Liên quan đến tệ nạn buôn người, hôm 19.07, nhật báo Người đưa tin chiều của Italia đã cho đăng một phóng sự theo đó, các dịch vụ đưa người vào Italia đem lại ngân khoản lợi nhuận khổng lồ 400 triệu euro mỗi năm cho các tổ chức tội phạm. Đây là một tính toán tạm thời và ở dưới mức lợi thực sự.
Tính toán này dựa trên những gì các giới điều tra thu thập được trong lãnh vực giá cả phải trả cho chuyến đi và qua những tường thuật của người di dân về những vụ bắt cóc đòi tiền chuộc, những vụ tra tấn bạo hành vv…
Một trong các cơ quan điều tra độc lập được Liên Hiệp châu Âu và quỹ Xã hội rộng mở hỗ trợ là tổ chức Các bác sĩ phục vụ quyền con người, cho biết giá cả của chuyến đi thay đổi tùy theo từng vùng phát xuất; chẳng hạn, người đi từ các nước vùng Tây Phi châu phải chi trả khoảng 825 đôla từ lúc lên đường cho tới khi lên tàu sang Italia; từ các nước vùng đông Phi châu thì mắc hơn nhiều, khoảng 3750 đôla. Tổng cộng, các tổ chức tội phạm buôn người có thể thu vào ít nhất 400 triệu euro. Đó là chưa kể đến giá của những dịch vụ gọi là bảo vệ mà người di dân phải trả dọc theo đường đi.
Ông Mark Micallef, người soạn thảo báo cáo cho hiệp hội “Sáng kiến quốc tế chống lại nạn tội phạm có tổ chức liên quốc”, nhận định như sau: Người di dân và tỵ nạn đã đơn giản bị biến thành nguyên liệu dùng vào mục tiêu sản xuất cho các nhóm vũ trang đang kiểm soát lãnh thổ Libia.
Một cuộc điều tra mới đây của OIM cũng cho thấy là 52% người nam và 33% người nữ đã từng bị bắt cóc và giam cầm dọc theo các con đường di dân ở Phi Châu. Rất thường khi thủ phạm các vụ bắt cóc này tra tấn họ và bắt họ gọi điện về gia đình để xin tiền chuộc trong khi bị tra tấn. Vấn đề là khi lên đến đất Italia, rất có thể là những người này sẽ bị trả về nguyên quán vì lý do họ là người di dân lén lút vì lý do kinh tế, chứ không phải là người tỵ nạn.
(Mai Anh, RadioVaticana 24.07.2017/ CORDESE 19.07.17)