao nhiêu năm mà người ta thường tổ chức lễ kỷ niệm ngày cưới có tên gọi lễ bạc, lễ vàng. Đặc biệt có cả đám cưới kim cương để tôn vinh những cuộc hôn nhân mỹ mãn, vợ chồng cùng chung sống hạnh phúc lâu bền.
Ngoài ý nghĩa là lễ kỉ niệm dành cho cặp vợ chồng, cho gia đình, nó còn là cách để người ta khẳng định đẳng cấp, phong cách sống của người thành đạt. Nhiều người không cần đợi đến 25 năm hay 50 năm, mà thích tổ chức kỷ niệm ngày cưới ở các cột mốc dễ nhớ như 5 năm, 10 năm, 15 năm… giống như nhà nước hoặc thậm chí năm nào cũng tổ chức!
Từ đó người ta đua nhau bày ra những ngày, những loại lễ kỉ niệm tương tự. Đành rằng đây là tự do cá nhân và những ngày lễ đó cũng đáng mừng, nhưng là mừng sao cho hợp lý và phải đạo. Những lễ mừng kèm theo tiệc tùng quá linh đình tốn phí, có thể gây tiếng tăm hãnh diện nhưng cũng thường để lại trong lòng người chút dư âm không mấy thiện cảm.
Người Kitô hữu chúng ta cũng sống trong nền văn hóa đó. Trong các giáo xứ, hầu như tháng nào cũng có ngày lễ mừng bổn mạng của các khu, đoàn thể hay cá nhân. Ai cũng muốn ngày lễ của khu, của đoàn thể hoặc của mình được tổ chức long trọng, hoành tráng như là một dịp báo công. Điều này cũng đúng vì đây là dịp để các thành viên noi gương Thánh quan thầy, xét lại mình trong thời gian qua đã giúp ích gì cho Giáo Hội, cho giáo xứ chưa.
Nhưng thường thì “lạc” sẽ đi kèm theo lễ và muốn vui thì phải có ăn uống. Đây là phần phức tạp, dễ gây mất lòng và dễ bị phê bình là mở tiệc đề nhân cơ hội nhận quà cáp và tiền bạc. Có những vị giữ nhiều chức vụ trong Hội đồng mục vụ hàng tháng đều nhận được từ 1 đến 2 thiệp mời. Đành rằng “nay người, mai ta”, nhưng nếu đoàn thể có quỹ dồi dào hay cá nhân có điều kiện thì không sao; còn không thì khi cầm tấm thiệp mời có “lạc” đi kèm trong tay, đa số đều “chán như con gián”.
“Vô tửu bất thành lễ”, khi gắn với “lạc”, rượu là một chất men không thể thiếu. Trong các bữa tiệc, người ta đua nhau “dzô, dzô” và nếu không tự chủ được thì điều thường gặp là “rượu vào, lời ra”. Nói nhiều, nói dài nhưng không ý thức hết điều đã nói, gây chuyện “đa ngôn đa quá”, lắm lúc tạo nên sự hiểu lầm, gây mất đoàn kết. Không nhiều thì ít, cũng gây phiền toái đến người chung quanh.
Ở đời chẳng biết sợ ai,
Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày.
Rượu nào rượu lại say người,
Bớ người say rượu, chớ cười rượu say.
Lại có những lễ lạc để lại những dư vị đắng lòng khi mà người ta so đo tính toán hơn thiệt ngay lúc tiệc chưa tàn. Có những vị ngồi không yên, ăn không ngon vì mải lo điểm mặt thực khách mà vì mời nhiều quá nên không biết hết mặt những người đại diện. Nghi ngờ người này, người nọ lợi dụng “ăn chùa” nhưng không dám hỏi. Nhất là khi kiểm lại phong bao tiền mừng thấy chưa đủ sở hụi hoặc không thấy tên đoàn thể này, ông bà kia thì đâm ra bực tức, tấu sàm đủ kiểu.
Trước con mắt của những người ngoài Công Giáo, cách chúng ta sử dụng tiền bạc tổ chức lễ lạt đình đám như thế dễ bị mang tiếng là không biết xử thế ở đời; vô cảm trước cảnh nghèo khổ của những người túng đói, hay lợi dụng cơ hội để làm tiền. Tuyên ngôn Hội nghị các Giám mục Á châu tại Manila năm 1971 không muốn Giáo Hội là một ốc đảo giữa đại dương mênh mông của nghèo đói và khốn cùng.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngay từ khi mới lên ngôi năm 2013 cũng xác định Giáo Hội ưu tiên cho người nghèo và theo đuổi con đường xây dựng Giáo Hội sống tinh thần nghèo khó. Vậy nên chăng ta cần hạn chế đi phần “lạc” sau khi mừng lễ, nếu cần thiết thì đôi ba năm một lần nhưng cần liệu sao cho vừa phải, tránh lãng phí để các ngày lễ không “lạt” mà trở nên “lạc” thực sự.