Một linh mục đang học ở nước ngoài gửi cho tôi cuốn sách mới của Đức giáo hoàng Phanxicô, tựa đề “Danh của Thiên Chúa là lòng thương xót” (The Name of God is Mercy, Nxb. Random House, New York, 2016). Cuốn sách này được hình thành từ những lần gặp gỡ và phỏng vấn của Andrea Tornielli với Đức giáo hoàng, trong đó ngài nhắc nhiều đến các cha giải tội đã ghi dấu ấn trong đời ngài, từ khi còn là một thanh niên trẻ đến khi làm giám mục.
Trước hết là cha Carlos Duarte Ibarra ở Corrientes nhưng đến Buenos Aires để trị bệnh. Đức Phanxicô đến xưng tội với vị linh mục này vào đúng dịp lễ Thánh Matthêu Tông đồ, ngày 21-9-1953. Năm đó ngài 17 tuổi. Một năm sau, vị linh mục thánh thiện này qua đời và Đức Phanxicô kể lại: “Sau đám tang, tôi về nhà và có cảm giác như mình bị bỏ rơi. Và đêm hôm đó, tôi khóc rất nhiều. Tại sao? Vì tôi mất đi một người đã giúp tôi cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, một người giúp tôi hiểu được thế nào là “thương xót và tuyển chọn” (miserando atque eligendo) mà sau này tôi chọn làm khẩu hiệu giám mục”.
Kế đến là cha Jose Ramon Aristi, một cha giải tội tuyệt vời ở Buenos Aires. Rất nhiều giáo dân cũng như linh mục tìm đến xưng tội với ngài. Vào thời điểm vị linh mục này qua đời, Đức Phanxicô là giám mục phụ tá của Tổng giáo phận Buenos Aires. Ngài đến viếng xác và khi thấy chuỗi Mân Côi trên tay vị linh mục thánh thiện, ngài đã lén gỡ cây thánh giá khỏi tràng hạt và thầm thĩ “Xin cha cho con được một nửa lòng thương xót của cha”. Kể từ ngày đó, ngài mang cây thánh giá này trên ngực, mỗi khi có ý nghĩ không tốt về người khác, ngài đưa tay sờ vào Thánh giá để biết tha thứ và thương xót.
Một cha giải tội nổi tiếng nữa là vị linh mục đến tâm sự với Đức Phanxicô khi ngài còn làm việc ở Buenos Aires: “Có rất nhiều người đến xưng tội với con…Con tha tội nhiều lắm và có đôi lúc con hồ nghi không biết có phải con đã tha thứ nhiều quá không!” Đức Phanxicô hỏi lại, khi cha hồ nghi như thế thì cha làm gì? Vị linh mục đó nói: “Con đến nhà nguyện, đến trước Nhà Tạm và thưa với Chúa: Xin Chúa tha thứ cho con nếu con tha tội cho người ta nhiều quá. Nhưng chính Chúa đã làm gương xấu cho con!” Một linh mục có thể nói với Chúa như vậy, quả là ngài đã hiểu được lòng thương xót của Chúa bao la thế nào.
Những hồi ức của Đức Thánh Cha Phanxicô làm nổi bật tầm quan trọng của các cha giải tội trong đời sống đức tin của người tín hữu. Người tín hữu được nghe rao giảng về lòng thương xót của Chúa, nhưng chính khi đến Tòa giải tội, qua lời nói và thái độ của cha giải tội, người ta mới cảm nhận được cụ thể lòng thương xót của Cha trên trời và quyết tâm sống đời sống mới.
Ước gì các linh mục cũng trở nên những cha giải tội mẫu mực mà Đức Phanxicô nhắc tới. Để được như thế, “linh mục cần phải nghĩ đến những tội lỗi của mình, biết lắng nghe với sự dịu dàng, cầu xin Chúa ban cho mình con tim biết thương xót như Chúa, và đừng vội vã ném đá người khác vì chính mình cũng là tội nhân cần được tha thứ. Linh mục phải cố gắng để nên giống Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Đó là những gì tôi muốn nói với các linh mục”.
Ngày 27-2-2016
Người Mỹ Tho