Đã hơn một năm, vậy mà cái điều anh chị em chúng con sợ nhất vẫn ám ảnh: khi bị một cơn tai biến trong lúc ngủ, mẹ đã vĩnh viễn ra đi sau vài ngày mê man.
Biết là lẽ thường của cuộc đời, của vòng quay sinh – lão – bệnh – tử mà không ai thoát khỏi, nhưng những đứa con trong nhà – đứa bé nhất cũng đã tròn 50 tuổi, cũng làm cha mẹ và sắp làm ông bà cả rồi – vẫn cứ như một bầy gà con lạc mẹ trong mưa: hoảng loạn và nháo nhác.
Có lẽ từ bao lâu nay, mọi việc lớn, nhỏ trong nhà đều quen có mẹ – một bà cụ già 90 tuổi mà minh mẫn, sáng suốt lạ thường.
Mẹ vẫn giữ tiền chợ chi tiêu cho gia đình đến ngày sau cuối của cuộc đời, vẫn luôn tự hào nói đùa: “không có mẹ giữ tiền cho các con, thì tiêu pha như… phá vậy là sẽ nợ đìa”.
Không chỉ có trí sáng láng, Trời Phật thương, mẹ lại còn ăn nói rất có duyên, luôn quan tâm đến mọi người nên ai cũng quý mến.
Vài năm trước, khi còn ra chợ được, mẹ còn tự gầy dựng cho mình một “hãng thông tấn vỉa hè” nơi hàng sữa đậu nành.
Xong buổi chợ, bao giờ mẹ cũng ghé hàng sữa quen, uống ly sữa, chờ các bác hàng xóm đi chợ ra để về cùng.
Những bà cụ già ngày nào cũng gặp mà ngày nào cũng có đủ thứ đề tài để “tám” từ “trên trời” đến “dưới đất”.
Nguồn thông tin chính vẫn là từ mẹ, người đọc tới năm loại báo tờ một ngày và theo dõi khít khao các chương trình thời sự từ VTV đến HTV.
Mẹ sống lành mạnh, lạc quan nên ít khi bệnh vặt.
Những bệnh mãn tính của người già như huyết áp, tiểu đường, tim mạch khi kéo đến thì mẹ cũng biết cách “chung sống hòa bình” với chúng bằng việc tuân thủ thuốc men nghiêm ngặt, đúng chỉ định giờ giấc của bác sĩ…
Nỗi đau quá lớn và đột ngột ập đến, giờ đây, đã hơn một năm xa mẹ, cả nhà vẫn không thể nào quen với một thực tại “gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi”.
Không quen và hơn thế nữa, khi mùa Vu lan về, lên chùa nghe thầy thuyết pháp về đạo hiếu, lòng con cái lại càng thấy thấm thía, ngậm ngùi.
Gia đình Á Đông chúng ta thường nghĩ “nước mắt chảy xuôi”, con cái chỉ vô tư tận hưởng sự lo lắng, bảo bọc, thương yêu từ cha mẹ mà ít khi nghĩ đến bổn phận đền đáp.
Những lời yêu thương giữa con cái với cha mẹ lại hay ngần ngại, ít được tỏ bày, thể hiện. Để rồi, khi đấng sinh thành khuất bóng, việc làm ấy, bổn phận ấy, những lời nên nói mà không nói kịp ấy đã trở thành nỗi ân hận muộn màng.
Vu lan này, được thầy cài cho những đóa hồng trắng trên ngực áo.
Hoa thì đẹp, cớ sao lòng hoảng sợ – một nhà thơ đã thảng thốt nói như thế – không hoảng sợ, nhưng nỗi xót xa cứ phải nhủ với lòng rằng: đóa hồng trắng hôm nay, nhưng mãi mãi sẽ là những đóa hoa hồng đỏ thắm.
Đóa hoa đó chính là cái gốc nhà làm người lương thiện, tử tế, mà ông bà, bố mẹ đã để lại cho con cháu như một vun bồi.
Vu lan từ bây giờ không chỉ là mùa báo hiếu, mùa nhắc nhở những sám hối cho đạo làm con, mà còn là mùa nhắc chúng con sống trọn đạo làm người.