Ba mươi sáu giám mục đại diện cho các cộng đồng Công giáo và Anh giáo trên khắp thế giới sẽ tham gia một cuộc hành hương tới Canterbury và sau đó đến Roma. Đây là cách các ngài đã chọn để kỷ niệm 50 năm ngày bắt đầu cuộc đối thoại chính thức giữa Giáo hội Công giáo và Cộng đồng Anh giáo. Cuộc đối thoại này đã chính thức bắt đầu với bản Tuyên bố chung được ký năm 1966 bởi Đức giáo hoàng Phaolô VI và Tổng giám mục Canterbury khi ấy là Michael Ramsey.
Uỷ ban đề ra sáng kiến này, IARCCUM, được thành lập vào năm 2000 như là một điểm tham chiếu mục vụ trong cuộc đối thoại giữa Roma và Canterbury. Ủy ban này hiện do Đức Tổng giám mục Công giáo Donald Bolen – giám mục Tổng giáo phận Regina (Canada), và giám mục Anh giáo David Hamid, đứng đầu. Các giám mục của Uỷ ban này, đến từ 18 quốc gia khác nhau – sẽ cùng nhau tham gia cuộc hành hương và kết thúc cuộc hành hương này ở Roma vào chiều 05 tháng 10. Đức giáo hoàng Phanxicô và vị lãnh đạo Anh giáo Justin Welby sẽ cử hành một nghi lễ phụng vụ để bế mạc cuộc hành hương. Các vị giám mục sẽ cùng đi với nhau từ Canterbury, chặng đầu tiên của cuộc hành hương “để khám phá những cách thức mới dựa trên cơ sở các khẳng định đã đồng thuận”, như các ngài nói.
Bắt đầu từ thứ 6-30-09, IARCCUM sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ ở Anh Quốc, để lượng giá những thành tựu trong 50 năm qua và đặc biệt, để suy tư về tài liệu nhan đề “Cùng nhau tăng triển trong Hiệp nhất và Sứ vụ”, văn bản ấn hành năm 2007, trong đó người Công giáo và Anh giáo cố gắng tổng hợp những thành quả và những thách đố mới nảy sinh từ cuộc đối thoại thần học giữa hai Giáo hội. Trong chặng đầu tiên của cuộc hành hương ở Canterbury, các giám mục sẽ viếng mộ Thánh Thomas Becket. Vào năm 1982, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và Tổng giám mục Canterbury khi ấy là Robert Runcie đã đến thăm ngôi mộ này và cùng cầu nguyện tại đây, đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử các mối tương quan Công giáo-Anh giáo gần đây.
Một lịch sử đã thực sự bắt đầu từ năm 1960, khi diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa một vị giáo hoàng –Gioan XXIII– và một vị lãnh đạo Anh giáo –Geoffrey Francis Fisher. Tuy nhiên, đó là chuyến viếng thăm cá nhân. Phải chờ đến ngày 24-03-1966 mới có cuộc gặp gỡ chính thức và có Tuyên bố chung đầu tiên với chữ ký của Đức Phaolô VI và Tổng giám mục Ramsey. Kể từ đó, qua Uỷ ban thần học hỗn hợp ARCIC, nhiều văn bản chung đã được soạn thảo về các chủ đề như Thánh Thể, Thừa tác vụ có chức thánh, Giáo hội học và Đức Maria… Nhưng chủ yếu là mối tương quan huynh đệ giữa Roma và Canterbury đã phát triển như là kết quả của các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các giáo hoàng và các vị lãnh đạo Anh giáo (cuộc gặp gỡ gần đây nhất vừa diễn ra tại Assisi vào tuần trước). Điều này bất chấp những khó khăn gây ra bởi những chia rẽ về các vấn đề mới, chẳng hạn việc phong chức linh mục cho phụ nữ và vấn đề đồng tính luyến ái, hiện đang là một nguyên nhân của sự bất đồng ngay cả trong Cộng đồng Anh giáo.
Cuộc hành hương chung được xem như một cơ hội để tăng cường đối thoại giữa hai Giáo hội, đặc biệt trên bình diện mục vụ, vốn là điểm nhắm của IARCCUM. Các giám mục sẽ đến Roma vào ngày 03 tháng10, viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Ngày 05 tháng 10 sẽ bắt đầu hội nghị khoa học tại Đại học Giáo hoàng Grêgôrianô. Nhưng sự kiện quan trọng nhất sẽ diễn ra tại nhà thờ Thánh Grêgôriô Cả ở Celio – là nơi mà từ đó Tu viện trưởng Augustinô đã được Đức giáo hoàng Grêgôriô Cả sai đi rao giảng Phúc Âm cho các dân tộc Anglo-Saxon vào năm 595. Tại đây, Đức giáo hoàng Phanxicô và Đức Tổng giám mục Welby sẽ cùng nhau cầu nguyện, chủ sự một nghi thức trao cho các giám mục hiện diện sứ vụ tiếp tục cuộc đối thoại trong cuộc sống hằng ngày nơi các cộng đoàn của các ngài.
(Vatican Insider)