Các tai tiếng lạm dụng không làm nản lòng các linh mục tương lai của Mỹ

Nói gì thì nói, các linh mục vẫn là rường cột của Giáo Hội Công Giáo. Mỗi lần thấy sự hiện diện đông đảo của các ngài, người tín hữu Công Giáo vô cùng biết ơn và tin tưởng vào tương lai của Giáo Hội. Một số báo chí Công Giáo dường như quên hẳn sự thật đơn giản này, về hùa với các hệ thống truyền thông thế tục để chế giễu, tìm cách hạ thấp phẩm giá vô cùng cao qúy của chức linh mục. Điều này thấy rõ trong thời gian qua khi nạn lạm dụng tình dục trở thành điểm nóng của mọi tin tức thời sự, một điểm nóng đã bị kẻ thù của Giáo Hội nắm lấy để hãm hại Giáo Hội một cách trơ trẽn, trắng trợn, hợm hĩnh, phản cả lương tri.


Kết quả hình ảnh cho sspx seminarianĐiều rất an ủi là các linh mục tương lai của Giáo Hội vẫn bình thản tiếp tục hành trình ơn gọi của họ. Đây là điều ký giả John Allen xác nhận nhân chuyến viếng thăm Học Viện Bắc Mỹ tại Rôma, nơi tu học của khá nhiều linh mục tương lai của Hoa Kỳ.

Allen nhận định rằng trước đại nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục, thường có ba thái độ: sôi sục giận dữ thù hận, bối rối thất vọng, nhún vai, coi thường. Song song, có thái độ tha thiết muốn cải tổ, tập chú nhiều hơn vào những điều thiết yếu, muốn làm mọi điều đúng đắn trở lại.

Ông cho rằng đối với các vị phụ trách và các sinh viên tại Giáo Hoàng Học Viện Bắc Mỹ, thái độ sau cùng vừa kể là chung nhất một cách đáng ngạc nhiên.

Và nếu thế rất có thể có khả thể này: các khiếp đảm do đại nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục gây ra, bất chấp mọi rủi ro của nó, vẫn đang phát sinh ra một thế hệ linh mục ý thức rõ điều gì đang đem lại thách thức lớn lao cho ơn gọi của họ.

Cha Peter Harman, 1 linh mục thuộc giáo phận Springfield, Ill., và hiện là Viện Trưởng Học Viện từ năm 2016, cho hay “không ai trong chúng tôi yêu cầu vụ tai tiếng này cũng như vết thương do nó gây ra. Nhưng có lẽ, và tôi hoàn toàn tín thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, nếu nó khiến chúng tôi trở thành linh mục vì các lý do đúng đắn, thì xin được như thế”.

Cha Louis Masi, 1 linh mục sinh viên thuộc tổng giáo phận New York, 28 tuổi, nói rằng ngày nay, một phần của “các lý do đúng đắn này” là động cơ muốn trở thành một phần của giải pháp chứ không phải của vấn đề.

Cha Masi nói với Allen rằng ngài rất đỗi ngạc nhiên khi thấy giới trẻ ngày nay được lôi cuốn vào cuộc sống linh mục và tu sĩ “có ước nguyện trở thành thành phần của một thế hệ muốn làm dấu chỉ hy vọng, dấu chỉ thánh thiện và dấu chỉ ánh sáng trong Giáo Hội”.

Cha cho biết: “Dù mọi điều diễn ra trong Giáo Hội đang gây hiệu quả sâu xa đối với họ, nhưng, xét theo nhiều cách, chúng củng cố ơn gọi của họ một cách tích cực hơn vì họ hiểu ra rằng nếu họ có ước nguyện này trong trái tim ngay giữa cuộc khủng hoảng này, thì điều họ đáp ứng không hẳn chỉ là ý nghĩ chủ quan hay một điều được trình bầy cho họ, nhưng là một điều thực sự xuất phát từ Thiên Chúa”.

