Chúa Nhật II Phục Sinh, năm B (Ga 20,19-31)
“Chúc anh em được bình an!” là câu nói đầu tiên mà Đấng Phục Sinh nói với các môn đệ. Có rất nhiều câu nói khác mà Đấng Phục Sinh có thể nói để diễn tả cảm xúc khi được gặp lại các môn đệ sau cuộc vượt qua từ cõi chết sang cõi sống. Nhưng, Đức Giêsu Phục Sinh lại dùng câu nói này, vì sao?
Xét trong hoàn cảnh của các môn đệ sau biến cố Đức Giêsu chịu chết, chúng ta phải nhìn nhận rằng Đức Giêsu Phục Sinh quả thực là bậc thầy tâm lý. Thông thường, lời chúc bình an là lời cầu mong cho cho tương lai, dù tương lai xa hay gần. Trong bối cảnh của đoạn Tin Mừng này, lời chúc của Đấng Phục Sinh không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa đó, nhưng là lời để biến đổi một thực trạng đang hiện hữu, bởi Người biết tất cả các môn đệ đang bất an. Các ông bất an trong tình thần và cả bất an ngoài thể xác. Bất an trong tinh thần vì người Thầy bấy lâu nay mình kỳ vọng, mong đợi làm biến đổi tương lai, một hy vọng đổi đời, thì giờ lại chết cách bất công nhục nhã. Các ông chưa kịp nhận được chút danh lợi nào. Bất an về thể xác vì các ông sợ người Do Thái, họ đã giết thầy thì lẽ nào họ không giết trò! Thấu hiểu được nhu cầu của các môn đệ, Đức Giêsu Phục Sinh đã đem lại cho các ông ơn bình an. Tin Mừng viết “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần” (Ga 20,19), chính là ngày Phục Sinh, Người đã hiện ra với các ông. Người hiểu được tính cấp bách của Tin Mừng Phục Sinh khi mà các đồ đệ đang mong mỏi trong lo âu và hoài nghi. Người cũng ý thức bản thân mình đang mong mỏi được gặp lại các đồ đệ thân yêu. Chính vì thế, Người đã không trì hoãn mà hiện ra với các ông ngay trong ngày Phục Sinh. Sự hiện diện và lời chúc của Đấng Phục Sinh đã thực sự đem lại cho các ông bình an, bằng chứng là “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,20).
Lời chúc này của Đấng Phục Sinh có sức biến đổi đến thế sao? Nếu một lời nói bình thường thì sẽ chẳng có thể đem lại sức mạnh như vậy. Lời ấy có sức biến đổi các môn đệ trước hết là bởi giọng nói. Giọng nói của Đức Giêsu đã trở nên quá quen thuộc với các môn đệ, tiếng nói trầm ấm và có sức cuốn hút mà đã bao ngày tháng các ông lắng nghe. Cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh với các môn đệ tuy không lâu, nhưng nếu chúng ta làm thành một thước phim quay chậm thì chắc chắn điều mà các môn đệ nhận được đầu tiên từ Đấng Phục Sinh đó chính là giọng nói. Đang hoang mang, lo lắng, bối rối sau biến cố thầy chịu chết, giờ đây các ông được nghe thấy âm thanh của Đấng ấy phát ra. Một giọng nói quen thuộc. Các ông đang cần có ai đó lên tiếng nói trấn an các ông, nhưng chắc chắn không có tiếng nói nào có thể đem lại bình an cho các ông bằng tiếng nói của thầy Giêsu và ngay lúc này. Điều đó đã làm cho các ông bình an.
Ngay sau khi nghe giọng nói của thầy, các môn đệ cũng lập tức nhìn thấy thầy. Nếu như trước đó mấy ngày, các ông đã tận mắt nhìn thấy thầy bị bắt, bị đánh đập và bị giết chết thì giờ đây các ông lại tận mắt nhìn thấy thầy đang thật sự hiện diện bên các ông. Sự hiện diện của Đấng Phục Sinh minh chứng những gì đã tiên bao đều là sự thật. Các ông không còn hoài nghi ngờ vực nữa, cũng không còn lo sợ nữa bởi nguyên nhân của sự hoang mang lo sợ chính là thầy Giêsu, thì giờ Người đã ở đây. Thay vì cảm giác sợ sệt, lo âu đến nỗi phải co cụm trong bốn bức tường thì giờ đây cái cảm giác ấy đã biến mất hoàn toàn. Chính sự hiện diện của Đấng Phục sinh đem lại cho các ông ơn bình an.
