Đức Hồng y Charles Maung Bo của Yangon dẫn đầu phái đoàn giám mục hội kiến tổng tư lệnh quân đội Myanmar, Min Aung Hlaing bàn về chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh cha Phanxicô và triển vọng hòa bình trong nước.
Các cuộc thảo luận diễn ra khi giới chức Vatican đến thủ đô Naypyidaw của Myanmar hôm 22-8, phối hợp với các chức sắc của Hội đồng Giám mục Công giáo Myanmar điều phối công tác hậu cần và thảo luận các vấn đề an ninh với các cơ quan chức năng, theo các nguồn tin Giáo hội.
ucanews.com được biết giới chức Vatican sau đó sẽ đến thủ đô Dhaka của Bangladesh để bắt đầu công tác chuẩn bị ở đó cho chặng dừng chân thứ hai trong chuyến tông du của Đức Thánh cha.
Đức cha Felix Lian Khen Thang của Kalay, Đức cha Philip Lasap Za Hawng của Lashio, Đức cha Basilio Athai của Taunggyi và Đức cha Raymond Saw Po Ray của Mawlamyine tham dự cuộc họp tại Naypyidaw hôm 22-8, tại đây Đức Hồng y Bo chia sẻ chi tiết về chuyến viếng thăm Myanmar của Đức Thánh cha trong cuộc họp dài một giờ, theo 2 linh mục.
Tuy nhiên, các giám mục ucanews.com tiếp xúc vẫn giữ kín và chỉ nói Tòa Thánh và chính quyền vẫn đang thảo luận và chờ thông báo chính thức.
Trong khi đó, cha Kamal Corraya, người triệu tập Ủy ban truyền thông phục vụ chuyến tông du Bangladesh, phát biểu với ucanews.com: “Đức Thánh cha chắc chắn sẽ viếng thăm Bangladesh năm nay, nhưng cho đến khi Vatican chính thức đưa ra thông báo, chúng tôi không thể nói chi tiết về thời gian và chương trình được. Chúng tôi hy vọng sẽ có thông báo chính thức về chuyến viếng thăm từ Vatican vào cuối tháng này”.
Theo các nguồn tin trong Giáo hội và chính quyền, Đức Thánh cha Phanxicô sẽ bay sang Myanmar vào ngày 27-11 và sau đó sang Bangladesh vào ngày 30-11 trước khi trở về Vatican. Tại Bangladesh ngài sẽ có chuyến viếng thăm 3 ngày và có thể ngài sẽ chào xã giao và hội kiến Tổng thống Abdul Hamid và Thủ tướng Sheikh Hasina.
Đức Thánh cha có thể sẽ dâng Thánh lễ với hàng ngàn người Công giáo Dhaka, ở đó ngài sẽ phong chức linh mục cho 16 phó tế. Trong chuyến tông du, ngài sẽ tham dự cuộc họp mặt các lãnh đạo chính trị, quan chức chính quyền, các chức sắc, nhà hoạt động xã hội và văn hóa cũng như các lãnh đạo liên tôn và liên giáo phái. Ngài dự kiến nói chuyện với giới trẻ, giáo sĩ và tu sĩ và viếng thăm người nghèo túng và cần giúp đỡ bao gồm bệnh nhân, người khuyết tật, người tị nạn và người nghiện ma túy.
Trước đây ucanews.com từng dẫn lời các nguồn tin giáo sĩ cấp cao nói Đức Thánh cha Phanxicô đến Myanmar vào ngày 27-11 trong 4 đêm. Dự kiến ngài sẽ viếng thăm Naypyidaw trước, và tại đây ngài sẽ hội kiến Tổng thống Htin Kyaw và lãnh đạo trên thực tế của quốc gia này là Cố vấn Nhà nước và là Ngoại trưởng Aung San Suu Kyi.
Dự kiến ngài sẽ dâng ít nhất 2 Thánh lễ trước khi đến thành phố lớn nhất và là trung tâm thương mại của quốc gia này là Yangon dâng Thánh lễ ngoài trời. Cũng có thể ngài sẽ viếng thăm và dâng Thánh lễ tại Đại Chủng viện Công giáo Thánh Giuse ở Yangon.
Xử lý xung đột
Tại Myanmar, cuộc họp hôm 22-8 còn là sự kiện đầu tiên như thế được tổ chức giữa các lãnh đạo quân sự và Công giáo trong quốc gia đa số Phật giáo trong đó Kitô hữu chiếm thiểu số.
Đức Hồng y Bo và Thống tướng Min Aung Hlaing thảo luận về tầm quan trọng của hòa bình và hòa bình có thể mang lại lợi ích trong việc phát triển đất nước như thế nào.
Đức Hồng y Bo nhấn mạnh biện pháp xử lý xung đột phi bạo lực và kêu gọi tất cả các bên liên quan “ngồi vào bàn đàm phán” và giải quyết các vấn đề hiện nay bằng “các biện pháp hòa bình”.
Đức hồng y nêu lên quan ngại của mình về các thường dân bị ảnh hưởng bởi các cuộc nội chiến.
“Chúng tôi chuyển tải thông điệp về hòa bình và thể hiện sự cam kết tìm kiếm hòa bình trong nước của các lãnh đạo tôn giáo”, Đức cha Athai tham dự cuộc họp, phát biểu với ucanews.com.
Các cuộc nội chiến vẫn tiếp tục gây đau khổ trong nhiều bang người dân tộc thiểu số ở Myanmar, đặc biệt là ở bang miền bắc Kachin, nơi Kitô hữu chiếm đa số. Cuộc xung đột này đã lan sang phía bắc bang Shan gần đó. Từ khi chiến sự tái diễn năm 2011, sau khi kết thúc 17 năm ngừng bắn, hơn 120.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa và vẫn còn phải ở trong các trại tị nạn.
Bà Suu Kyi cam kết chấm dứt chiến sự trong nước thế nhưng hòa bình vẫn chưa đạt được. Người đoạt Giải Nobel ngày càng bị nhiều chính quyền dân chủ trên thế giới chỉ trích vì thái độ đùn đẩy trách nhiệm trước cuộc khủng hoảng Rohingya và đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà khăng khăng gọi nhóm người này là người Bengali chứ không phải bằng cái tên do họ tự quyết.
Các tay súng người Rohingya giết hại 9 cảnh sát ở bang miền bắc Rakhine năm ngoái, dẫn đến vụ đàn áp đẫm máu bởi các lực lượng an ninh Myanmar và sau đó hơn 87.000 người Rohingya phải bỏ trốn sang nước láng giềng Bangladesh.
Hồi tháng 2, Đức Thánh cha Phanxicô cầu nguyện cho những người Rohingya bị ngược đãi ở Myanmar.
“Họ là những người tốt, họ không phải là Kitô hữu, họ là người yêu chuộng hòa bình, họ là anh chị em của chúng ta và trong những năm qua họ chịu nhiều đau khổ, họ đang bị tra tấn và sát hại, chỉ vì họ bảo vệ đức tin Hồi giáo của họ”, Đức Thánh cha nói trong buổi tiếp kiến hàng tuần tại Vatican.
Michael Sainsbury từ Bangkok
Nguồn tin: UCAN