Trong các Chúa Nhật Mùa Chay, dù thay đổi theo từng năm A,B,C, nhưng các bài Kinh Thánh của Chúa nhật I và II Mùa Chay luôn tập trung vào hai chủ đề là Cám dỗ và Biến hình. Cách sắp xếp này của Phụng vụ làm nổi bật ý nghĩa và nội dung của Mùa Chay.
Nhìn từ bên ngoài, Mùa Chay mang sắc thái buồn thảm, từ màu tím của áo lễ đến những bài thánh ca sám hối. Thế nhưng mục đích chính của Mùa Chay không phải là nỗi buồn mà là niềm vui, niềm vui biến hình, niềm vui được trở nên con người mới trong Đức Kitô. Thế nên đích điểm của Mùa Chay là lễ Phục Sinh, sự chiến thắng tối hậu của Thiên Chúa trên sự chết. Cũng vì thế, đây là ngày Hội Thánh cử hành bí tích Rửa tội cho các dự tòng, cũng là dịp làm mới lại đức tin Kitô giáo nơi những người đã chịu Phép Rửa.
Tuy nhiên, để vươn tới đích điểm cao đẹp và niềm vui trọn vẹn đó, Kitô hữu phải chấp nhận một hành trình gian khổ, phải can đảm đối diện và vượt qua những cám dỗ, phải can đảm bước vào cuộc khổ nạn với Chúa Giêsu. Đó là lý do Hội Thánh gọi Mùa Chay là mùa chiến đấu thiêng liêng, và không thể là Kitô hữu đúng nghĩa nếu không chấp nhận bước vào cuộc chiến đấu này.
Có hai sự kiện đáng lưu ý trong những ngày qua. Ngày 14.02, Giáo Hội Công giáo vui mừng có thêm 20 vị hồng y thuộc mọi châu lục, trong đó có Đức tân hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn của Việt Nam. Thế rồi ngay sau đó, Giáo Hội toàn cầu đau đớn nghe tin 21 Kitô hữu Ai Cập (Coptic) bị quân IS (Nhà nước Hồi giáo) hành quyết.
Giữa hai sự kiện, hầu như không có gì giống nhau. Một bên là mừng vui tràn ngập, một bên là đau khổ ngập tràn. Một bên là vinh quang danh giá, một bên là tủi nhục hẩm hiu. Có gì để mà so sánh? Dù vậy, vẫn có một điều giống nhau, đó là màu đỏ. Dù là màu đỏ của phẩm phục hồng y hay là màu đỏ của máu, thì vẫn là màu đỏ. Và nói cho đúng hơn, phẩm phục hồng y chính là màu đỏ của máu vì hồng y được kêu gọi để làm “chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai” (1Pet 5,1).
Đó chính là màu đỏ của Thứ Sáu Tuần Thánh và là ngưỡng cửa phải đi qua để có thể hát mừng Phục Sinh. Xin cho mỗi Kitô hữu cũng có can đảm bước vào cuộc chiến đấu thiêng liêng, và như thánh Inhaxiô diễn tả, dám “chiến đấu không sợ thương tích”, để có thể hát mừng Phục Sinh từ đáy tâm hồn và bằng chính cuộc sống của mình.
Ngày 23.02.2015
Người Mỹ Tho