Ngày 11 tháng 1 vừa qua, trong lời chúc hàng năm của Đức Phanxicô với ngoại giao đoàn tại Vatican, các vấn đề như cơn khủng hoảng di dân, nạn khủng bố và phí phạm thức ăn ở trọng tâm trong bài diễn văn của ngài.
|
Đứng trước các nhà ngoại giao trên khắp thế giới, Đức Giám mục địa phận Rôma nêu ra bốn thách thức lớn cho năm 2016. Hiện nay Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao với 180 nước trên thế giới
Đức Giáo hoàng cho hay, ngài “hài lòng” vì năm vừa qua, con số các đại sứ thường trú ở Rôma đã gia tăng, tổng cộng là 84. Đức Phanxicô đã có một bài diễn văn cương nghị với các đại sứ, “một thế giới được Chúa chúc lành và yêu thương lại bị đau khổ và chao đảo vì rất nhiều sự dữ.” Ngài cầu xin làm sao để “ngưng các thảm kịch này và xây dựng hòa bình trước khi quá trễ”, cũng như nhiều lần, ngài tố cáo nạn buôn người, nhất là khi nạn này dính với vấn đề di dân.
Giải quyết cơn khủng hoảng di dân
Ngày 17 tháng 1 sắp tới, 5000 người di dân sẽ về Rôma dự buổi kỷ niệm ngày Thế giới của Tị nạn và Di dân lần thứ 102, Đức Giáo hoàng lên tiếng trước ngoại giao đoàn “tình trạng khẩn cấp hiện nay của vấn đề này”. Ngài nhắc lại “cần phải nhận định các nguyên do, đề nghị các giải pháp, chiến đấu để thắng nỗi sợ kèm theo hiện tượng di dân hàng loạt và áp đặt mà trong năm 2015 đã tác động lên Âu Châu (…)”. Ngài nói thêm, “Ai sống sót và đến được nước đón nhận, người đó mang trong lòng nhiều tổn thương sâu thẳm của kinh nghiệm này, cọng thêm những tổn thương đã luôn đi theo kinh nghiệm sống kinh hoàng của chiến tranh và bạo lực.”
Về vấn đề nóng bỏng đón nhận người tị nạn và di dân ở Âu Châu, Đức Giáo hoàng đặc biệt mời gọi Âu Châu tìm một thế quân bình giữa “hai bổn phận, bổn phận tinh thần phải bảo vệ quyền của công dân mình và bổn phận trợ cấp và đón nhận người di dân”.
Ngày 17 tháng 1, trên 5000 người di dân sẽ về Rôma dự Kinh Truyền Tin ở Quảng trường Thánh Phêrô. Họ sẽ bước qua Cửa Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô để tham dự thánh lễ do Đức Hồng y người Ý Antonio Maria Vegliò cử hành, ngài là chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về người Di dân.
Thắng nạn khủng bố
Thêm một lần nữa, Đức Phanxicô lên án các “vụ khủng bố tàn sát” ở Phi Châu, Âu Châu và Trung Đông, ngài nói, chủ nghĩa cực đoan và chính thống tận căn nảy sinh từ sự “công cụ hóa tôn giáo cho những mục đích chính trị nhưng cũng từ sự trống rỗng ý tưởng, sự mất căn tính, kể cả mất căn tính về tôn giáo mà Phương Tây đang trải qua”.
“Chỉ có một hình thức ý thức hệ và tôn giáo lệch lạc mới có thể nghĩ mình làm công chính nhân danh Chúa”, ngài nêu rõ, “hành động tôn giáo đích thực là hành động cổ vũ cho hòa bình.” Ngài mong sự đe dọa tràn lan về nạn khủng bố quốc tế” sẽ không làm hại “tinh thần nhân bản” của Âu Châu.
Thi hành hiệp ước về khí hậu Cop 21
Đức Giáo hoàng cũng mong các hiệp ước Cop 21 được ký tại Paris vào đầu tháng 12 vừa qua không phải “chỉ là thiện ý suông nhưng buộc tất cả các quốc gia phải thực hiện các hành động cần thiết để giữ gìn trái đất yêu thương này của chúng ta, để toàn nhân loại và nhất là các thế hệ mai sau được hưởng.”
Liên hệ đến Thông điệp “Chúc tụng Chúa”, thêm một lần nữa, Đức Phanxicô lấy làm tiếc cho “văn hóa của loại bỏ, làm hủy hoại nhân tính, biến con người làm vật hy sinh cho ngẫu tượng của lợi nhuận và của tiêu thụ.” Ngài nói tiếp, “Lờn với tình trạng nghèo nàn và với nhu cầu tiêu thụ, lờn với thảm kịch của nhiều người và thấy đây là “bình thường” thì thật là nghiêm trọng”. Con người không còn được xem như một giá trị căn bản cần phải tôn trọng và che chở, nhất là với những người nghèo khổ, người khuyết tật, nếu họ “chưa hữu dụng” – như các em bé -, hoặc họ “không còn hữu dụng” – như những người lớn tuổi. Chúng ta trở nên dửng dưng với mọi hình thức phí phạm, mà phí phạm thức ăn là phí phạm đáng trách nhất vì có nhiều người , nhiều gia đình bị đói, bị suy dinh dưỡng.”
Làm dễ dàng cho sự “sống chung hòa bình” giữa người Israel và Palestina
Đức Giáo hoàng cũng mong “năm mói này có thể chữa lành vết thương sâu thẳm ngăn cách người Israel và Palestina để hai dân tộc này có thể sống chung hòa bình, mà tôi tin chắc, hai dân tộc này không muốn gì hơn là hòa bình!”
Đức Phanxicô kết thúc, “về mặt ngoại giao, Tòa Thánh sẽ làm việc không ngơi nghỉ để tiếng nói hòa bình được vang đến tận cùng trái đất. Phủ Quốc Vụ Khanh sẽ cộng tác với quý vị để làm dễ dàng cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh với các nước mà quý vị đại diện để mang lợi ích đến cho toàn Cộng đồng Quốc tế (…).”
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 13.01.2016/
lavie.fr, Laurence Faure, 2016-01-11)