Cha Harman và 3 chủng sinh của Học Viện tiếp chuyện ký giả Allen hồi cuối tháng Tư vừa rồi, một phần trong bữa ăn trưa khi có hai vị vừa được phong phó tế, chuẩn bị bước kế tiếp lên chức linh mục, từ Hoa Kỳ trở về Học Viện và được cả nhà chào đón hân hoan. Cả nhà cơm rộn rã chào mừng hai vị trở lại cho thấy tinh thần hiệp thông hết sức cảm kích của Học Viện.

Giáo Hoàng Học Viện Bắc Mỹ hiện có sĩ số 212 sinh viên. Nhiều người đùa gọi Học Viện là “West Point của Giáo Hội Hoa Kỳ” nhưng thực ra Học Viện hết lòng cố gắng xua đuổi hình ảnh ưu tuyển ấy. Điều này càng quan trọng dưới triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, một triều giáo hoàng minh nhiên tuyên chiến với chủ nghĩa giáo sĩ trị tức chủ trương cho rằng hàng giáo sĩ nên được hưởng đặc ân hay địa vị cao qúy.

Tuy nhiên, vẫn không tránh được sự kiện Học Viện này thu hút mọi thế hệ tốt đẹp nhất và sáng chói nhất các chủng sinh của Hoa Kỳ. Nơi, theo Allen, tốt nhất để đo lường xem các nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội Hoa Kỳ nghĩ gì và cảm nhận những gì.

Joseph Ferme, 25 tuổi, chủng sinh năm thứ nhất từ tổng giáo phận Boston, nhưng lớn lên ở Long Island, cho hay không ai trong số những người thầy quen biết bác bỏ các tai hại do vụ tai tiếng này gây ra.

Thầy nói: “người của Học Viện không nấp mình sau tảng đá hay giả vờ cho rằng những điều đó không hề có, không hề có những cuộc đấu tranh trong Giáo Hội. Nhưng đồng thời, cũng có niềm vui lớn và hy vọng lớn đối với những người vẫn còn hoài mong chức linh mục. Họ hiểu thấu điều Giáo Hội thực sự đang cần vào thời điểm này trong lịch sử của chúng ta, đây là một điều tốt và các linh mục thánh thiện đang thực sự coi việc đào tạo một cách nghiêm túc”.

Cha Harman thừa nhận rằng vì nhiều sinh viên của ngài thuộc cỡ tuổi giữa và cuối đôi mươi, nên họ không bao giờ biết tới một Giáo Hội không bị thương tổn bởi cuộc khủng hoảng lạm dụng, và ngài tin rằng họ buộc phải đi sâu vào vấn đề này.

Ngài nhớ lại “Lúc tới Học Viện năm 1995, tôi là một chủng sinh khá tốt lành. Tôi làm điều mình giả thiết phải làm, tôi có điểm học vấn cao, tôi năng nổ trong cộng đoàn và phần lớn có thành quả tốt”.

Cha nhận định “Tôi nghĩ các sinh viên này phải có một đời sống cầu nguyện sâu sắc hơn, có tính bản thân hơn bằng cách suy niệm về Chúa Giêsu và sách thánh hơn tôi. Tôi nghĩ họ thực sự dấn thân vào việc vun sới điều đó trong cuộc sống của họ. Họ hiểu rõ nó là một sự cần thiết tuyệt đối”.

Cha Harman nhấn mạnh rằng dù có tinh thần mạnh mẽ, các sinh viên của cha cũng cảm thấy bị thương tổn bởi cuộc khủng hoảng lạm dụng. Cha nói “Những người thuộc tuổi họ, trong thế hệ này lúc thẩm quyền bị hoen ố, điều này thực sự bị lung lay không biết phải trông vào ai và nên tín thác ai”. Cha cho hay cha chỉ còn biết khuyên các chủng sinh bớt dành thì giờ cho các “blogs” và các phương tiện truyền thông xã hội và dành nhiều thì giờ hơn để xem xét chính đời sống và môi trường của họ, để biện phân ai và điều gì đáng để họ tín thác.

