Lòng thương xót Chúa (Phần 5)
1. Thánh Faustina (1905-1938)
“Tôi nhận thấy sứ mạng của tôi không dừng lại khi tôi chết” (Lời của chị)
Hélène Kowalska – Thánh Faustina – sinh tại Ba Lan ngày 25 tháng 8 năm 1905, trong làng Glogowiec. Là người con thứ ba trong gia đình đông con và nghèo, chị phải bỏ học để làm việc giúp đỡ gia đình. Lúc lên 20 tuổi, chị vào nhà các sơ Đức Mẹ lòng thương xót ở Varsovie và nhận y phục cùng với tên gọi sơ Maria Faustina của Bí Tích Thánh Thể.
Trong 16 năm đời tận hiến, chị nhận trách nhiệm khiêm tốn: làm bếp, làm vườn và giữ cửa các nhà khác nhau của hội dòng (Varsovie, Plock, Vilnius, Cracovie). Bên ngoài rất giản dị, đời của chị ẩn dấu sự kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa, vì tình yêu với Thiên Chúa mà chị ao ước trở nên thánh từ thời ấu thơ. Chị chia sẻ với Ngài mọi niềm vui và nỗi khổ của mình. Nhất là chị kết hiệp những đau khổ của mình với cuộc Khổ nạn của Đức Kitô để ăn năn đền tội cho các tội nhân. Cuộc đời nữ tu của chị, ngập tràn những đau khổ thể lý và tinh thần (lao động cực nhọc, bệnh tật, chế giễu, chỉ trích…), tất cả đều được ghi dấu bởi những ân huệ thần bí phi thường.
Chúa Giêsu đã trao phó cho thánh nữ sứ mệnh cao cả: nhắc lại cho thế giới Tình thương xót: “Hỡi con, hãy nói rằng Ta là Tình yêu và lòng thương xót trong bản tính con người”. Nhân loại sẽ không có bình an nếu họ không tin tưởng kêu cầu đến lòng thương xót Chúa”. Qua trung gian của thánh nữ, Thiên Chúa muốn nhắc lại cho thế giới rằng Ngài đầy lòng thương xót và tha thứ mọi tội, khi họ kêu xin tha thứ.
Theo yêu cầu của cha linh hướng, là chân phước linh mục Michel Sopocko, thánh nữ đã viết cuốn gọi là Tiểu Báo (tờ báo nhỏ). Trong tác phẩm này, chị mô tả những kinh nghiệm thần bí và xác định những mệnh lệch mà Thiên Chúa muốn.
Thân thể bị tàn phá vì chứng lao phổi và đâu đớn, sơ Faustina qua đời với sự tỏa hương thánh thiện ngày 5 tháng 10 năm 1938 tại Cracovie, hưởng thế 33 tuổi. Ngày 18 tháng 4 năm 1993, Chúa Nhật đầu tiên sau Phục sinh, Đức Gioan Phaolô II tuyên phong chân phước cho chị. 7 năm sau, ngày 30 tháng 4 năm 2000, cũng vào Chúa Nhật sau Phục sinh, chân phước Giáo hoàng phong hiển thánh cho chị và đặt Chúa Nhật này là Lễ Kính lòng thương xót Chúa.
Tu đức của thánh nữ là nền tảng mầu nhiệm cao đẹp nhất cho đức tin của chúng ta: tình thương xót của Thiên Chúa cho mỗi người. Lời giảng dạy của chị được coi là đặc biệt quan trọng cho thiên niên kỷ thứ ba; chị được biết đến trên toàn thế giới nhờ Tiểu Báo của mình.
2. Chân phước Michel Sopocko (1888-1975)
“Đây là sự trợ giúp cho con trên trần gian. Ngài sẽ giúp con hoàn tất ý của Ta trên trần gian” (Tiểu Báo, 53).
Là tiến sĩ thần học. Cha giải tội và linh hướng của thánh Faustina.
Sinh ngày 1.11.1888 tại Jurewszczyzna (Lituanie), ngài lãnh chức linh mục năm 1914. Năm 1933, ngài gặp thánh Faustina, chị báo cho ngài biết những mệnh lệnh của Chúa. Lúc đầu hoài nghi, ngài yêu cầu chị nhờ một nhà tâm thần học kiểm tra và đề nghị ý kiến của các bề trên. Ngài tra cứu các Giáo Phụ. Chẳng bao lâu, ngài tin vào nguồn gốc thiên tính của các mạc khải của chị, ngài dâng trọn hồn xác cho việc truyền bá sứ điệp lòng thương xót Chúa.
Nhờ có những cố gắng của người linh mục, tấm bảng ghi những mệnh lệnh của Chúa Giêsu được thực hiện và chuỗi kinh dâng lòng thương xót Chúa được truyền bá. Cha Sopocko cũng phải tranh đấu để thiết lập ngày Lễ Kính lòng thương xót Chúa và thiết lập Dòng các nữ tu của Chúa Giêsu lòng thương xót. Để truyền bá sứ điệp lòng thương xót Chúa, ngài trải qua nhiều thử thách và đau khổ đến hết đời.
Chúa cho thánh Faustina biết rằng Cha Michel Sopocko là linh mục theo Trái tim của Chúa. Những cố gắng của cha làm cho Chúa vui lòng: “Qua ngài mà Ta hài lòng vì biết lòng tôn kính đối với lòng thương xót của Ta” (TB, 1256). Những thử thách mà ngài gặp phải khi truyền bá sứ điệp lòng thương xót Chúa phải chứng tỏ rằng công việc này là của Thiên Chúa. Vì vậy, linh mục không nên sợ: Thiên Chúa đánh thức họ đêm ngày. “Cũng sẽ có nhiều hoa trên triều thiên như những linh hồn được lòng thương xót Ta cứu vớt”. Ta không ban thưởng thành công của việc làm, mà ban đau khổ” (B TB, 90).
Cha Michel Sopocko qua đời ngày 15.2.1975, ngày lễ thánh Claude La Colombière, linh hướng của thánh nữ Marguerite-Marie, sứ giả của Thánh Tâm Chúa, và ngày lễ thánh Faustin, bổn mạng của thánh nữ Faustina. Ngài được Đức Bênêđíctô XVI phong chân phước ngày 28.9.2008.
“Tin mừng không cốt ở việc loan báo rằng các tội nhân phải trở nên tốt lành, nhưng là Thiên Chúa tốt lành đối với các tội nhân” (Chân phước Michel Sopocko).
Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thỏa
(Còn nữa)