« Chín người kia đâu ? »
(Lc 17, 11-19)
Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su ngạc nhiên về chín người được ơn chữa lành, nhưng không ưu tiên cho việc tôn vinh và cảm tạ Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết nhận ra mọi ơn huệ Chúa ban cho chúng ta, cho dù cuộc đời và cuộc sống có như thế nào, và cho chúng ta biết ưu tiên cho việc tôn vinh và cảm tạ Chúa, bằng việc tham dự Thánh Lễ, bằng lời kinh, bằng các việc thiêng liêng, và nhất là bằng chính đời sống biết ơn của chúng ta. Bởi vì, chính lòng biết ơn sẽ chuẩn bị cho chúng ta đón nhận ơn huệ lớn hơn, đó là ơn cứu độ, là sự sống đời đời ở bên Chúa, cùng với những người thân yêu của chúng ta, còn sống cũng như đã qua đời.
- « Mười người phong hủi »
Thật là đáng sợ, nếu chúng ta hình dung ra cùng một lúc có mười người phong hủi đến đón gặp chúng ta ! Tuy nhiên, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm này mời gọi chúng ta vượt qua sự sợ hãi để nhìn ngắm mười người phong hủi này, và lắng nghe điều Chúa muốn nói với chính chúng ta.
Chắc chắn trong chúng ta, đã có người nhìn thấy và hơn nữa đi thăm hỏi những người phong ; nếu không, chúng ta có lẽ đã có lần nhìn thấy người bệnh phong trong phim ảnh. Bệnh phong là một những thứ bệnh khủng khiếp nhất mà loài người chúng ta mắc phải : da thịt người mắc bệnh lở loét ; khi bị nặng, vết thương sẽ lõm vào da thịt ; tình trạng mất cảm giác sẽ xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể ; sau đó các bắp thịt tiêu đi ; nếu ở giai đoạn bị nặng, các ngón tay và ngón chân sẽ rụng dần.
Đó là sự đau đớn tột cùng trong thân xác ; nhưng người bệnh phong còn chịu một sự đau khổ còn lớn hơn nữa là bị cách ly khỏi môi trường sống bình thường, khỏi nhà của mình, khỏi những người thân yêu, và có khi còn bị bỏ rơi luôn, không được ai nhìn nhận nữa. Chính vì thế, bài Tin Mừng kể lại rằng, họ dừng lại đàng xa và kêu lớn tiếng xin Đức Giê-su thương xót :
Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa13 và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!”
(c. 12-13)
Như thế, người bị bệnh vừa đau khổ trong thân xác và vừa đau khổ về tinh thần, vì thiếu tình thương và sự liên đới. Vẫn chưa hết, theo quan niệm của Do thái giáo, bệnh phong hủi là hình phạt tiêu biểu nhất của Thiên Chúa đối với người có tội : tội vô hình có trong tâm hồn, Chúa cho nó hiện hình ra bên ngoài và nó xấu xa ghê tởm như là bệnh cùi. Theo quan niệm này, chúng ta có thể giả sử rằng, nếu tất cả mọi tội chúng ta đã phạm trong thầm kín mà lộ ra bên ngoài khiến người ta nhìn thấy được, có lẽ chúng ta cũng không khác người phong cùi bao nhiêu, và có khi còn tệ hơn !
Đau khổ trong thân xác, đau khổ trong tình thần, đau khổ vì cảm thức bị Thiên Chúa trừng phạt, và nhiều khi vì những tội gì cũng chẳng rõ hay vì những những tội chẳng đáng bị phạt như thế. Và không chỉ một người, nhưng có đến mười người ! Thế mà, số mười là con số nói lên sự trọn vẹn. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng, hình ảnh mười người đau khổ trong thân xác, đau khổ trong tình thần, và đau khổ vì cảm thức bị Thiên Chúa hay Ông Trời trừng phạt, nói lên cách trọn vẹn mọi người bệnh của loài người chúng ta, thuộc mọi thời và ở mọi nơi.
Chúng ta hãy nhớ lại những lúc chúng ta bị bệnh : khi chúng ta bị đau, chúng ta rất nhạy cảm với sự hiện diện chăm sóc và yêu thương của người thân, và vì người thân không thể lúc nào cũng ở bên cạnh và chăm sóc chúng ta, chúng ta thường có cảm thức bị bỏ rơi, bị quên lãng ; hơn nữa, chúng ta còn có thể tự hỏi : tại sao tôi lại ra nông nỗi này ? Đây có phải là một hình phạt không ? Tôi đã làm gì để bị như thế này ?
- « Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi »
Như thế, qua hình ảnh « Mười Người Phong Hủi », Lời Chúa nói với chúng ta thật nhiều điều. Người bệnh, dù là bệnh gì, bệnh nặng hay bệnh nhẹ, không chỉ cần tiền bạc để chạy thầy chạy thuốc, nhưng còn cần hơn nữa, nhất là khi bệnh nặng và bệnh nan y, sự hiện diện liên đới, cảm thông và yêu thương của những người thân yêu. Người Việt Nam chúng ta có một thói quen rất hay, vừa rất tình người và vừa rất phù hợp với đức tin : đó là đưa người sắp chết về nhà, để sống những ngày sau cùng trong bầu khí gia đình yêu thương và ở giữa những lời cầu nguyện và lời kinh kêu xin và phó thác. Chính bầu khi này sẽ giúp người bệnh tín tưởng hoàn toàn nơi tình yêu thương xót của Chúa, trong cơn thử thách sau cùng.
Và khi chính chúng ta bị đau bệnh, cho dù chúng ta cảm thấy lúc đó mình bị quên lãng hay bỏ rơi, thì chúng ta hãy luôn xác tín rằng Chúa không bao giờ quên lãng hay bỏ rơi chúng ta. Mười người bệnh trong bài Tin Mừng, chỉ cần lên tiếng kêu xin :
Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi.
Như thế là đủ để cho Chúa đáp lời. Chúa chữa lành thật nhưng không và vô điều kiện, chỉ cần kêu xin là Chúa đáp lời, bất chấp sự bất xứng hay tình trạng tội lỗi của người bệnh : cứ tín thác vào Lời Chúa, rồi lên đường ra đi, thế là những người bệnh được chữa lành.
Hơn nữa, Đức Giê-su còn trở nên người đau khổ tột cùng trong cuộc Thương Khó ; và trên Thập Giá, thân thể Ngài bị nát tan, không kém gì người bị bệnh phong, như lời ngôn sứ Isaia về Người Tôi Tớ đau khổ. Như thế, trong mọi thử thách của cuộc đời, trong đó có thử thách của bệnh tật, Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta, đồng hành và cảm thông với chúng ta, để dẫn chúng ta đến sự sống mới, sự sống phục sinh, như hình ảnh Thập Giá và Phục Sinh trên cung thánh của Nhà Thờ chúng ta muốn diễn tả.
- Một người trong nhóm trở lại…
Chúng ta hãy trở lại bài Tin Mừng, vì Lời Chúa vẫn còn muốn nói với chúng ta một điều quan trọng nữa. Mười người phong, chính khi họ đang trên đường đi, đang thực hiện điều Đức Giê-su mời gọi, thì họ được lành bệnh. Nhưng có một người quyết định quay lại để lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa và để gặp Đức Giêsu nói lời tạ ơn.
Thực ra, chúng ta cũng cần thông cảm cho chín người kia, vì đi trình diện với các tư tế cũng rất quan trọng : đến với các thầy tư tế, chính là để được xác nhận mình được lành bệnh, để đón nhận các nghi thức thanh tẩy để được tái hội nhập vào xã hội, vào cộng đoàn và về với gia đình. Nhưng có một người nhận ra rằng, việc tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa là việc phải làm trước và làm ngay. Chính vì thế, anh nhận được ơn chữa lành thứ hai, vượt xa ơn chữa lành thứ nhất, vốn chỉ liên quan đến sức khỏe thể xác, vì Đức Giê-su nói với anh :
Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.
« Cứu » ở đây là ơn cứu độ, là ơn hòa giải với Thiên Chúa để được đón nhận sự sống viên mãn và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Sức khỏe của chúng ta sẽ không tồn tại mãi, nhưng ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta nhờ Đức Giê-su sẽ đưa chúng ta vào sự sống muôn đời của Thiên Chúa.
Đức Giê-su kinh ngạc về lựa chọn của chín người kia : « Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa ? » Có lẽ Chúa cũng hay hay kinh ngạc về thái độ và lựa chọn của chúng ta, bởi vì, chúng ta nhận lãnh rất nhiều ơn, nhưng chúng ta đã không luôn ưu tiên cho việc tôn vinh và tạ ơn Chúa hơn tất cả những việc khác, và nhất là đã không sống ngày sống và đời mình như là lời tạ ơn và tôn vinh Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc