Trong năm tân Phúc Âm hóa đời sống thánh hiến và cộng đoàn, Giáo hội đã dùng sách Cv 2,42 như một lời mời gọi các Kitô hữu nhìn lại căn tính của mình để triển khai những chuẩn mực trong đời sống cộng đoàn hầu có thể sống xứng đáng là môn đệ của Đức Giêsu.
Tại sao Giáo hội lại lấy cộng đoàn Kitô hữu sơ khai này làm điểm quy chiếu? Đâu là những chuẩn mực mà cộng đoàn này đã sống? Làm thế nào mà cộng đoàn này có thể thực hiện được những điều tưởng chừng như không thể? Thưa, cộng đoàn này là một cộng đoàn chuyên cần, biết lắng nghe, năng động, sáng tạo, đầy sức sống và luôn luôn mới mẻ. Cộng đoàn này không bao giờ bằng lòng với những gì mà họ đã có. Họ thường xuyên hiệp thông với nhau và cùng nhau tham dự lễ bẻ bánh. Họ cầu nguyện không ngừng để kín múc những ân ban của Thiên Chúa. Thế nhưng một điều không thể không nhắc đến và chắc chắn phải có đối với họ đó chính là vì tình yêu Đức Kitô thúc bách. Nếu không có tình yêu thì họ chẳng thể làm được bất cứ chuyện gì.
Trước hết, đây là một cộng đoàn biết lắng nghe, chuyên cần với lời rao giảng của các tông đồ. Tại sao vậy? Vì lời rao giảng của các tông đồ tập trung vào cái chết và sự Phục sinh của Đức Kitô, nên cộng đoàn này đã tích cực lắng nghe những lời rao giảng ấy. Một khi biết lắng nghe, họ sẽ được sống trong một bầu khí thinh lặng, thinh lặng từ chính nội tâm. Thinh lặng là yếu tố nền tảng trong đời sống thường nhật. Nó giúp con người nhìn nhận những giới hạn của bản thân hầu có thể đi vào mối tương quan với Chúa cách mật thiết, thâm sâu hơn. Đó cũng là cách cộng đoàn này đã thực hành để kín múc những ân ban mà Thiên Chúa dành cho con người, nhưng nhiều khi con người vô tình hay hữu ý làm vơi mất.
Thứ đến, cộng đoàn này luôn luôn hiệp nhất với nhau, một lòng một ý. Tất cả mọi sự của từng cá nhân đều đem “xung công quỹ” làm của chung (Cv 2,46). Đây là vấn đề khá phức tạp, nhưng làm thế nào cộng đoàn này vẫn kiến tạo được sự hài hòa trong cuộc sống khi mà tất cả mọi sự đều là của chung như thế? Tác giả sách Công vụ Tông đồ cho biết, cộng đoàn này hiệp thông với nhau và cùng tham dự lễ bẻ bánh. Khi tham dự bẻ bánh, cộng đoàn này làm sống lại biến cố Đức Giêsu đã làm trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn mà về cùng Chúa Cha. Như vậy, việc tham dự lễ bẻ bánh một cách nào đó là nên một với Chúa, nên một với Đức Giêsu. Đây là thực tại không thể đánh đổi của cộng đoàn này. Thực tại ấy chính là sự hiệp thông: hiệp thông với anh em và hiệp thông với Thiên Chúa. Chính sự hiệp thông với anh em là cửa ngõ để dẫn cộng đoàn này vào hiệp thông với Thiên Chúa.
Sau nữa, cộng đoàn này luôn mang trong mình hơi thở và sức sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây cũng chính là đặc tính căn bản của linh đạo Kitô giáo – một linh đạo mang đặc tính cộng đoàn. Ý thức được tầm mức quan trọng như vậy, nên cộng đoàn này ra sức cầu nguyện. Họ cầu nguyện không ngừng để cầu xin ơn Chúa xuống trên cộng đoàn. Ngay Kinh Lạy Cha đã nói lên điều đó. Đặc tính này càng được nổi bật hơn trong phụng vụ, vì tất cả mọi hành vi phụng vụ đều mang tính cộng đoàn dù là một cá nhân cử hành thì cũng phải nhân danh toàn thể Giáo hội. Cho nên, cầu nguyện chỉ có thể xảy ra với cộng đoàn, trong cộng đoàn và cho cộng đoàn.
Như vậy, chuẩn mực của đời sống cộng đoàn là phải biết chuyên cần lắng nghe Lời Chúa, luôn hiệp thông với nhau và cùng nhau tham dự lễ bẻ bánh. Đặc biệt hơn nữa là cầu nguyện, bởi vì chỉ khi cầu nguyện, chỉ khi có Chúa ở trong lòng thì việc tham dự lễ bẻ bánh và sự hiệp thông trong cộng đoàn mới được triển nở. Hay nói cách khác là việc cầu nguyện cần phải được đặt trên sự hiệp thông, một sự hiệp thông sâu xa với Ba Ngôi Thiên Chúa, nhất là hiệp thông với Đức Giêsu qua việc cử hành bí tích và lãnh nhận Thánh Thể.
Lam Ngã