“Nếu bạn chạm vào tôi, bạn sẽ hiểu hạnh phúc là gì…” (Lời bài hát Memory: “If you touch me, you’ll understand what happiness is…” .
Đã là con người, chúng ta có rất nhiều giới hạn – về không gian, thời gian, ngôn ngữ, văn hóa, tài năng, sức khỏe… Thế nhưng, có lẽ giới hạn lớn nhất chính là cái chết, vì nó chia cắt con người khỏi tất cả mọi thứ mà chúng ta đang làm, mơ ước và khát khao cho mình cũng như cho người khác. Vậy con người còn gì sau khi đã rời bỏ cuộc đời này, phải chăng mọi sự chấm dứt từ đây!
Bộ phim Departures(Đưa Tiễn) với những hình ảnh xúc động về người quá cố và nghĩa cử của những người còn sống dành cho họ, cùng với nhạc nền nhẹ nhàng của bài hát Memory đôi lúc đã làm mắt tôi mờ đi vì những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má. Tôi nhận ra rằng, cái chết chính là một phần cuộc sống, nó như một cánh cửa để tôi bước vào một thế giới mới.
Trong cuộc sống, chúng ta có nhiều cách để nói “giảm” đi về cái chết như: Băng hà, nhắm mắt xuôi tay, về bên kia thế giới, hay an giấc ngàn thu… nhưng cho dù nói thế nào đi nữa, cái chết vẫn là giới hạn lớn nhất của thân phận con người mà mỗi chúng ta không thể né tránh. Một khi đã sinh ra, nghĩa là sẽ có ngày chúng ta sẽ rời bỏ cuộc đời này.
Thế nhưng, tôi vẫn không ngừng tự hỏi bản thân, không biết rằng một người khi đã nhắm mắt xuôi tay, họ mong ước gì nơi những người còn sống? Thật sự tôi không biết, nhưng tôi nghĩ rằng, có lẽ họ ước mong có ai đó chạm đến họ, như một lời cầu chúc cho chuyến đi “mới” của họ được bình an và giúp họ có được sự ấm áp cho chuyến hành trình dài sau cùng này.
Vâng! Có thể nói, đụng chạm là cử chỉ rõ nét để nói rằng: Tôi yêu bạn. Ở đây, tôi không chỉ nói đến những đụng chạm thuần tính xác thịt, nhưng là sự đụng chạm của một tình yêu cao đẹp, cảm thông, đồng cảm và nâng đỡ. Quả thật, không chỉ khi tôi hạnh phúc, nhưng cả những lúc thất vọng, cô đơn và lạc lối, tôi vẫn cần lắm một bàn tay nắm lấy tay tôi, để nâng tôi đứng dậy và cùng bước với tôi. Chính lúc ấy, sẽ giúp tôi tìm thấy ý nghĩa và hạnh phúc trong cuộc sống này và xua đi sự thất vọng đang bủa vây quanh tôi. Điều này càng có ý nghĩa lớn hơn khi con người ta ra đi lần cuối. Tôi chợt nhớ lại một kinh nghiệm với bà ngoại thân yêu của tôi. Vào một ngày đẹp trời cuối tháng 10, cách đây 10 năm về trước, khi đang học xa nhà, tôi nhận được tin ngoại mất, lúc ấy dường như có một bóng tối lớn bao phủ lấy tâm hồn tôi, và nước mắt chảy tràn trên khóe mắt tôi – tôi thật sự đau buồn. Trở về gia đình, tôi đến bên quan tài và đưa tay chạm vào má ngoại, tôi thấy ngoại như mỉm cười và chào tôi lần cuối, trông ngoại thật bình an trong giây phút ấy. Kinh nghiệm này luôn ở mãi trong tâm trí tôi, nó làm cho hình bóng ngoại, những lời chia sẻ, cử chỉ yêu thương mà ngoại dành cho tôi luôn sống mãi trong tâm trí tôi. Điều này không chỉ giúp tôi nhận ra sự giới hạn của phận người, nhưng còn cảm nhận được một sự thiêng liêng nơi cuộc sống của con người ngay cả lúc chết.
Có thể nói, một cách nào đó, chính sự giới hạn đã nối kết con người lại với nhau và giúp nhận ra chúng ta cần đến nhau. Một lời thoại trong phim làm tôi suy nghĩ nhiều: “Món đồ cuối cùng chúng ta cần lại được mua bởi người khác – chiếc áo quan”. Có lẽ cuộc sống thật chớ trêu thay, suốt cuộc đời chúng ta bôn ba khắp mọi nơi, làm điều này điều nọ cho mình và cho cả người khác, nhưng khi nhắm mắt, chúng ta lại không tự mình lo những “hành trang” cần thiết cho chính chuyến đi sau cùng mình. Tuy vậy, điều đó lại làm cho con người ta cần đến nhau, dù sống hay chết. Nhất là trong lúc mà chúng ta không làm được điều gì khác ngoài nằm im bất động trước mặt mọi người.
Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, dù biết rằng có một ngày tôi sẽ phải giã từ cuộc sống này, nhưng đó cũng là dấu chỉ để tôi cố gắng hơn. Mỗi giây phút được sống là món quà quý báu nhất mà cuộc đời này mang lại cho tôi.
Hãy vượt qua những giới hạn, cho dù là cái chết, để đụng chạm và gởi đi thông điệp yêu thương cho những người thân và những ai sống quanh bạn.
Paul Khuê, S.J.