Thày Richard (còn gọi là Richie) Fernando thuộc Dòng Tên đã đến Cam-bốt vào năm 1995 trong một tu hội Dòng Tên để phục vụ những người bị khuyết tật do bệnh tật, bom mìn hay những tai nạn khác.
Theo các tu sĩ dòng tại Hội Nghị Châu Á Thái Bình Dương, thày Richie mau chóng được sự tin tưởng quý mến của các học sinh khi thày học tiếng địa phương và dành thời gian lắng nghe những câu chuyện thương tâm.
Một trong các học sinh của thày là một trẻ mồ côi tên là Sarom đã bị bắt đi lính vào năm 16 tuổi và bị tàn phế bởi bom mìn. Ngay cả nhiều người cho rằng thái độ của Sarom gây rắc rối thì thày Richie trong một lá thư gởi cho các bạn của mình vẫn xác định rằng Sarom luôn có chỗ đứng trong trái tim mình.
Vào ngày 17 tháng Mười, 1996, Sarom đến trường học của nhà dòng gặp ban giám hiệu để xin được tiếp tục đi học sau khi em đã hoàn tất chương trình, và lời yêu cầu của em bị từ chối vì ban giám hiệu cho rằng Sarom là người đã gây nhiều rắc rối trong trường.
Tức giận vì bị từ chối, Sarom liền lấy ra một trái lựu đạn để sẵn trong túi xách và tiến đến một lớp học đang có rất nhiều học sinh. Cửa sổ của lớp học đóng kín và học sinh không có lối thoát.
Thày Richie nhanh chân bước đến phía sau Sarom và cố nắm lấy trái lựu đạn mà Sarom toan ném vào lớp học.
Sarom giằng co, “Hãy để kệ em, em không muốn giết thày đâu”. Thế rồi trái lựu đạn bất ngờ rớt xuống phía sau Sarom và thày Richie và nổ tung, giết chết vị tu sĩ dòng Tên, đang nằm đè lên mình Sarom để cứu em và mọi người trong lớp khỏi phải chết.
Totet Banaynal là một tu sĩ dòng Tên nói rằng bốn ngày trước khi chết, Richie đã viết một lá thư cho các bạn và các tu sĩ cùng dòng như sau “Tôi biết trái tim tôi hiện đang ở đâu. Tim tôi đang ở cùng Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã dành tất cả cho người nghèo, người bệnh, trẻ mồ côi… Tôi vững tin rằng Thiên Chúa không bao giờ quên dân của ngài là những anh chị em khuyết tật của chúng ta. Và tôi rất vui mừng vì Thiên Chúa đã dùng tôi để bảo đảm với anh chị em của chúng ta là Thiên Chúa yêu thương anh chị em. Tôi tin tưởng rằng đây chính là ơn gọi của tôi.”
Trong nhật ký tĩnh tâm của mình, thày Richie đã viết rằng “Tôi ước rằng khi tôi chết đi, người ta sẽ không nhớ là tôi giỏi giang, mạnh mẽ và tài năng như thế nào, nhưng nhớ đến những việc tôi phục vụ, những lời tôi nói về sự thật, tôi làm chứng cho những điều phải, tôi chân thành trong mọi công việc và hành động, nói một cách khác, tôi đã yêu và bước theo chân Chúa Giêsu.”
Vào năm 1997, cha mẹ của thày Richie đã viết thư cho Ông Hoàng Norodom Sihanouk của Cam-bốt, xin tha thứ cho Sarom. Một lần nữa, Sarom nói anh ta không muốn giết thày Richie và anh ta coi thày như một người bạn.
Phi Luật Tân là một nước đa số theo đạo Công Giáo, nhưng cho đến nay mới chỉ có hai vị tử đạo vào thế kỷ 17 được phong thánh, đó là Thánh Lerenzo Ruiz, tử đạo ở Nagasaki và Thánh Pedro Calungsod, tử đạo ở Guam.
Tuy nhiên rất nhiều hồ sơ phong thánh đã được mở ra trong những năm gần đây.
Ngày 31 tháng Bẩy là ngày lễ kính Thánh I-Nhã, vị sáng lập Dòng Tên, cha Moreno nói rằng thày Richie là một trong số các tu sĩ dòng Tên noi gương Thánh I-Nhã “tự hiến đời mình bằng việc hy sinh phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.”
Trong bản ghi nhớ của Tỉnh Dòng Tên của Phi-Luật Tân, cha Moreno ghi rằng “nhiều biểu lộ khác nhau về lòng tôn kính đối với Richie đang nở rộ và vẫn tiếp tục, không những chỉ ở Phi Luật Tân và Cam-Bốt mà còn ở nhiều nơi khác nữa.”
Một trang mạng xã hội Facebook đã vinh danh ngài được đặt tên là “Các bạn của thày Richie R. Fernando, dòng Tên.”
Bước kế tiếp trong tiến trình phong thánh của thày Richie là tìm hiểu về cuộc đời đạo hạnh của thày qua các bài viết, cuộc nói chuyện, và phỏng vấn những người đã từng biết thày và những sự việc liên quan khác.
Cha Moreno nói rằng, “Chúng ta cùng cầu nguyện, xin Chúa giúp cho tiến trình phong thánh và nếu ngài muốn, việc ấy sẽ đem lại phần ơn ích cho mọi người.”
Giuse Thẩm Nguyễn
Nguồn tin: Vietcatholic