Chủ tịch Hội nghị người Do Thái Châu Mỹ La Tinh Claudio Epelman, bạn cũ của cựu Tổng Giám mục Bergoglio kể cho báo Aleteia một giai thoại vui với Đức Phanxicô.
Ngày 28 tháng 10-2015 vừa qua, Đức Phanxicô tiếp sáu giới chức Do Thái cao cấp nhất trước khi có buổi tiếp kiến liên tôn giáo. Buổi tiếp kiến liên tôn được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Công đồng Vatican II tuyên bố sắc lệnh Nostra Aetate (Thời buổi chúng ta).
Theo ông Claudio Epelman, người Argentina, trong buổi tiếp kiến riêng, Đức Phanxicô đã kể câu chuyện vui theo cách thẳng thắn của ngài, câu chuyện đùa minh họa mối giây lịch sử nối kết người Công giáo và người Do thái.
Đức Phanxicô nói bóng gió theo “kiểu kể chuyện của các giáo trưởng” để chuyển đạt lời giáo huấn. “Đó là câu chuyện của một linh mục bài Do Thái nặng. Trong thánh lễ chúa nhật, ông bắt đầu bài giảng với lời công kích người Do Thái nặng nề.
Bỗng nhiên nhà thờ rung chuyển, bài giảng bị ngưng… Chúa Giêsu bước xuống thập giá. Ngài quay về Đức Mẹ và nói: “Đi, mẹ. Những người này không muốn mình có mặt trong nhà thờ này”.
Đức Giáo hoàng cũng đã kể câu chuyện này vào tháng 9-2013 với các nhà chức trách của Hội nghị Do Thái thế giới (WJC) ở Vatican.
“Tôi nghĩ câu chuyện đơn sơ mà Đức Phanxicô kể này nói lên tầm mức sâu đậm như thế nào về nguồn gốc chung của hai cộng đoàn”, ông Epelman giải thích, ông cũng có mặt trong buổi gặp gỡ này. Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse đều là người Do Thái.
“Bây giờ, người Ba Tây thương người Argentina. Thật là một phép lạ!”
Một vài giờ sau buổi tiếp kiến với Đức Giáo hoàng, ông Ronald Lauder, chủ tịch Hội đồng Do Thái thế giới đã tuyên bố với báo chí, quan hệ giữa người Công giáo và Do thái chưa bao giờ được tốt như vậy từ 2000 năm nay.
Họ rất vui. Năm 2013, “các anh cả của Kitô giáo”, như Đức Gioan-Phaolô II thường hay gọi người Do Thái là như vậy, nói với Đức Phanxicô khi ngài đi tham dự Ngày Giới Trẻ ở Ba Tây về, rằng bây giờ ngài đã hoàn tựu được điều kỳ diệu: “Bây giờ, người Ba Tây thương người Argentina. Thật là một phép lạ!”
Giáo huấn của buổi tiếp kiến chưa từng có
Ông Claude Epelman kể lại các chi tiết tiêu biểu cho ý nghĩa của việc kỷ niệm ngày Đức Phaolô VI công bố sắc lệnh liên quan đến các quan hệ giữa người công giáo và các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
“Đức Phanxicô đã hoàn tựu một hành vi phi thường trong lịch sử các quan hệ giữa người Do Thái và Công giáo. Sự hiện diện của phái đoàn gồm 150 chức sắc Do Thái đến từ 60 nước trên thế giới là một điều rất quan trọng.”
“Chúng tôi cùng đồng hành với ngài, khi, nói với người công giáo, ngài đã nêu lên các tương quan mà những người có lòng tin phải duy trì với người Do Thái và những người ở các tôn giáo khác. Đó là một điểm rất mạnh trong các tương quan của chúng ta.”
“Đây là một trong những giây phút phi thường nhất mà tôi được tham dự trong nhiều năm làm việc giữa hai cộng đoàn”, ông Epelman nói thêm.
Sắc lệnh của Công đồng Vatican II đã thay đổi các quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Cộng đồng Do Thái như thế nào?
“Trong gần 2000 năm, quan hệ giữa người Công giáo và Do Thái thường bị đóng dấu, người Do Thái bị kỳ thị, bị bách hại, bị thẩm tra…”
“Rồi lịch sử bỗng nhiên ngừng, người ta để công tơ về zero lại. Một khả thể đối thoại tích cực, giải hòa, huynh đệ được mở ra và người ta khám phá một điều phi thường: các quan hệ giữa người Do Thái và Công giáo được kết hợp lại bởi vì họ có cùng chung một nguồn gốc. Và đó là điều Đức Phanxicô khẳng định khi ngài nói một người công giáo không thể nào là người bài Do Thái, bởi vì tất cả Kitô hữu đều có nguồn gốc Do Thái.”
Nhắc đến tình bạn cũ của Tổng Giám mục Bergoglio với cộng đoàn Do Thái ở Buenos Aires, ông Epelman nhấn mạnh: “Tôi biết ngài từ rất lâu. Tôi hiểu ngay lập tức, giây phút tha thiết nhất trong cuộc sống riêng của ngài là ngày Noel. Vì thế tôi bắt đầu đi theo ngài trong Thánh lễ Nửa đêm. Ngài mời chúng tôi ở một nơi rất đơn sơ, khiêm tốn như Thánh Phanxicô Axixi. Chúng tôi cùng chia sẻ với nhau buổi canh thức Noel. Cứ như thế qua rất nhiều năm mà chúng tôi xây dựng được mối quan hệ cá nhân”.
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 04.11.2015/
aleteia.org, Ary Waldir Ramos Díaz, 2015-11-03)