Một phần khác trong phương thức của Cha Harman là phải biết rõ mình chờ mong điều chi. Ngài bảo “Tôi nói với các sinh viên rằng nếu đây là nơi luật độc thân được nói tới nhưng không được yêu cầu, hay là nơi luật lệ của Giáo Hội không được tuân giữ, thì viện trưởng nên đi nơi khác. Nhưng tôi cũng đã nói: trách nhiệm của mọi người là phải sống điều đó, và nếu anh em không coi trọng cam kết đó, thì chúng ta nên chia sẻ tiền taxi ra phi trường Fiumicino cho rồi”.

Cha Harman ước tính rằng cho tới lúc 1 tân linh mục rời khỏi Học Viện, ngài đã tiếp thu gần 100 giờ huấn luyện về luật độc thân và khiết tịnh, các biên giới và sự thân mật, và phát triển tâm lý cũng như làm quen với các thủ tục chống lạm dụng của các giám mục Hoa Kỳ.

Ngài nói “Tôi có thể nói thay cho mọi người tôi biết rằng họ coi trọng việc đó. Họ ý thức rõ điều gì đang có nguy cơ”. Cha Harman tỏ ra thất vọng khi thấy các chủng viện và nền văn hóa chủng viện thường được viện dẫn trong cuộc thảo luận quanh các tai tiếng lạm dụng như là một nhân tố gây ra nó, mà, theo ngài, không nhìn nhận rằng bất cứ trong quá khứ đã xẩy ra như thế nào, nhưng điều xẩy ra ngày hôm nay khác rất nhiều. Được hỏi về tin đồn liên quan tới các “phường đồng tính” hay “ban vận động đồng tính”, cha cho biết phần lớn vô giá trị.

Cha nói “Có rất nhiều người tốt lành trong nhà này và trong các chủng viện, và nếu quả có những chuyện như thế, những người này không dung tha đâu. Họ sẽ nói đây không phải là điều chúng tôi muốn. Họ khá bộc trực đối với điều họ nhận thấy gây rắc rối cho họ, nên tôi không thấy người ta cứ để những điều như thế không bị phát hiện hay báo cáo”.

Cha Colin Jones, một linh mục sinh viên 27 tuổi thuộc tổng giáo phận Minneapolis-St. Paul, nơi đặc biệt bị tai tiếng vì lạm dụng, thừa nhận nó có gây đau đớn. Ngài bảo: “Quả hết sức đau đớn khi những nhà dìu dắt đó, những khuôn mặt người cha đó bị hạ thấp cách đó”. Nhưng ngài nhấn mạnh vẫn có những câu hỏi phải được trả lời trước khi đóng lại vấn đề.

Cha nhấn mạnh tới việc phải trở về nguồn cội. Cha nói “Cha linh hướng của tôi giúp đỡ tôi rất nhiều. Ngài buộc tôi phải đặt câu hỏi: ‘chức linh mục là gì? Nó tập chú vào những ai?’ Tôi không nhìn lên vị thầy này hay Đức Tổng Giám Mục hoặc các linh mục này nọ, mà là nhìn lên Chúa Giêsu”.

Phần mình, khi nhìn tổng thể, thầy Ferme cho hay dưới đống tro tàn tai tiếng, thầy thấy có ánh lửa. Thầy nói: “xét trong tình huống Giáo Hội hiện nay, người ta thực sự cần thấy một ai đó hiến dâng mọi sự cho Giáo Hội, chính cuộc đời họ, vì người ta tin điều đó và họ sẵng lòng làm điều đó, không chỉ cho Giáo Hội mà thôi mà cho mọi chi thể của Giáo Hội. Theo nghĩa này, đây là thời gian tuyệt vời để ở trong Giáo Hội”.

Vũ Văn An

(vietcatholic 02.05.2019)