CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN, SỐ 46
THÁNG CÁC ĐẲNG
Ở Rôma, giữa hằng trăm ngôi thánh đường lớn nhỏ, có nhà thờ kính thánh Anrê và Grêgôriô với một nét đặc biệt. Trong nhà thờ có 3 tấm panô: tấm thứ nhất ghi lại lời Đức giáo hoàng Grêgôriô về việc dâng 30 Thánh lễ cầu nguyện cho các đẳng; tấm thứ hai tạc hình Đức Kitô chịu khổ nạn hiện ra với Đức giáo hoàng; tấm thứ ba ghi lại hình ảnh Đức giáo hoàng dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn.
Ngôi nhà thờ và những tấm panô này gắn với một sự kiện lịch sử. Đức Grêgôriô là vị giáo hoàng có thể tạng không mạnh khỏe lắm, vì thế có một tu sĩ cũng là bác sĩ túc trực bên cạnh chăm sóc cho ngài. Khi tu sĩ này bất ngờ lâm trọng bệnh và qua đời, người ta phát hiện ông giấu trong người 3 đồng vàng. Như thế là ông vi phạm lời khấn khó nghèo và qua đời trong tình trạng không đẹp lòng Chúa.
Đức giáo hoàng Grêgôriô đã dâng 30 Thánh lễ cầu nguyện cho tu sĩ này. Con số 30 bắt nguồn từ truyền thống Cựu Ước than khóc người chết trong 30 ngày. Sau khi dâng 30 Thánh lễ, người thân của vị tu sĩ mơ thấy ông hiện về, báo tin đã được giải thoát. Họ vui mừng đến báo cho Đức giáo hoàng nhưng ngài đã biết rồi. Tin này được loan ra bên ngoài rất nhanh và hình thành tập quán dâng 30 lễ cho người quá cố. Đây là một minh họa cho khẳng định chính thức của Hội Thánh: “Ngay từ những thời đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và dâng lễ cầu nguyện cho họ, nhất là Hy Lễ Thánh Thể, để một khi đã được thanh luyện, họ có thể được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa” (Sách GLHTCG, số 1032).
Việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời hàm chứa những bài học quan trọng cho đời sống đức tin. Trước hết là ý thức về sự chết và chân trời vĩnh cửu sau cái chết: “Ngay sau khi chết, mỗi người sẽ lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình sự trả công muôn đời trong một cuộc phán xét riêng. Cuộc phán xét đó quy chiếu đời sống họ với Đức Kitô, để hoặc họ phải trải qua việc thanh luyện, hoặc họ lập tức được vào hưởng vinh phúc trên trời, hoặc họ lập tức bị phạt muôn đời” (số 1021). Vì thế, khi nhắc chúng ta nhớ đến những người đã chết, tháng Các Đẳng cũng thúc đẩy chúng ta sống cuộc sống hiện tại cách tốt lành, để được hưởng sự sống hạnh phúc bên Thiên Chúa sau khi chết.
Ngoài ra, việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời còn làm sáng lên mầu nhiệm hiệp thông các thánh: “Dù đã được sống muôn đời với Đức Kitô hoặc còn đang trong thời gian thanh luyện, hoặc còn đang sống nơi trần thế, tất cả các Kitô hữu đều hiệp thông với nhau, sự hiệp thông không hề bị gián đoạn mà trái lại, còn được tăng cường bằng việc thông chuyển cho nhau những phúc lợi thiêng liêng” (số 959). Vì thế, thánh Gioan Kim Khẩu kêu gọi: “Nếu hy lễ của ông Gióp đã đền được tội cho các con ông, tại sao bạn lại hồ nghi là liệu những hy lễ của chúng ta dâng lên để cầu nguyện cho người quá cố có đem đến cho họ một an ủi nào không? Chúng ta đừng ngần ngại giúp đỡ những người đã qua đời và dâng lời cầu nguyện cho họ”.
Bạn mong các đẳng phù hộ cho bạn, còn bạn có nhớ đến họ và dâng những hi sinh, việc bác ái, Thánh lễ, để cầu nguyện cho họ không? Và khi đến lượt bạn giã từ trần thế, bạn có mong những người còn sống nhớ đến và cầu nguyện cho bạn không?
Ngày 31.10.2015
Người Mỹ Tho