Cần gì Chúa phải chết thay

Có một số người phê phán: “Chúa Cha là người Cha tàn ác vì đã bắt người Con Một của mình phải chết đau thương trên thập giá.”

 

Cần gì Chúa phải chết thay  

Một số ki-tô hữu khác cũng tự hỏi: “Tại sao Chúa Giê-su phải chịu chết bằng một cực hình hết sức khủng khiếp trên thập giá? Nếu Thiên Chúa muốn tha thứ tội lỗi cho loài người thì Người cứ việc tuyên bố một lời là xong, cần chi phải nhọc công chết thay để đền tội loài người cách đau thương đến thế? Thiên Chúa toàn năng thì làm gì mà chẳng được! Có nhất thiết Ngôi Hai Thiên Chúa phải chịu khổ nạn hết sức đau thương mới có thể tha tội và cứu sống loài người được chăng?

 

***

 

Thiên Chúa điều hành mọi vận hành trong vũ trụ bằng quy luật, y như ta điều hành mọi hoạt động của máy vi tính bằng một hệ điều hành. Mọi sự trong hoàn vũ đều phải vận hành theo những quy luật bất di bất dịch mà Thiên Chúa đã “cài đặt” cho chúng. Một trong những quy luật đó là: tội lỗi gây ra sự chết. Ai có tội thì người đó phải chết.

 

Quy luật nầy đã được tiên tri Ê-dê-ki-ên công bố từ ngàn xưa: “Ai phạm tội, người ấy phải chết” (Ê-dê-ki-ên 18,20)

 

Quy luật nầy lại được thánh Phao-lô lặp lại trong thư Rôma: “Chỉ vì một người mà tội lỗi đã đột nhập trần gian và tội lỗi gây nên cái chết” (Rm 5, 12),

 

“Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta là cái chết” (Rm 6, 23) và thư Galát: “Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát” (Galat 6,7)

 

Quy luật nầy cũng được thánh Giacôbê nhắc lại: “dục vọng sinh ra tội lỗi; còn khi đã phạm tội thì sinh ra cái chết” (Gia-cô-bê 1, 15)

 

Tiếc thay, mọi người trên cõi đời nầy, từ tổ tông loài người là Ađam-Evà cho đến hết thảy con cháu sau nầy đều sa ngã phạm tội và chiếu theo luật thì đều phải chết.

 

Vốn là Đấng rất nhân lành và giàu lòng yêu thương, Thiên Chúa không thể chịu nổi khi loài người là con chí ái của Người đều lần lượt kẻ trước người sau sa vào cõi trầm luân không lối thoát!

 

Nhưng nếu con người phạm tội mà Thiên Chúa vẫn cứ tha bổng cho họ, để họ khỏi chết, thì như thế, Thiên Chúa lại phá bỏ quy luật mà Người đã ban hành.

 

Vậy làm sao cứu con người đã phạm tội thoát chết, mà vẫn tôn trọng quy luật đã ban hành? Chỉ có cách là phải có người chết thay cho họ mà thôi.

 

Biện pháp chết thay:

 

Để thực hiện kế hoạch nầy, Ngôi Hai Thiên Chúa tình nguyện xuống thế làm người, trở thành “Anh Cả của mọi người”, trở thành vị Đại Diện xứng đáng nhất cho loài người. Người trở nên “Chiên Thiên Chúa đến gánh tội trần gian”(Ga 1,29), mang lấy tội lỗi nhân loại nơi thân mình Người. Những ai tin vào Chúa Ki-tô thì Người sẽ gánh lấy tội lỗi cho họ.

 

Thế là Đức Giê-su Ki-tô là “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Co 5, 21)

 

Và một khi Chúa Ki-tô gánh lấy tội lỗi vô vàn của chúng ta, Người trở thành con người mang đầy tội lỗi, nên Người phải chịu những cực hình hết sức đau thương cho cân xứng với tội lỗi lớn lao mà Người đã mang vào thân.

 

Và thế rồi, quy luật “ai có tội thì phải chết” cũng phải được thể hiện nơi Chúa Giê-su. Người phải bị hành hình và xử tử vì tội lỗi chúng ta:

 

“Tội lỗi của chúng ta,

Chính Người đã mang vào thân thể

Mà đưa lên cây thập giá

Để một khi đã chết đối với tội,

Chúng ta sống cuộc đời công chính.

Vì Người phải mang những vết thương

Mà anh em đã được chữa lành.” (1 Pr 2,21-24)

 

Thế là vì quá yêu thương loài người, Chúa Cha đã để cho Con Một Người mang lấy tội lỗi của họ, chịu đòn vọt, chịu khổ nạn vì họ, để nhờ đó, muôn người được cứu sống.

 

***

 

Lạy Thiên Chúa Ngôi Hai ngàn trùng cao cả,

 

Chúa đã lấy Đời Chúa để đổi lấy cuộc đời chúng con. Chúa đã hy sinh Mạng Sống Chúa để cứu lấy mạng sống hèn hạ của chúng con.

 

Xin cho chúng con biết dâng hiến mạng sống mỏng giòn của mình để đáp đền Mạng Sống cao siêu của Chúa; xin cho chúng con biết lấy tình thương nhỏ bé của mình để đáp trả Tình Thương vô bờ Chúa dành cho chúng con.

 

Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà