1/ Theo chỉ dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng tôi tìm hiểu tân Phúc Âm hoá đời sống nghĩa là gì và nhìn lại mình đã Phúc Âm hoá đời sống như thế nào?
2/ Theo chỉ dẫn của Đức Gioan Phaolô II, nhìn lại mình đã làm được gì để trở nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn?
3/ Tĩnh tâm trong ngôi Thánh Đường kỷ niệm ngày cung hiến, nhìn lại bản thân mình cũng là một ngôi Thánh Đường cho Chúa ngự, xem mình có những sai sót nào trong đời sống cầu nguyện, là đời sống với Chúa, đời sống thánh hiến bản thân?
1. Phúc Âm hoá đời sống là gì? Và như thế nào?
Phúc Âm hoá đời sống có nghĩa là đưa ánh sáng Lời Chúa là ánh sáng chân lý, yêu thương và bình an vào trong tâm trí, vào trong hành động, vào trong mọi giao tiếp xã hội. Nhưng trong thực tế, nhiều người vấp phải hai sai sót này là:
1/ Chỉ quan tâm đến chân lý, bỏ qua đi yêu thương và bình an.
2/ Để cho Lời Chúa chỉ đi vào trong tâm trí, rồi lãng quên, không đi vào trong thực hành và giao tiếp xã hội.
Những sai sót đó để lại những bất đồng giữa anh em với mọi người, mọi giới. Công cuộc xây đắp hiệp thông trong giáo hội đòi hỏi trước tiên anh em linh mục phải vượt qua những sai sót nói trên, và phải tân Phúc Âm hoá đời sống của mình cùng đời sống mọi tín hữu. Tân Phúc Âm hoá có nghĩa là đổi mới cách Phúc Âm hoá trước nay với những sai sót của nó.
2. Con đường trở nên giống Chúa Giêsu
Đức Gioan Phaolô II chỉ dẫn phải thường xuyên cùng Mẹ Maria chiêm ngắm Chúa Giêsu qua 20 mầu nhiệm mân côi và xin ơn bước theo Ngài trong từng tâm tình và cử chỉ trong đời sống.
Năm Sự Vui giúp ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Nhập Thể hoà vào đời sống nhân loại, và bước theo con đường Ngài yêu thương, khiêm tốn và tự hạ.
Năm Sự Sáng giúp ta chiêm ngắm Chúa Giêsu yêu thương phục vụ cho sự sống nhân loại, và bước theo con đường Ngài dấn thân phục vụ.
Năm Sự Thương giúp ta chiêm ngắm Chúa Giêsu hy sinh hiến thân cho sự sống nhân loại, và bước theo con đường Ngài yêu thương tới cùng.
Năm Sự Mừng giúp ta chiêm ngắm Chúa Giêsu đi vào cõi sống mới, và bước theo con đường Ngài đưa nhân loại vào nước hằng sống và yêu thương của Thiên Chúa.
3. Đời sống cầu nguyện, đời sống với Chúa, đời sống thánh hiến bản thân. Nhìn lại bản thân mỗi người là đền thờ của Chúa Giêsu, của Chúa Thánh Thần, là một ngôi Thánh Đường, nơi phát xuất nguồn sống mới, cội nguồn tình yêu, ánh sáng chân lý và bình an. Đồng thời thánh đường là nơi cầu nguyện và là nơi thánh hoá đời sống. nhìn lại bản thân có chu toàn việc cầu nguyện, có những sai sót trong việc cầu nguyện không? Có những sai sót trong việc thánh hiến bản thân không?
Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Nguyên Tổng Giám mục TGP Sài Gòn