Chân phước Têrêsa Calcutta sẽ sớm được tuyên thánh

WHĐ  – Hôm thứ Năm 17-12-2015, đúng ngày sinh nhật của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký bốn sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của các tôi tớ Chúa là: Enrico Hahn, giáo dân người Đức sống vào thế kỷ thứ 19; Giuseppe Ambrosoli, linh mục người Ý; Lanzuela Leonardo Martínez, tu sĩ người Tây Ban Nha; hai vị sau qua đời trong những năm cuối của thế kỷ 20.

Nhưng thông tin được nhanh chóng loan đi trên khắp thế giới với niềm vui mừng lớn lao là sắc lệnh thứ tư, công nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Têrêsa Calcutta, vị nữ tu nhỏ bé trong chiếc áo sari hai màu xanh trắng, đã được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 19-10-2003. Các nữ tu Thừa Sai Bác Ái ở Calcutta là những người vui mừng hơn hết vì đã chờ đợi tin này từ rất lâu; các chị nói rằng “đây là lúc vui mừng và tạ ơn”. Một Thánh lễ tạ ơn do Đức cha Thomas D’Souza, Tổng giám mục Calcutta, chủ sự, đã được cử hành tại nhà mẹ của Dòng Thừa Sai Bác Ái vào lúc 16g00, giờ địa phương.

Việc một người đàn ông Braxin được khỏi các khối u não một cách kỳ diệu đã được công nhận là phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Têrêsa, mở đường cho việc tuyên thánh cho vị chân phước người Albania đã dâng hiến cuộc đời phục vụ người nghèo ở Calcutta.

Sinh tại Skopje năm 1910 trong một gia đình người Albania ở Macedonia, Agnes Gonxha Bojaxhiu, tức Mẹ Teresa Calcutta,đến Ấn Độ năm 1929 và thành lập Dòng Thừa Sai Bác Ái vào năm 1950 để chuyên lo phục vụ người nghèo, các bệnh nhân vànhững người hấp hối, đặc biệt là ở Calcutta. Chính tại thành phố này ở miền Bắc Ấn Độ mà vị nữ tu được cả thế giới biết đến đãqua đời ngày 05 tháng Chín 1997 vì bệnh tim, thọ 87 tuổi.

Theo nhiều chuyên gia tại Vatican gần gũi với Đức Thánh Cha, lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa có thể sẽ diễn ra ngày 04 thángChín 2016 tại Roma, trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngày này đã được Phòng Báo chí Toà Thánh nhắc đến hồi tháng Năm vừa qua, nhưng còn phải được Công nghị Hồng y xác nhận.

Con người đã dành trọn cuộc đời cho những người nghèo khổ nhất đã từng nói: “Về huyết thống, tôi là người Albania. Về quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu Công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế giới. Theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về Trái Tim Chúa Giêsu”.

Dòng Thừa Sai Bác Ái hiện nay có 5000 tu sĩ (nam và nữ), phục vụ tại 132 quốc gia trên thế giới.
 

Minh Đức