Đức Giêsu Phục Sinh cũng chính là hiện thân của sự bình an. Người không chỉ là chủ thể trao ban bình an nhưng chính Người là Đấng Bình An, để ai được nghe, được thấy, được gần Người đều có được ơn bình an. Quả thế, chính sự xuất hiện của Đấng Bình An lập tức đem lại bình an cho các môn đệ. Lời chúc “Bình an cho anh em” của Đấng Phục Sinh không còn phải là một lời nói hay một lời chào nhưng có thể được hiểu rằng: “Thầy là Đấng Bình An được ban cho anh em”.
Đấng Phục Sinh hiện ra đứng giữa các ông và nói “Bình an cho anh em”. Trong khung cảnh nơi các môn đệ đang hiện diện, Đấng Phục Sinh có thể đứng bất cứ chỗ nào để trao ban lời bình an. Tại sao Đấng Phục Sinh lại đứng “giữa” các ông mà nói? Thứ nhất, dựa vào bối cảnh của bản văn, cho phép chúng ta hiểu các môn đệ đang hiện diện quây quần bên nhau. Sự hiện diện của các ông trong căn phòng kín không chỉ đơn thuần là việc trốn chạy một thực tại (vì sợ người Do Thái) nhưng có lẽ các ông còn đang mong chờ một điều gì đó khác. Quả vậy, các ông đang mong chờ Đấng Phục Sinh. Đấng Phục Sinh thấu hiểu điều đó, Người đã hiện ra giữa các ông. Người hiện diện giữa các ông để cho các ông ai cũng có thể thấy, ai cũng có thể được đụng chạm vào thầy mình. Thứ hai, theo đường đi của âm thanh, việc Đấng Phục Sinh đứng giữa các ông mà nói chính là vị trí tối ưu nhất để lời chúc bình an được lan tỏa đến tất cả các mọi người. Điều này cho chúng ta một lối hiểu sâu xa hơn, đó là Đấng Phục Sinh muốn ơn bình an phải được lan tỏa khắp nơi để bất kỳ ai cũng có thể nhận được.
Sự bất an là một thực trạng vốn tồn tại trong cuộc đời mỗi con người ngay từ thuở ban đầu kể từ sau khi tổ tiên loài người phạm tội. Hôm nay, qua sự chết, Đấng Phục Sinh đã đến phá tan đi sự bất an ấy. Đức Giêsu-Đấng Phục Sinh xưa kia đã trao cho các môn đệ và ngày nay cũng đang trao cho mỗi người “Bình an cho anh em”. Đó là thứ bình an đích thực, thứ bình an mà có thể phá tan mọi nỗi bất an. Nhưng thực tế, đối với con người ở mọi thời, sự bất an vẫn còn tồn tại. Vì sao? Trong diễn từ từ biệt các môn đệ để bước vào cuộc thương khó, chính Đức Giêsu đã nói “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Như vậy, ơn bình an phải được lãnh nhận từ chủ thể ban phát là Chúa Giêsu. Muốn có được bình an thật, chúng ta phải lãnh nhận từ chính Đức Kitô Phục Sinh và phải loại trừ mọi thứ bình an giả tạo. Phải lãnh nhận thế nào? Thưa, chúng ta phải có niềm tin vào Thiên Chúa: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Người tin trước hết phải để cho tiếng nói của Đấng Phục Sinh: “Bình an cho anh em” không ngừng được vang lên bên đôi tai của mình. Thứ đến, người tin phải luôn có tinh thần “đón nhận” trong suốt hành trình lữ hành. Hãy là “đón nhận” chứ không phải “chấp nhận”. Đón nhận thánh giá cuộc đời, đón nhận tha nhân, đón nhận những nghịch cảnh,… Mang trong mình tinh thần “đón nhận” là người tín hữu đã nhận được ơn bình an của Thiên Chúa-Đấng Phục Sinh vì chính Chúa Phục Sinh hiện diện nơi ấy.
Giuse Đoàn Văn Tuân