Lạy Cha, con đã trằn trọc bao nhiêu năm qua kể từ ngày con nên bạn với anh, để đến hôm nay con mới có đủ dũng khí viết ra những dòng chữ này gửi đến Cha.
ảnh minh họa
Lạy Cha kính mến, thật khó biết bao khi trở nên bạn – người bạn kề vai sát cánh với anh ấy trong nhiều năm qua. Những ánh nhìn từ bên ngoài luôn cho rằng chúng con sống an yên bên nhau, nhưng nào biết mâu thuẫn vẫn luôn sẵn sàng khiến chúng con dằn vặt nhau một cách dễ dàng, thật sự không yên bề như những gì người ngoài vẫn nghĩ. Ngày trước, lúc được Cha dẫn lối yêu thương đến với anh, con cũng tự hào với bản thân mình rằng cuộc sống tới đây sẽ không ai có thể sánh bằng con, bởi con được ở cùng một người bạn vô cùng đạo đức, thánh thiện, rồi chúng con sẽ không rời nhau bất cứ lúc nào trên chặng đường sắp tới. Con tự thề hứa với Cha, tự mạnh mẽ khẳng định rằng tình cảm gắn bó này sẽ vàng son, sắt đá, cao hơn cả ơn nghĩa phụ mẫu, đậm hơn cả tình nghĩa vợ chồng và ấm nồng hơn cả đạo nghĩa anh em. Ấy vậy mà lại không đơn giản như thế!
Thưa Cha, con đến với anh khi mái đầu vẫn xanh và con tim đầy nhiệt huyết, nhiệt huyết của lứa tuổi mà gian trần này gọi là thanh niên. Anh ấy trẻ, và anh ấy đầy hăng say, anh ấy yêu Cha qua từng lời kinh, từng phím thánh nhạc, yêu một tình yêu như thể không có thứ tình yêu nào trên thế gian này có đủ sức đo lường. Con đã hạnh phúc vì điều ấy, bởi vì anh ấy yêu Cha đến đâu thì trân quý con đến đấy. Vẫn còn nhớ rất rõ ngày anh được khoác lấy con lên người, giọt nước mắt lăn dài trên má, rồi chảy thành dòng, đọng lại trước ngực con một vệt nước – một vệt nước của sự tái sinh Cha ạ! Rồi biết bao lần con được nghe anh ấy cất giọng hát trầm ấm của mình mà tâm tình tha thiết “Cho con sinh ra trong ngàn người rồi Cha khẽ gọi con đi…”, đây phải chăng là giọt nước mắt âm thầm cho tiếng gọi khẽ khàng đầy yêu thương. Khi ta không biết nói gì mà chỉ bật khóc phải chăng đó là tột cùng của xúc cảm, khóc như ngày đầu tiên ta được Cha mang đến cuộc sống này, những giọt nước mắt không nên lời, những giọt nước mắt để biết rằng ta bắt đầu sống và thật vẫn đang sống, những giọt nước mắt hạnh phúc, hạnh phúc như một đứa trẻ, hạnh phúc của khởi đầu vẹn nguyên và tinh tuyền. Thưa Cha, nếu nói con muốn khóc vang thì quá ủy mỵ so với sự can trường Cha tạo nên nơi con, còn nếu nói con chỉ thấy đôi chút xao động trước giọt nước mắt ấy thì lại quá chai sạn đối với tâm hồn nhạy cảm mà Cha chưa bao giờ quên ban cho con. Con là một chiếc áo dòng chỉ biết dùng từ “nghẹn ngào” để diễn tả chính mình khi ấy, tạ ơn Cha vì mọi sự, tạ ơn Cha tạo ra ngày hạnh phúc đó để con biết được anh ấy đón nhận con một cách đầy trân trọng và yêu thương, như chính tình yêu mà Cha đã ưu ái đặt lên anh.
Rồi những tháng ngày trôi, hạnh phúc mà con tự huyễn hoặc đã khiến con giật mình đau đớn, chính anh ấy treo con thật sâu vào tủ, sát vách tủ – nơi mà con chưa từng thấy nơi đâu ngột ngạt và đen tối cho bằng. Những con người đau khổ trần gian thường tự nhận họ bị nhốt vào địa ngục gian trần, nếu dùng ngôn ngữ của người gian trần thì thật sự phía góc tủ tối tăm ấy chính là địa ngục của con, anh ấy đã đẩy con vào hố sâu vì sự yếu đuối. Cha ơi, Cha biết cho chăng sự yếu đuối nơi con người thật đáng sợ, đau bệnh là yếu đuối, quyết định sai lầm là yếu đuối, tình yêu nam nữ cũng chính là một yếu đuối không từ ai… Từ những người anh em kề bên, anh ấy thấy được hết mọi hỉ, nộ, ái, ố của một con người. Một số đau yếu không thể kiên trì chịu đựng, một số khác đến với ơn gọi chỉ vì nghĩ nhà Cha là một trường đào tạo ra “nghề Linh Mục” mà không bao giờ họ sợ thất nghiệp và lẽ dĩ nhiên nếu có một nghề nào ngoài đời có vẻ hào nhoáng và hấp dẫn lương bổng thì “nghề Linh mục” cũng chẳng có cơ may so bì, và, một số khác nữa…”Em ơi, cố gắng đợi anh!”…Từng người anh em rồi cũng bỏ anh đi, từng người một ra đi biết còn vấn vương gì…Có lẽ những giây phút yếu đuối ấy đã thật sự đẩy anh đến tận cùng của sự yếu đuối, con nhận ra điều đó, vì chưa bao giờ anh ấy cởi con ra một cách mệt mỏi và u buồn đến vậy, không ít lần phân vân giữa ở lại và ra đi làm anh ấy nặng trĩu lòng đau khổ. Đã biết bao lần con chứng kiến những người bạn của mình cũng bị treo nơi góc tủ âm u rồi sau đó khóc nức nở khi bạn đồng hành gấp ra đi không buồn ngoảnh đầu lại, hoặc vài bạn thì nằm đấy sụt sùi mà chẳng biết đến bao giờ bạn đồng hành mới cần đến mình nữa. Vậy liệu, con sẽ gào khóc vì sự thờ ơ hay thút thít cố giấu đi nỗi buồn trong cam chịu? Lạy Cha, anh ấy đã thật sự yếu đuối, không phải bản thân đau bệnh, không phải tiền tài làm tăng lòng phàm, cũng chẳng có ai chờ đợi vì lời thề hứa mà chính là người mẹ đau yếu sắp không còn gặp mặt con trai bao lâu nữa.
Thưa Cha, ơn Cha quá cao, nghĩa mẹ quá nặng, và tình con quá đậm sâu, Cha là Đấng anh ấy tôn thờ, mẹ là người anh ấy kính yêu và con là điều mà anh ấy thề rằng không bao giờ từ bỏ, liệu trong giây phút ấy, có phải quá đau lòng để đưa ra quyết định không thưa Cha? Rồi ngày ấy, anh cũng trở về bên mẹ, người phụ nữ già yếu đã nuôi nấng anh trong lam lũ và tảo tần suốt hai mươi mấy năm qua, anh về cạnh bà, hôn lên má bà, một nụ hôn thật sâu lắng trong dòng nước mắt ấm nồng, hệt như nụ hôn lần đầu anh ấy đặt lên người con, cũng là sâu lắng và dòng nước mắt. Hai nụ hôn ở hai trường hợp khác nhau, hai thời điểm khác nhau, nhưng có lẽ chính anh là người hiểu rõ hơn ai hết vì chúng thật sự giống nhau, giống ở cách anh dùng chúng như một sự biết ơn và cảm tạ của mình dành cho những người đã ra đi vì tình yêu. Lạy Cha chí thánh, anh ấy hôn con vì tình yêu dành cho Cha – Đấng đã chịu chết vì yêu thương con cái mình, và với mẹ anh, anh ấy hôn người vì tình yêu dành cho người phụ nữ hy sinh cả đời vì con cái mình cho đến giây phút cuối. Có người bảo rằng, Linh mục là những người dành cả đời để tranh đấu, có lẽ con đã dần hiểu hơn rồi, thưa Cha. Không ai phải đối diện với sự yếu đuối nhiều cho bằng người đi theo ơn gọi. Anh ấy đã đưa con vào góc tối nhưng vượt qua u tối đó, con mới thật sự thấy ánh sáng mới thật lạ và thật đẹp, bởi con luôn tin rằng anh ấy vẫn khao khát được cùng con sống với Cha, vượt trên hết mọi khao khát và yếu đuối gian trần.
Lạy Cha, xin hãy luôn thắp sáng lên niềm tin yêu trong chúng con để chúng con biết được rằng đời tận hiến là luôn an vui trong niềm phó thác và lòng trông cậy.
-Tú An-Long Xuyên